"Kỳ nhân" còn một chân lành ở Hải Dương rớt nước mắt nhìn trang trại tan hoang sau bão

Nguyễn Việt Thứ tư, ngày 30/10/2024 09:00 AM (GMT+7)
Bão số 3 quét qua xóm Cầu Ván (khu dân cư Cầu Giòng, phường Cộng Hoà, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương) khiến nhiều chuồng trại, vườn rừng của "kỳ nhân" còn một chân lành Nguyễn Đình Tuấn bị đổ sập, hư hại nặng nề. Không sản xuất, chăn nuôi được, nguồn thu cũng chẳng còn, không biết những ngày tháng tới, anh xoay xở thế nào?
Bình luận 0
"Kỳ nhân" còn một chân lành ở Hải Dương rớt nước mắt nhìn trang trại tan hoang sau bão - Ảnh 1.

Trang trại tan hoang sau bão

Trang trại của "kỳ nhân" còn một chân lành Nguyễn Đình Tuấn ở xóm Cầu Ván (khu dân cư Cầu Giòng, phường Cộng Hoà, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương) nằm sâu trong một hẻm núi, đường đi ghập ghềnh, khúc khuỷu.

Đường đất đồi ít người đi lại, cỏ mọc kín, cành cây rừng vươn ra bít lối, khiến anh đồng nghiệp điều khiển xe ô tô vừa đi vừa run. Anh phải chăm chú điều khiển xe để không trật bánh lao xuống suối. Đánh vật mãi cuối cùng, chúng tôi mới đến được trang trại của anh.

"Kỳ nhân" còn một chân lành ở Hải Dương rớt nước mắt nhìn trang trại tan hoang sau bão - Ảnh 2.

Bão số 3 quét qua đã ảnh hưởng nặng nề đến chuồng trại nuôi gà của "kỳ nhân" còn một chân lành Nguyễn Đình Tuấn. Ảnh: Nguyễn Việt.

"Kỳ nhân" còn một chân lành ở Hải Dương rớt nước mắt nhìn trang trại tan hoang sau bão - Ảnh 3.

Chuồng nuôi gà tốc mái nhìn thấy trời xanh. Ảnh: Nguyễn Việt.

Cửa nhà mở toang nhưng gọi mãi không thấy "kỳ nhân" lên tiếng. Gọi điện thoại cũng không thấy anh nghe máy. Sang hàng xóm hỏi, họ cũng không biết anh đi đâu. Đợi một lúc, chúng tôi lên xe ra về thì "kỳ nhân" Nguyễn Đình Tuấn xuất hiện từ lưng chừng đồi đi xuống.

Anh cởi trần mặc quần đùi, lộ rõ thân thể khuyết thiếu nhiều bộ phận cơ thể. Anh Tuấn chỉ còn chân phải lành, còn chân trái bị cụt đến gần bẹn, trong hai tay, có tay phải cụt gần đến nách, tay trái còn cánh tay nhưng cụt mất bàn tay.

Hoạt động đi lại của anh nhờ chiếc nạng gỗ được điều khiển bằng cánh tay thiếu bàn tay. Dáng anh đi thập thững một bước chân, một bước nạng. Hỏi chuyện hoá ra, anh đi thăm rừng nên không mang điện thoại, trong rừng sâu cũng không nghe thấy tiếng chúng tôi gọi.

Vào nhà trò chuyện một lúc, rồi "kỳ nhân" còn một chân lành Nguyễn Đình Tuấn dẫn chúng tôi ra thăm một số khu chuồng chăn nuôi gà. Anh điều khiển chiếc nạng gỗ đi thoăn thoắt còn chúng tôi lành lặn cứ phải mải miết đuổi theo sau. Qua con suối, đi một đoạn khu chuồng trại rộng hàng trăm mét vuông hiện ra. Nhưng hỡi ôi!

"Kỳ nhân" còn một chân lành ở Hải Dương rớt nước mắt nhìn trang trại tan hoang sau bão - Ảnh 4.

Bão đã quật tung mái nhiều chuồng gà, chuồng lợn của trang trại anh Tuấn. Ảnh: Nguyễn Việt.

"Kỳ nhân" còn một chân lành ở Hải Dương rớt nước mắt nhìn trang trại tan hoang sau bão - Ảnh 5.

Mái phi - blô - xi - măng của chuồng gà vỡ nằm ngổn ngang trên nóc, trên tường chuồng gà. Ảnh: Nguyễn Việt.

"Kỳ nhân" còn một chân lành ở Hải Dương rớt nước mắt nhìn trang trại tan hoang sau bão - Ảnh 6.

Ngói Phi - blô - xi - măng rơi, vỡ, nằm ngổn ngang dưới nền chuồng gà. Muốn chăn nuôi được phải sửa chữa chuồng trại. Ảnh: Nguyễn Việt.

Trước mặt chúng tôi là khu chuồng gà tan hoang. Hơn một tháng rưỡi sau bão, hiện trạng vẫn không suy chuyển, khung mái chuồng nhiều chỗ gẫy sập, ngói phibloximang vỡ rơi ngổn ngang trong nền chuồng. Từ trong chuồng nhìn lên trời thấy cả một khoảng trời xanh. Chúng tôi nhìn Tuấn thấy anh vẫn chưa hết nỗi buồn khi nhìn khu chuồng tan hoang của mình. "Chẳng còn gì cả!", Tuấn rưng rưng.

Tôi còn nhớ, trước đây, chỗ khu chuồng này là bãi chăn thả gà. Sau dịch bệnh Covid, anh Tuấn đầu tư khoảng 60 triệu đồng san gạt xây chuồng gà này. Chuồng này rộng hơn 200 m2, anh nuôi với quy mô 2000 con gà/lứa. Nhưng giờ, chuồng gà chỉ còn cảnh tan hoang, nóc mái, ngói ngổn ngang.

Đến một chuồng gà khác, chúng tôi cũng gặp cảnh tan hoang như vậy, mái sập, ngói phibloximang rơi ngổn ngang trong nền chuồng. Khu chuồng này, anh Tuấn thường nuôi mức 500 con gà.

Tuấn cho biết, có 7 chuồng bị bão quét qua làm sập và hư hại với nhiều mức độ khác nhau. Các chuồng này, giờ không thể chăn nuôi được.

Clip: Trang trại chăn nuôi và vườn đồi của "Kỳ nhân" còn một chân lành Nguyễn Đình Tuấn bị bão số 3 tàn phá nặng nề. T/h: Nguyễn Việt.

Không chỉ chuồng trại đổ sập, nhiều cây côi cũng bị bão quật đổ, như bên ngoài chuồng nuôi 500 con gà, chúng tôi cũng thấy có mấy cây sưa đỏ hơn chục năm tuổi đang bắt đầu có lõi cũng bị bão quật đổ. Ngoài ra còn hàng chục cây sưa khác cũng bị đổ, gẫy cành ở các mức khác nhau.

Trong 4000 gốc bạch đàn cao sản anh Tuấn mới trồng trên diện tích 4ha, cơn bão cũng làm đổ, gẫy khoảng nghìn cây bạch đàn cao sản, nhiều cây chết khô lá, khô thân. Nhiều bụi tre lấy măng cũng bị bão đánh bật gốc nằm ngổn ngang bên suối.

Gian nan hành trình xây dựng trang trại của "kỳ nhân" còn một chân lành

Nghe Tuấn kể lại, vào năm 12 tuổi, đang nghỉ hè để lên học lớp 6, trong một lần sang nhà người anh họ cũng là làng xóm cùng một số người bạn cùng làng ngồi xem tháo bom.

Chẳng may, quả bom phát nổ, hậu quả người anh họ, mấy người bạn ngồi xem tháo bom tử vong, còn Tuấn bị thương nặng. Bom làm cho Tuấn bị mất một chân, một cánh tay dập nát phải cắt bỏ toàn bộ cánh tay còn chừa một đoạn gần nách, còn tay kia bị nát phần bàn tay, phải cắt mất bàn tay.

Sau nhiều tháng điều trị, vượt qua lằn ranh sinh tử, cậu bé Tuấn trở về nhà với hình hài thiếu khuyết nhiều bộ phận cơ thể. Vì thế cứ trái gió trở trời các vết thương trên cơ thể lại hành hạ cậu.

"Kỳ nhân" còn một chân lành ở Hải Dương rớt nước mắt nhìn trang trại tan hoang sau bão - Ảnh 7.

Sau bão số 3, anh Tuấn gắng gượng khôi phục những cây trồng bị đổ do bão số 3 gây ra. Ảnh: Nguyễn Việt.

Cũng từ đó, cậu phải học cách thích nghi với cơ thể thiếu khuyết chân tay, thích nghi với cuộc sống không thể chạy nhảy như chúng bạn, thích nghi với việc không được đi học như các bạn trong làng.

Những ngày sau, Tuấn phải học tập đi với nạng, tập điều khiển thìa bằng cánh tay mất bàn tay. Cũng phải mất nhiều thời gian Tuấn mới thích nghi và thành thạo được những thao tác vốn đơn giản với người bình thường. Khi thích nghi với các việc đi lại, tự xúc ăn được, Tuần còn làm được nhiều việc khác trong cuộc sống. Tuấn còn giúp bố mẹ chăn con trâu.

Năm 1994, Tuấn vào khu vườn đồi của gia đình ở khu Cầu Ván. Từ đấy, anh gắn bó với khu đồi đến nay. Đối với diện tích vườn đồi, anh dần cải tạo chỗ trồng sắn, chỗ trồng vải.Rồi anh nuôi gà, quy mô nuôi ban đầu khá khiêm tốn, vài trăm con gà/lứa.

Ngoài những lúc bố mẹ, anh chị vào giúp, Tuấn cũng phải tự làm. Anh vác cám, lấy nước cho gà ăn, uống. Ngay như việc vác cám cho gà ăn, anh cũng phải tập, vì không còn bàn tay để cầm nắm nên việc đưa bao cám lên vai đối với Tuấn cũng là cả vấn đề.

Khi đưa được bao cám lên vai, việc vác cám từ nhà chứa cám đến chuồng gà cũng lại cả một quá trình mà Tuấn phải vật vã trải qua và thích nghi. Vì cánh tay mất bàn tay điều khiển nạng, còn mỏm tay cụt gần đến nách còn lại ngắn quá không giữ được bao cám trên vai. Nhiều lúc đang vác đi, bao cám rơi xuống đất những lúc đó, Tuấn lại hì hụi đánh vật với bao cám. Hay những lúc trời mưa đường trơn dễ trượt hoặc mất thăng bằng cơ thể dẫn đến ngã cũng thường xuyên xảy ra.

"Kỳ nhân" còn một chân lành ở Hải Dương rớt nước mắt nhìn trang trại tan hoang sau bão - Ảnh 8.

Dù chân tay không còn lành lặn, anh Nguyễn Đình Tuần vẫn chăm chỉ lao động gây dựng cuộc sống của 2 bố con anh. Ảnh: Nguyễn Việt.

Nghe Tuấn kể những ngày tháng "khởi nghiệp" trong việc phát triển trang trại vườn đồi gắn chăn nuôi, nhất là việc thích nghi với các công việc bê vác nặng thì mới thấy để có được thành quả, nuôi được lứa gà thành công Tuấn phải khó khăn, vất vả thế nào.

Những năm sau đó, nhờ tích luỹ từ những vụ gà thắng lợi, anh Tuấn có tiền tiếp tục đầu tư xây thêm chuồng trại, mở rộng, nâng quy mô chăn nuôi lên hàng nghìn con gà/lứa và nuôi gối giữa các chuồng.

Đối với vườn đồi, Tuấn bỏ trồng sắn để chuyển sang trồng vài héc ta rừng keo, còn vườn anh dành trồng mít. Những khoảng đất trống sau nhà và khoảng đất trống ở chuồng gà anh trồng vài chục gốc cây sưa để tạo bóng mát cho nhà ở, cho gà trú nắng, mưa, đồng thời cũng mong muốn vài chục năm sau làm "vốn" dưỡng già. Phần ven suối anh trồng hàng chục gốc tre măng Bát Độ để vừa giữ đất chống xói mòn, sạt lở vừa có nguồn thu từ khai thác măng.

Sau Covid, anh tiếp tục đầu tư xây 2 chuồng lớn rộng, trong đó 1 chuồng nuôi với quy mô 2000 con gà, một dãy chuồng nuôi lợn với quy mô nuôi hàng vài chục con lợn gồm cả lợn nái và lợn thịt. Với 2 chuồng này, anh Tuấn có 7 khu chuồng nuôi gà, nuôi lợn.

Với những nỗ lực để phát triển trang trại, nếu thuận lợi, may mắn và thành công, trang trại sẽ cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên những năm gần đây, Tuấn liên tục gặp vận đen đeo bám trong chăn nuôi.

Khi nuôi lợn, Tuấn gặp tình trạng lúc lợn được giá cao thì không có lợn bán, lúc không dịch bệnh, có nhiều lợn để bán lại gặp giá rẻ. Còn nuôi gà anh cũng gặp tình trạng tương tự. Lúc gà được giá cao thì đàn gà của anh nuôi gặp phải cám không chất lượng, không được đầu cân nên lứa hoà, lứa lỗ.

"Kỳ nhân" còn một chân lành ở Hải Dương rớt nước mắt nhìn trang trại tan hoang sau bão - Ảnh 9.

Anh Tuấn chăm sóc cây măng mới trồng. Ảnh: Nguyễn Việt.

Lúc rừng keo được khai thác, có nguồn thu, Tuấn dành một phần vốn để tái sản xuất. Anh mua cây giống bạch đàn cao sản để trồng thay thế cây keo với mong muốn, cây bạch đàn cao sản trồng vừa nhanh được khai thác, giá trị lại cao hơn cây keo.

Một phần vốn, anh đầu tư trồng thêm vài chục gốc măng (giống măng cho năng suất, sản lượng) giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, anh còn vào vài trăm con gà để nuôi.

Không ngờ lần này bão số 3 quét qua khiến trang trại của anh tan hoang. Khó khăn chồng chất khó khăn đối với "kỳ nhân" còn một chân lành Nguyễn Đình Tuấn.

Sống thế nào khi không còn sinh kế?

Về đời sống tình cảm, "kỳ nhân" Nguyễn Đình Tuấn có 2 đời vợ. Người vợ đầu sinh cho anh một con trai. Sau đó một thời gian vợ cũng bỏ về nhà mẹ đẻ. Anh một mình nuôi con thơ. Hiện nay, con trai anh đã hơn 20 tuổi và đã đi làm. Vài năm trước, anh lấy vợ mới, với mong muốn vợ chồng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Được một thời gian, người vợ này cũng đã bỏ về quê.

Trở lại với câu chuyện cơn bão số 3 quét qua làm trang trại sập đổ tan hoang, khiến anh không sản xuất, chăn nuôi được, không có nguồn thu, những ngày tới sẽ sống thế nào? Có kế hoạch gì về việc khôi phục lại sản xuất của trang trại không?

Đem câu hỏi đó hỏi Tuấn, anh cho biết: "Hiện nay, đồi bạch đàn cao sản mới trồng, phải 5 - 6 năm sau mới cho khai thác. Còn về chuồng trại bị sập, đổ, vỡ hết rồi, giờ có muốn chăn nuôi cũng không còn vốn để sửa chữa chuồng trại, mua con giống nữa. Cạn vốn rồi. Trước mắt, trang trại của tôi không có nguồn thu gì cả.

Clip: Kỳ nhân còn một chân lành Nguyễn Đình Tuấn chăm sóc những gốc măng con. T/h: Nguyễn Việt.

Giờ tạm thời nguồn sống của tôi trông chờ vào nguồn trợ cấp hàng tháng của nhà nước dành cho người khuyết tật. Mỗi tháng tôi được hơn 1,1 triệu đồng. Giờ phải tiết kiệm hết mức.

Trước mắt tôi sẽ vẫn tiếp tục chăm sóc đồi bạch đàn và vài chục gốc măng mới trồng. Thời gian tới nếu vay được vốn, tôi sẽ sửa chuồng trại, mua con giống để nuôi trở lại với quy mô nhỏ 500 – 600 con gà, khắc phục dần dần vậy.

"Tôi cũng mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão gây ra, tạo điều kiện cho tôi vay vốn để phục hồi sản xuất, sớm vượt qua khó khăn này", anh Tuấn cho hay.

Anh Phùng Đắc Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cộng Hoà cho biết, trong cơn bão vừa qua, nhiều cán bộ, hội viên, người dân trong phường gặp thiệt hãi do cơn bão số 3 gây ra, trong đó có trường hợp của anh Nguyễn Đình Tuấn ở khu dân cư Cầu Giòng. Anh Tuấn là một trường hợp đặc biệt, anh Tuấn rất nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, sản xuất suốt những năm qua. Nhiều người rất quý tấm gương vượt khó của anh.

Tuy nhiên, cái khó ở chỗ anh Tuấn không phải hội viên Hội Nông dân phường Cộng Hoà nên về mặt tập thể hội sẽ khó hỗ trợ cho anh. Còn dưới góc độ cá nhân tôi sẽ hết sức giúp đỡ để anh Tuấn sớm vượt qua khó khăn hiện nay.

"Kỳ nhân" còn một chân lành ở Hải Dương rớt nước mắt nhìn trang trại tan hoang sau bão - Ảnh 10.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem