Vào những ngày cuối năm, khi không khí Tết Nguyên Đán đã bắt đầu lan tỏa khắp nơi, mô hình nuôi cá thát lát cườm của hộ gia đình ông Huỳnh Văn Thừa nông dân ở ấp 5, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đang thu hút sự chú ý.
Hiện, 4.000 con cá thát lát cườm của gia đình ông Huỳnh Văn Thừa đang trong giai đoạn phát triển mạnh.
Mô hình nuôi cá đặc sản này không chỉ góp phần làm phong phú thêm thực đơn Tết cho người dân địa phương, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho nông dân vùng quê.
Khởi nguồn từ đam mê và nỗ lực không ngừng ông Thừa đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá thát lát cườm tại địa phương.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo các mô hình nuôi cá từ địa phương khác, anh Thừa quyết định đầu tư vào mô hình nuôi cá thát lát cườm trên diện tích đất nhà sẵn có.
Mô hình dựng lưới nuôi cá thát lát cườm-nuôi cá đặc sản của gia đình ông Huỳnh Văn Thừa ở ấp 5, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang). Theo ông Thừa, dịp tết, giá cá thát lát cườm thường bán cao gấp đôi so với các loại cá thông thường khác.
Ông Huỳnh Văn Thừa chia sẽ “Tôi nhận thấy thị trường cá thát lát cườm có tiềm năng lớn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán, khi nhu cầu tiêu thụ các món ăn cá đặc sản cao. Cá thát lát cườm không chỉ mang lại lợi nhuận cao mà còn phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương tôi”.
Với diện tích ao nuôi 0,1 ha bên ruộng lúa của gia đình, ông Thừa bắt đầu thả nuôi 4.000 con cá thát lát cườm giống cách đây gần 4 tháng.
Đến nay, đàn cá đặc sản đang phát triển mạnh với tỷ lệ sống cao, chất lượng thịt cá đạt yêu cầu và hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập lớn trong dịp Tết.
Theo ông Thừa, cá thát lát cườm là loại cá có thịt ngọt, rất thích hợp chế biến các món ăn đặc sản trong mâm cơm Tết hay thậm chí làm món ăn cho các nhà hàng, khách sạn.
Mô hình nuôi cá đặc sản không chỉ mang lại giá trị cao trong dịp lễ Tết mà còn mở ra cơ hội tiêu thụ quanh năm.
Với giá bán cao trong dịp Tết, mỗi con cá thát lát cườm có thể mang lại lợi nhuận gấp đôi so với các loại cá khác.
"Dự tính, gia đình tôi sẽ thu hoạch khoảng 1,5 tấn cá trong dịp Tết này, với giá bán khoảng 70.000đ/kg, sau khi trừ đi chi phí mang về khoản thu nhập cho gia đình hơn 50 triệu đồng...", ông Thừa dự tính.
Mô hình nuôi cá thát lát cườm của gia đình ông Thừa được áp dụng các kỹ thuật nuôi hiện đại, bảo đảm môi trường nước trong ao luôn sạch sẽ và đầy đủ dưỡng chất cho cá phát triển.
Bà con ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) cũng được hỗ trợ và hướng dẫn từ các cơ quan chuyên môn về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh cho cá. Nhờ đó, đàn cá luôn khỏe mạnh và cho năng suất cao.
Cùng với sự phát triển của mô hình nuôi cá thát lát cườm, người dân xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) kỳ vọng mô hình này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.
Nhất là trong đợt thả nuôi cá bán vào dịp Tết Nguyên đán, giá bán cá thát lát cườm khá cao, giúp bà con có thêm tiền trang trải trong những ngày Tết đến xuân về.
Cá thát lát cườm (Notopterus notopterus) là loài bản địa. Cá thát lát cườm có phẩm chất thịt thơm ngon, có thể chế biến được nhiều món ăn phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Ở Việt Nam cá thát lát cườm xuất hiện từ tỉnh Quảng Bình trở vào các tỉnh phía Nam. Loài cá bản địa này phân bố chủ yếu ở một số nhánh sông lớn đổ vào sông Mekong và các thủy vực thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
Cá thát lát cườm sống trong các loại hình thủy vực nước ngọt như cửa sông, ao, hồ, kênh rạch. Cá có thể sống được trong môi trường chật hẹp, ao nước tĩnh với hàm lượng oxy hòa tan và pH thấp....