Dân Việt

Xót xa tâm sự nữ công nhân, đi làm 15 năm vẫn ở trọ, hơn 10 năm chưa một lần đưa đón con

Thùy Anh 19/11/2024 06:30 GMT+7
Ước mơ có một ngôi nhà để “an cư lập nghiệp” nhưng rất nhiều công nhân lao động vẫn chưa thể tiếp cận được với nhà ở xã hội thu nhập thấp vì nhiều lý do. Thực tế được ghi nhận từ Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

“Con trai thắc mắc sao chưa bao giờ mẹ đưa đón con đi học vậy?!”

Làm công nhân đã được 15 năm, nhưng sau đó 8 năm khi kết hôn, chị Trần Lê Quỳnh (30 tuổi) cùng chồng mới có cơ hội mua một căn nhà xã hội thu nhập thấp để có nơi trú ngụ.

Chị Quỳnh kể, ngày quyết tâm mua nhà cũng lo lắng lắm. Lúc đó, hai vợ chồng đều làm công nhân ở Công ty TNHH SaKurai Việt Nam tại Thanh Hóa, thu nhập cả hai mỗi tháng chỉ khoảng hơn chục triệu đồng/tháng. Nghĩ tới các khoản nợ khi mà vừa phải lo tiền ăn, tiền nuôi con khiến họ rất căng thẳng. Nghĩ tới nghĩ lui nhưng chị Quỳnh vẫn quyết tâm mua nhà, vay hơn 50%. May thay, sau 8 năm mua nhà đến nay anh chị đã trả xong hết nợ. Thu nhập cũng tạm đủ nuôi 2 con ăn học.

“Nghĩ lại thấy quyết định mua nhà lúc đó là đúng đắn nhất của vợ chồng tôi. Có nhà ở, vợ chồng tôi yên tâm làm ăn, con cái cũng được chăm sóc, học hành đầy đủ”, chị Quỳnh nói.

Mặc dù đã có nhà để ở, nhưng chị Duyên vẫn khá băn khoăn bởi vì khu nhà ở cách xa trường học của các con. Nhiều khi phải làm tăng ca, đưa đón con đi học gặp nhiều bất tiện, nhất không có nơi trông con ngoài giờ. “Chúng tôi chỉ mong chính quyền, công ty quan tâm có thể xây dựng thêm một số thiết chế: trường học; trạm y tế; và chợ, khu mua sắm… để công nhân lao động ở khu công nghiệp có nơi ăn uống, sinh hoạt thuận tiện”, chị Quỳnh chia sẻ.

Xót xa tâm sự nữ công nhân, đi làm 15 năm vẫn ở trọ, hơn 10 năm chưa một lần được đón con - Ảnh 1.

Chỉ có rất ít căn nhà ở được xây dựng nhằm phục vụ công nhân, lao động. Ảnh: N.T

Cùng tâm sự, chị Lê Thị Duyên (41 tuổi) quê ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đang làm việc tại Công ty Sakurai Quảng Hưng (TP. Thanh Hóa) cho biết hiện tại chị vẫn đang ở trọ, hơn 10 năm nay chưa bao giờ đưa đón con đi học. Mong ước có một ngôi nhà để an cư quá xa vời, không biết bao giờ mới thành hiện thực.

Chị Duyên chia sẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị lấy chồng muộn, chồng là bộ đội đóng quân ở đơn vị cách nhà 50km, còn chị làm công nhân cũng cách nhà 35 km. Bất đắc dĩ 2 vợ chồng chị đành gửi con lại cho ông bà nội nuôi dưỡng để đi làm, chồng thì ở đơn vị còn chị thì xin ở trọ ngoài gần công ty.

Có những lúc nhìn con ốm đau mà không được chăm sóc, dạy dỗ, chị Duyên buồn bã, không giấu được những giọt nước mặt.

“Nhiều lúc nghĩ đi làm để có tiền chăm lo cho con cái nhưng nhiều khi tôi nghĩ cũng không biết đi làm để làm gì nữa vì chồng nơi, vợ nẻo, con cái thì không được chăm sóc, ở gần. Nhiều lúc bé con trai lớn thắc mắc ‘sao không bao giờ thấy mẹ đưa đón con đi học thế’ ”, chị Duyên ngậm ngùi.

Thường cuối tuần chị Duyên mới về quê một lần, nhưng có những lúc con nhỏ ốm, hết ca làm chị lại phải chạy xe máy mấy chục km về với con. Có lúc đang chạy xe mà mệt quá ngủ gật, chị đành phải dừng xe ngồi quán nước nghỉ cho qua cơn buồn ngủ rồi mới dám đi tiếp.

Chị Duyên cho biết, cũng mơ ước có một ngôi nhà để ở và đón hai con lên ở cùng nhưng tính đi tính lại chị thấy chưa hợp lý nên chưa mua. “Nếu mua nhà thì vay mượn trả góp thôi, nhưng vì 2 con tôi còn bé, mua nhà ở đây, trường học lại xa, tôi ở một mình không thể đưa đón hai con đi học xa, lại không có nơi gửi muộn. Giá như nhà ở xã hội ở khu công nghiệp có đầy đủ, trường, trạm, chợ búa… thì tôi cũng cố gắng mua nhà đón con lên học, gửi đón muộn… để yên tâm đi làm”.

Cần những chính sách toàn diện để hỗ trợ giúp công nhân, lao động

Ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (Thanh Hóa) cho biết, hiện công ty có gần 13.000 công nhân lao động trong đó có khoảng 700-1.000 (khoảng 8%) lao động chưa có nhà ở đang phải đi thuê trọ. Mức lương bình quân công ty trả cho lao động khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Mặc dù công ty đã có nhiều chế độ đãi ngộ, cộng phụ cấp (tăng ca; thâm niên, trợ cấp ở trọ…) nhưng với mức thu nhập này lao động rất khó để mua nhà ở xã hội nếu không có sự hỗ trợ.

Theo báo cáo, Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp của tỉnh, có 493 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn trên địa bàn tỉnh, nhằm phục vụ nhu cầu về nhà ở và các công trình dịch vụ phúc lợi cho đoàn viên, công nhân lao động là rất cần thiết.

Cũng theo ông Quang, ngoài tiền lương, công đoàn công ty luôn nỗ lực đấu tranh thương lượng với công ty để tăng chính sách phúc lợi cho người lao động. Ví dụ như tiền ăn, tiền CPI; tiền thâm niên… Tuy nhiên, theo ông Quang để người lao động yên tâm gắn bó làm việc thì ngoài vấn đề tiền lương, môi trường làm việc thì rất cần có những chính sách về hỗ trợ mua, cho thuê nhà ở cho công nhân cùng với các thiết chế đi kèm tại khu công nghiệp.

“Hầu hết người lao động đều mong muốn được mua nhà ở xã hội giá rẻ, nơi có đủ thiết chế công đoàn từ: Nhà trẻ; trường học; chợ; trạm y tế; nhà văn hóa đa năng,… để ổn định cuộc sống. Tuy vậy, hiện giờ chỉ mới có 1-2 khu nhà ở xã hội do doanh nghiệp xây dựng chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở xã hội của người lao động”, ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, hiện giờ doanh nghiệp rất khó khăn mới đào tạo được một người lao động, nếu không có chính sách hỗ trợ thì rất khó để giữ chân họ, chỉ 1-2 năm là họ lại bỏ việc về quê. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp ở khu công nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

Chia sẻ trước những khó khăn mà người lao động đang gặp phải hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ra quyết định xây dựng khu Thiết chế cho công nhân lao động tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Xót xa tâm sự nữ công nhân, đi làm 15 năm vẫn ở trọ, hơn 10 năm chưa một lần được đón con - Ảnh 2.

Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa thăm bữa ăn ca của công nhân. Ảnh:NVCC

Bà Lê Thị An – Phó chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay công đoàn khu có tổng 138 đơn vị, với tổng hơn 84 nghìn công nhân viên chức người lao động, trong đó đoàn viên là hơn 83 nghìn người.

“Qua nắm bắt, chúng tôi thấy nhu cầu mua nhà ở của công nhân lao động là không nhỏ, khoảng 8%/tổng số công nhân trên địa bàn khu công nghiệp. Số này thường là lao động có nhà ở xa, hoặc vợ chồng trẻ tách hộ, hoặc lao động địa phương đang làm việc ở vùng khác di cư về quê làm ăn nhưng không có nhà. Đa phần mọi người đều có mong muốn mua nhà để ở và làm việc lâu dài tại khu công nghiệp”, bà An nói.

Hiện nay vấn đề nhà trọ, nhà ở cho công nhân cũng đã được chính quyền quan tâm. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã rất quan tâm và cũng đã đề xuất với UBND tỉnh và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sớm xây dựng thiết chế dành cho công nhân lao động.

Ông Lê Trọng Lương – Phòng kế hoạch Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Hóa cho biết, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa mới có 2 khu nhà ở cho công nhân ở Cảng Lễ Môn (TP Thanh Hóa). Quy mô của khu này chỉ 2 tòa, với hơn 136 căn, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 300 công nhân. Số còn lại công nhân đều phải thuê trọ trong những khu trọ xập xệ, lợp tôn.

“Khu nhà ở cho công nhân được bàn giao, đi vào sử dụng được 8 năm, giá các căn hộ khá phù hợp chỉ vào khoảng 200-350 triệu đồng/căn. Vì thế, lao động có nhu cầu mua nhà rất nhiều nhưng không đủ đáp ứng”, ông Lương nói.

Hiện tỉnh đã giao cho công ty hạ tầng tỉnh Thanh Hóa, xem xét để xây dựng thêm nhà ở cho công nhân lao động cùng với các thiết chế cơ bản như: Trường học; chợ; trung tâm y tế… phục vụ cho người lao động ngay cạnh 2 tòa nhà ở cho công nhân cũ. Các đơn vị cũng đang gấp rút triển khai nhằm sớm khởi công dự án.

Ngoài ra, vừa qua UBND tỉnh cũng vừa đồng ý giao Tổng liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư, đầu tư xây dựng khu thiết chế công đoàn tại xã Bình Minh, thị xã Nghi sơn, tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tính hơn 6 héc ta. Dự kiến tới đầu năm 2026 dự án sẽ được khởi công xây dựng.