Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Gần 10 năm, chị Hoàng Thị Thư (34 tuổi) rời Định Hóa (Thái Nguyên) xuống thành phố làm công nhân. Nhà xa, cách thành phố tận 40km, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng ốm, bố mẹ chồng già yếu không có thu nhập lại phải nuôi con ăn học nên chị đành rời quê xuống thành phố kiếm việc.
Chị Thư tâm sự: "Con trai lớn đi bộ đội, chồng thì bệnh tim nên tôi phải xuống đây đi làm công nhân lấy tiền cho con thứ 2 đi học và hỗ trợ bố mẹ, có tiền cho chồng đi chữa bệnh".
Ngoài giờ đi làm công nhân, tối chị còn tăng ca đi dọn nhà theo giờ để có tiền chi tiêu. Chị Thư tâm sự, thu nhập từ tiền lương ở công ty mỗi tháng được chừng hơn 7 triệu đồng, tiền giúp việc tháng được gần 2 triệu đồng. Một tháng được hơn 9 triệu đồng, nhưng tháng nào cũng giật gấu vá vai, có tháng chị còn nợ tiền đóng học của con. Nhà xa, nên 1-2 tuần chị mới về quê 1 lần thăm chồng con.
Nghe có tin sang năm được kéo dài kỳ nghỉ quốc khánh 2/9 thêm 2 ngày đến hết ngày 5/9, chị Thư vui mừng lắm. Chị nói: "Năm nào con gái thứ 2 của tôi đi khai giảng là cháu cũng phải đi bộ 2 km vì mẹ đi làm xa, bố lại ốm. Tôi chỉ ước một năm được ở nhà đưa con đi khai giảng mà công việc trên này đi làm công ty không phải thích là nghỉ được".
Không chỉ riêng chị Thư, hàng triệu công nhân, lao động trong cả nước đều mong Chính phủ kéo dài ngày nghỉ Quốc khánh, và nếu có thể thì thực hiện miễn giảm học phí cho con em công nhân.
Mới đây, chia sẻ với PV Báo Dân Việt, anh Nguyễn Văn Nam, 29 tuổi (công nhân công ty chế tạo linh kiện điện tử) cho biết, mới đây khi nghe có thông tin đề xuất miễn giảm học phí cho con em giáo viên, anh cảm thấy khá tủi thân.
"Tôi cho rằng đa phần con em giáo viên có đời sống đầy đủ, sung túc hơn con em công nhân, nhất là anh chị em công nhân sống và làm việc ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Chúng tôi ước gì con em chúng tôi cũng được miễn giảm tiền học phí, vì giờ tiền lương của chúng tôi không tăng là mấy, thu nhập thì có khi còn giảm hơn trước", anh Nam nói.
Quả thực đúng như anh Nam nói, kể từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp lao đao, việc làm giảm nên thu nhập của công nhân như anh Nam cũng giảm. Dịch Covid-19 kết thúc rồi nhưng thu nhập của anh vẫn chưa tăng trở lại được như dạo trước đó. Trước đây, mỗi tháng tăng ca kịch khung anh có thể kiếm được 10-11 triệu đồng/tháng, nay thì tiền lương của anh đã giảm hẳn 1/3. chỉ còn khoảng 7 triệu đồng/tháng.
"Thu nhập giảm, chi tiêu, sinh hoạt, tiền học hành, tiền nhà trọ... đều tăng nên nếu được miễn giảm tiền học phí cho các con chúng tôi sẽ rất vui", anh Nam kể.
Mới đây, chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm UB Vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng, đề xuất kéo dài ngày nghỉ trong ngày Quốc khánh 2/9 là hợp lý, nên làm nhằm tạo điều kiện cho lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
"Đồng thời đây cũng là cơ hội để kích cầu du lịch, hoặc có thêm thời gian cho lao động gần gũi với gia đình, con cái, quan tâm đưa đón con trước và trong ngày khai giảng, giúp các con vui vẻ khi bước vào năm học mới", ông Lợi nói.
Cá nhân ông cũng cho rằng số ngày nghỉ của Việt Nam đang còn ít hơn nhiều quốc gia trong khu vực và quốc tế, vì thế ông cũng đề xuất nếu có thể nên cho người lao động nghỉ thêm một ngày vào ngày gia đình Việt Nam (ngày 28/6).
Mới đây, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng lý do đơn vị này đề xuất kéo dài ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9 là bởi số ngày nghỉ của Việt Nam đang còn quá ít (11 ngày) thấp hơn nhiều so với khu vực và quốc tế (trung bình 15-17 ngày/năm). Ví dụ Trung Quốc nghỉ Quốc khánh tận 7 ngày.
"Về lâu dài cần hướng tới nghỉ Quốc khánh nhiều hơn. Nếu được sẽ tạo cơ hội cho người lao động đưa con tới trường trong ngày khai giảng 5/9. Điều giản dị này là ước mơ của nhiều công nhân", ông nói rồi kể thêm có nữ công nhân phía Nam từng khóc trong Hội nghị lấy ý kiến sửa đổi Bộ luật Lao động vào năm 2019. Rất nhiều nữ công nhân mong muốn được đưa con đi khai giảng song không thể vì lịch làm việc sớm và theo dây chuyền.
Chia sẻ trước thông tin có đề xuất miễn giảm học phí cho con em công nhân không, bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng ban Nữ công Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết đơn vị này chưa có đề xuất nhưng nếu được sẽ hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên. Lý do là bởi đa phần nhóm công nhân, lao động làm việc trực tiếp ở khu công nghiệp, khu chế xuất có đời sống thật sự khó khăn. Vì thế, nếu có thể hỗ trợ học phí cho con em của họ thì đây quả là chính sách nhân văn.
Liên quan tới đề xuất tăng ngày nghỉ Quốc khánh 2/9 thêm 2 ngày và kéo dài hết ngày 5/9, đại diện Bộ LĐTBXH cho rằng chưa đủ cơ sở để xem xét. Bộ này cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động để cân nhắc có nên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp không.
"Hiện nay số ngày nghỉ đã được ấn định trong Bộ Luật Lao động 2019. Vì thế, muốn tăng hay giảm đều cần có ý kiến của Chính phủ, sự đồng ý của Quốc hội", đại diện bộ LĐTBXH thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.