Dân Việt

Nhiều nước đổ xô mua cà phê của Việt Nam, riêng một châu lục này đã bỏ ra 2 tỷ USD

Thiên Hương 18/11/2024 18:22 GMT+7
Kết thúc niên vụ 2023-2024, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,47 triệu tấn cà phê, giảm 11,3% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu trong niên vụ vừa qua vẫn tăng tới 33%, lên mức 5,42 tỷ USD - cao nhất trong lịch sử, trong đó có 2 tỷ USD xuất sang EU.

Cà phê - mặt hàng nông sản có giá tăng mạnh nhất 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý III, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 212.926 tấn, kim ngạch 1,12 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng và tăng 52,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. 

Luỹ kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,1 triệu tấn, tương đương giá trị kim ngạch hơn 4,3 tỷ USD, giảm 11,7% về lượng nhưng tăng 38,7% giá trị giá so với cùng kỳ năm trước. 

Mặc dù sản lượng giảm nhưng nhờ giá tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu cà phê đã vượt mốc 4,24 tỷ USD đạt được trong cả năm 2023, và thiết lập mốc kỷ lục mới.

Kết thúc niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm nay), Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,47 triệu tấn cà phê, giảm 11,3% so với niên vụ trước nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong niên vụ  vẫn tăng tới 33%, lên mức 5,42 tỷ USD - cao nhất trong lịch sử. 

Đà tăng trưởng này được thúc đẩy bởi giá cà phê xuất khẩu cao hơn gần 50% so với niên vụ trước, đạt bình quân 3.673 USD/tấn. Riêng trong quý III vừa qua, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 5.266 USD/tấn, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 9 đạt 5.469 USD/tấn- mức cao nhất từ trước đến nay.

Nhiều nước đổ xô mua cà phê của Việt Nam, riêng một châu lục này đã bỏ ra 2 tỷ USD  - Ảnh 1.

Nông dân chăm tỉa vườn trồng cà phê bền vững nằm trong hệ thống vùng nguyên liệu của Công ty CP Phúc Sinh thuộc xã Nhân Đạo, huyện Đắk R'Lấp, Đắk Nông. Ảnh: Hoài Yến.

Cà phê đã trở thành loại nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. 

Sản lượng sụt giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ cà phê robusta toàn cầu tăng mạnh là yếu tố khiến cho giá cà phê liên tục tăng cao và lập đỉnh mới trong niên vụ 2023-2024. Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới được cho là đã hưởng lợi từ xu hướng này. 

Theo chuyên gia phân tích độc lập Nguyễn Quang Bình, những tháng vừa qua, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã tập trung mua cà phê Việt Nam khi mốc thời gian thực hiện quy định chống phá rừng (EUDR) đến gần. 

Chính điều này đã góp phần đẩy giá cà phê Việt Nam lên mức cao nhất thế giới. Hiện giá cà phê đang dao động quanh mức 113.000 đồng/kg tại thị trường Tây Nguyên. 

Nhiều nước đổ xô mua cà phê của Việt Nam, riêng một châu lục này đã bỏ ra 2 tỷ USD  - Ảnh 2.

Việt Nam đang bắt đầu thu hoạch cà phê vụ mới. Ảnh: I.T

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 38% tổng lượng cà phê xuất khẩu mỗi năm của nước ta. Trong top 10 thị trường nhập khẩu nhiều cà phê nhất của Việt Nam có đến 5 nước thuộc EU.

Cụ thể, trong niên vụ 2023-2024, với khối lượng đạt 562.601 tấn, trị giá 2 tỷ USD, so với niên vụ trước giảm 8,6% về lượng nhưng tăng 41,1% về kim ngạch, chiếm 38,1% khối lượng và 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Đức, Italy và Tây Ban Nha là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch đạt lần lượt là 607,1 triệu USD, 416,6 triệu USD và 412,6 triệu USD, tăng 37,1%, 29,6% và 74,6% so với niên vụ trước.

Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường lớn tiếp theo là Nhật Bản cũng tăng 38,4% về kim ngạch dù lượng giảm 0,3%; Nga tăng 20% về kim ngạch dù lượng giảm 20,3%. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường trong khu vực châu Á như Philippines,Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… tăng rất mạnh cả về lượng và kim ngạch so với niên vụ trước. 

Dự báo giá cá phê thế nào khi Việt Nam thu hoạch vụ mới?

Các vùng trồng cà phê lớn của Việt Nam đã bắt đầu thu hoạch cà phê trong quý IV. 

Dự báo sản lượng từ vụ mới sẽ giúp giải “cơn khát” cà phê nguyên liệu của các thị trường xuất khẩu và giá cà phê sẽ giảm dần. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng niên vụ 2024 - 2025 tiếp tục ghi nhận sản lượng giảm và tình trạng khan hiếm năm tới có thể đến sớm hơn.

Một yếu khác hỗ trợ gián tiếp đến giá cà phê trong nước đến từ những yếu tố tích cực trên thị trường thế giới. 

Theo Công ty Môi giới Hedgepoint Global Market, nông dân Brazil đang trì hoãn bán cà phê robusta do kỳ vọng giá sẽ tăng thêm. Brazil đã bán một lượng Robusta kỷ lục trong năm nay do nguồn cung thiếu hụt từ Việt Nam.

Trước đó, Indonesia, quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn thứ ba thế giới cũng giảm lượng cà phê cung ứng ra thị trường để chờ giá lên cao hơn. Ngoài ra, việc Fed giảm lãi suất sẽ kích thích các quỹ đầu cơ mua cà phê trên các sàn, từ đó đẩy giá cà phê thế giới và trong nước tăng lên. 

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và diện tích đất trồng cà phê ngày càng thu hẹp đã làm giảm sản lượng thu hoạch của cả nước khoảng 10-15% trong niên vụ 2023 - 2024.

“Hạn hán đã khiến cây cho ít hạt hơn, và hạt cũng nhỏ hơn. Ngoài ra, mưa sẽ cản trở nông dân thu hoạch và phơi khô cà phê, đồng thời, việc vận chuyển cũng trở nên khó khăn hơn”, ông Minh nói. 

Thực tế, vài năm gần đây nông dân đã chuyển một phần diện tích trồng cà phê sang các loại cây "hot" như sầu riêng, bơ... Điều này khiến diện tích trồng cà phê giảm so với trước. 

Theo một báo cáo của USDA, nguồn nước ngầm và tỷ lệ bóng râm giảm cũng đặt ra thách thức lâu dài khi nhiều nông dân Việt Nam dựa vào giếng khoan để tưới tiêu và dựa vào rừng giúp giảm bốc hơi. 

Vùng trồng cà phê của Việt Nam đã trải qua thời tiết ẩm ướt vào tháng 8, nhưng những trận mưa lớn xảy ra sau cơn bão Yagi đổ bộ vào miền bắc vào đầu tháng 9 đã làm cho các đồn điền cà phê bị ngập lụt hơn nữa.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam dự kiến sản lượng cà phê vụ mới sẽ đạt khoảng 1,47 triệu tấn, giảm so với vụ trước do thời tiết bất lợi, nhưng xuất khẩu có thể đạt 5 - 6 tỷ USD nhờ giá cao.