Hồi đầu năm nay, Phan Thanh Việt bị Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt giữ theo lệnh truy nã đặc biệt khi ông ta đang lẩn trốn ở ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Ngày 12/11 vừa qua, Việt bị TAND tỉnh Quảng Ngãi xét xử và tuyên mức án tử hình về tội "Giết người" và "Cướp tài sản".
Ông ta cũng là người cuối cùng bị xét xử trong số 5 người đã gây ra tội ác chấn động vào năm 1981 tại quê nhà Quảng Ngãi.
Khi tội ác của Việt được phơi bày, người dân ở ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước mới ngỡ ngàng trước tội lỗi mà người hàng xóm hiền lành của mình gây ra mấy chục năm trước.
Theo hồ sơ, vào năm 1981, Quảng Ngãi lúc bấy giờ còn thuộc tỉnh Nghĩa Bình. Lợi dụng việc có nhiều người muốn vượt biên bằng đường biển, Phan Thanh Việt đã lên kế hoạch cùng 4 đồng phạm gồm: Nguyễn Minh Châu; Bùi Văn Lâm; Võ Văn Thọ và Bùi Thanh Sơn tìm người và tổ chức cho họ đi vượt biên, nhưng thực chất là để giết chết họ cướp tài sản chia nhau.
Ngày 6/4/1981, Việt lừa được nhiều người muốn đi vượt biên. Số người này được Việt đưa từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi. Trong số đó, có nhóm 6 người trong cùng một gia đình gồm: 3 người đàn ông, 2 phụ nữ và bé trai 11 tuổi.
Tối 8/4/1981, vào khoảng 19h, Việt và các đồng phạm nói dối với 6 nạn nhân là dẫn họ đi để cho ra biển vượt biên, nhưng sau đó đã lần lượt giết chết họ bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.
Riêng Phan Thanh Việt được xác định đã trực tiếp dùng súng bắt chết người phụ nữ và bé trai 11 tuổi tại một cồn cát đã được đào sẵn hố sâu. Sau khi ra tay, thi thể 2 nạn nhân được Việt vùi xác xuống hố rồi dùng lá khô phủ kín, nhằm tránh sự phát hiện của người khác.
Thực hiện xong tội ác, nhóm của Việt chia nhau tài sản của các nạn nhân. Theo đó mỗi người được 2 chỉ vàng, 50 đồng và một số vật dụng, cùng thức ăn...
Người dân địa phương sau đó phát hiện mùi tử khí nên trình báo công an. Cảnh sát sau khi vào cuộc điều tra đã bắt giữ 4 đồng phạm của Việt gồm: Châu, Sơn, Thọ, Lâm. Tuy nhiên, Châu sau đó trốn trại và chống trả nên bị lực lượng chức năng tiêu diệt; 3 người còn lại đã bị tuyên án tử hình và chung thân vào năm 1982.
Riêng Phan Thanh Việt lúc này đã bỏ trốn ở nhiều nơi, rồi đến tỉnh Cà Mau định cư, sinh sống suốt 43 năm qua cho đến khi bị bắt giữ hồi đầu năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Hiền – Trưởng ban nhân dân ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi Việt bị bắt, người dân địa phương mới biết được sự thật về người hàng xóm hiền lành của mình.
Theo ông Hiền, trước khi về sinh sống ở ấp Phong Lưu, Phan Thanh Việt lấy tên là Đàm Xuân Trí, và tạm trú ở xã Trần Thới, huyện Cái Nước.
"Hơn chục năm trước, ông ta về sinh sống tại địa phương và khai tên thật của mình là Phan Thanh Việt, nhưng nói rằng quê quán ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau", ông Hiền nhớ lại.
Người dân địa phương cho biết, Việt trước đó sinh sống ở xã Trần Thới, rồi đến huyện Năm Căn làm vuông tôm. Đến khi người con gái của ông ta được gã chồng về ấp Phong Lưu, lúc này Việt mới đưa theo vợ là bà N.K.S. đến địa phương này mua lại một miếng đất nhỏ để cất nhà cho vợ sinh sống.
Riêng Việt, ông ta cũng thường xuyên không có mặt ở địa phương mà đi đi về về, khi bà con hỏi thăm thì Việt nói phải đi làm vuông tôm ở xứ khác.
Người dân ở ấp Phong Lưu cho biết, từ khi Việt về ở tại địa phương, người này sống rất hòa đồng với mọi người, không vi phạm pháp luật gì. "Đôi khi Việt cũng có nhậu nhẹt với anh em nhưng uống rất ít, và khi có chén rượu chén chà, ông ta rất kín tiếng, không nói gì nhiều", hàng xóm của Việt cho biết.
"Khoảng 3 năm trước, Việt trong một lần nhậu với một người dân ở địa phương tên Vua, lúc sau hai người xảy ra mâu thuẫn, Việt chỉ thẳng mặt bạn nhậu nói cở mầy tao giết chết biết bao nhiêu thằng", Trưởng ban nhân dân ấp Phong Lưu Nguyễn Văn Hiền kể.
Theo ông Hiền và bạn bè của Việt, cho đến bây giờ, mọi người khi nhớ lại câu nói của Việt năm xưa trong lúc xảy ra mâu thuẫn với bạn nhậu thì ai cũng "ớn lạnh".