Vì sao trên đất Bình Thuận có các địa danh bắt đầu bằng từ "Căn cứ", Rừng Lá ở đây là rừng lá gì?
Vì sao trên đất Bình Thuận có các địa danh bắt đầu bằng từ "Căn cứ", địa danh Rừng Lá ở đây là lá gì?
Thứ ba, ngày 19/11/2024 08:59 AM (GMT+7)
Hành khách đi trên quốc lộ 1 đoạn từ ngã ba Ông Đồn (thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đến cầu số 37 (thuộc xã Tà Mon, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) thường hay nghe nhà xe nói đến những địa danh: Căn cứ 4, Căn cứ 5… Có lẽ, ít ai biết vì sao những nơi này được gọi là… căn cứ?
Hành khách đi trên quốc lộ 1 đoạn từ ngã ba Ông Đồn (thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đến cầu số 37 (thuộc xã Tà Mon, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) thường hay nghe nhà xe nói đến những địa danh: Căn cứ 4, Căn cứ 5… Có lẽ, ít ai biết vì sao những nơi này được gọi là… căn cứ?
Theo tài liệu nghiên cứu, đặc biệt là các bác tài chạy xe đò tuyến Sài Gòn - Phan Thiết lâu năm: Vào khoảng những năm 1960, nhằm bảo đảm an ninh cho tuyến huyết mạch miền Trung, quân đội Việt Nam cộng hòa thiết lập tại mỗi điểm xung yếu một chốt canh phòng, bảo vệ với quân số lên đến 1 trung đội địa phương quân trang bị vũ khí. Do thời đó, những khu vực này chưa có dân cư, chưa có tên xóm, làng nên dân xe gọi những chốt quân sự này là… căn cứ. Chốt đầu tiên là ngã ba Ông Đồn được gọi là Căn cứ 1… Mấy căn cứ lớn tiếp đó là: Căn cứ 4 (nay thuộc xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc), Căn cứ 5 (Sông Giêng, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), Căn cứ 6 (Sông Dinh, thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân)…, Căn cứ 10 (ngã tư Tân Nghĩa, Sông Phan) và 2 căn cứ 11, 12 nằm trên địa bàn Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Địa thế quân sự độc đáo
Tại sao quân đội Việt Nam cộng hòa lại phải bố trí lực lượng canh phòng và bảo vệ đoạn quốc lộ này dày đặc và hùng hậu như vậy giữa chốn đồng không mông quạnh?
Sẽ không lạ nếu biết tuyến đường này, đặc biệt đoạn ngang qua Căn cứ 4 chính là cửa ngõ của khu rừng thiên nhiên được che phủ bởi loài cây buông có tên gọi là Rừng Lá. Với diện tích rộng lớn, kéo dài về phía Tây đến Long Giao - huyện Cẩm Mỹ, phía Nam giáp Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), phía Bắc giáp Trảng Táo, Gia Huynh và phía Đông giáp huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), trong đó khu vực nối tiếp từ chân núi Mây Tàu, Núi Bể, Láng Gòn đến Suối Kiết, Gia Huynh, Xuân Lộc (trước đây thuộc địa phận của 3 tỉnh Bình Tuy, Long Khánh, Phước Tuy) khu rừng lá buông bát ngát này hình thành một mật khu có thể liên thông đến Hắc Dịch, cửa sông Lộc An, chiến khu Đ.
Người sống với nghề chuốt lá buông ở Đồng Nai và Bình Thuận thường tụ cư với nhau hình thành làng nghề. Hàng năm, vào mùa khô từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 6 năm sau với bà con là… mùa chuốt lá.
Do vậy, trong cả hai thời kỳ kháng chiến, Rừng Lá đều được các lực lượng vũ trang cách mạng lập căn cứ, tạo địa bàn đứng chân…
Theo tài liệu lịch sử, Rừng Lá thuộc tổng Bình Lâm Thượng, huyện Long Khánh, tỉnh Biên Hòa (sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, nay thuộc xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Theo đó, Căn cứ Rừng Lá còn có thời được gọi là Căn cứ Giao Loan, Căn cứ 4…
Những sự kiện hào hùng trong Rừng Lá
Biết Rừng Lá từng là chiến khu và là bàn đạp xuất phát nhiều trận đánh vang dội như: Bàu Cá, Bảo Chánh, Trảng Táo, Gia Huynh… trong thời chống Pháp, nên chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ hỗ trợ đã tiến hành nhiều trận càn quét rất dữ dội vào mật khu Rừng Lá và trên phạm vi toàn địa bàn Xuân Lộc, làm cho hầu hết cơ sở cách mạng ở vùng này gần như mất trắng.
Thế nhưng vào cuối năm 1955, một tổ chức cơ sở Đảng vẫn bí mật được thành lập. Đó là Chi bộ Rừng Lá gồm 6 đảng viên, do đồng chí Chín Bảo làm Bí thư. Năm 1956, Xuân Lộc thành lập Ban Cán sự Đảng và tiến hành khôi phục lại phong trào cách mạng.
Để đáp ứng nhiệm vụ đánh địch, năm 1962, Ban Cán sự Đảng huyện Xuân Lộc tổ chức lại địa bàn hoạt động và hình thành 5H. Căn cứ Rừng Lá thuộc H3, ngoài chi bộ Đảng, còn có chi đoàn thanh niên và các tổ chức quần chúng theo nghề nghiệp, như: tổ làm lá, bứt mây, múc dầu rái…
Mở màn cho phong trào “Diệt ác phá kiềm”, từ Rừng Lá, đồng chí Tư Lạc, Trưởng ban Quân sự huyện đóng giả làm Quận trưởng Xuân Lộc dẫn theo một tiểu đội du kích mặc quân phục “lính quốc gia” vào ngay ấp Bảo Vinh B bắt gọn 21 tên tề ngụy.
Tiếp đó, vào ngày 27-2, một bộ phận lực lượng D500 phối hợp Huyện đội Xuân Lộc tổ chức tập kích tiêu diệt một đại đội biệt động quân đang đóng dã ngoại tại cứ điểm Tà Lá trên núi Mây Tàu để chuẩn bị đánh Bàu Lâm (Xuyên Mộc). Đòn tập kích bất ngờ này không chỉ bẻ gãy cuộc hành quân của quân địch, mà còn thu được 42 khẩu súng.
Đặc biệt, ngày 19-5-1970, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Bà Rịa - Long Khánh chỉ đạo các đồng chí Trần Đệ, Tám Lực và Hai Trường lãnh đạo Ban An ninh tỉnh tổ chức thành lập Đội Du kích mật Rừng Lá gồm 9 cán bộ, chiến sĩ gan dạ tìm cách tiêu diệt những tên ác ôn trong lòng địch.
Thực hiện nhiệm vụ, du kích mật Rừng Lá đã mưu trí tiếp cận, trừng trị mấy tên ác ôn có nợ máu với nhân dân và cán bộ cách mạng trên địa bàn Suối Lạnh, Xuân Hòa… Trong đó có trung úy Đồn trưởng Rừng Lá.
Đội Du kích mật còn nhiều lần nã cối 82 ly vào đồn Rừng Lá gây thương vong cho hàng chục binh lính ngụy, phối hợp cùng lực lượng vũ trang tỉnh bao vây 1 đại đội biệt kích ngụy tại Đồi Đá tiêu diệt 82 tên. Bên cạnh đó, Đội Du kích mật Rừng Lá còn tham gia canh gác bảo vệ các cuộc diễu hành thị uy của quần chúng cách mạng, bảo vệ cán bộ trú ẩn dưới hầm bí mật, dẫn đường cho quân giải phóng lấy lương thực, thuốc men, tải thương, tải đạn, canh gác các cửa khẩu để bảo đảm tải gạo an toàn…; đặc biệt là dẫn đường cho các đơn vị bộ đội đánh đồn Bà Tô - Xuyên Mộc, đánh sư đoàn 18 ngụy binh đóng trên chiến trường Bà Rịa - Long Khánh.
Để ghi nhớ quá trình đấu tranh gian khổ của đồng bào địa phương, nhất là các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vùng đất Rừng Lá qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, năm 2013, Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Lộc đã xây dựng khu Đền thờ liệt sĩ căn cứ Rừng Lá tại địa bàn xã Xuân Hòa.
Ngày 2-10-2018, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định công nhận Di tích Căn cứ Rừng Lá (thuộc địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Lá buông - nguồn nguyên liệu
Có lẽ, địa danh Rừng Lá được nói tắt từ rừng cây lá buông - loài cây rất đắc dụng trong đời sống cư dân miền Nam từ thuở khai hoang, mở cõi.
Sách Gia Định thành thông chí ở phần Trấn Biên Hòa có nói đến địa danh Bối Diệp giang, còn có tục danh là sông Lá Buôn: “cư dân sinh sống bằng cách lấy lá buôn dệt buồm, đan tấm, đánh dây, chặt tàu đem bán”. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí năm 1806 có ghi địa danh: “rạch Lá Buôn”, “cầu Lá Buôn”.
Năm 1964, trên bản đồ do chính quyền Việt Nam cộng hòa ấn hành ghi địa danh này thành “sông Lá Buông”, từ đó mọi người quen miệng gọi là lá buông - nguyên liệu độc đáo để chế tạo ra hàng chục mặt hàng thủ công mỹ nghệ góp phần phục vụ cho đời sống, sản xuất và xuất khẩu.
Trong đó quen mắt nhất là nón lá, giỏ xách, đũa sóng lá, bao bì, tấm đệm… Xưa kia, lá buông còn được dùng để lợp nhà, ngăn vách, cánh buồm…
Gần đây, vẫn còn hàng ngàn người ở dọc theo vùng Rừng Lá, nhiều nhất là dân Xuân Hưng, Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc), Hàm Tân, La Gi (tỉnh Bình Thuận) sinh sống bằng nghề chuốt lá buông.
Khâu đầu tiên của công việc này là phơi, tuy nhẹ nhàng nhưng phải có kinh nghiệm để phơi cho lá buông từ màu xanh tươi non trở nên trắng ngà mới đạt chuẩn; nếu để nhiều nắng quá lá sẽ giòn, quăn queo; ngược lại ít nắng quá lá dễ bị mốc.
Tiếp đến là xé lá phải xác định đúng đường xương cá để không làm nát lá. Công đoạn khó nhất là chuốt lá. Người thợ dùng lưỡi lam bén kéo một đường thẳng dài dứt khoát chia đôi tấm lá buông, sau đó nhúng lá xẻ vào nước rồi đem ra phơi lần nữa để nan lá mềm và dẻo hơn.
Trung bình phải cần đến 6-7 tấn lá phơi khô mới thu được 1 tấn lá đã chuốt thành phẩm để làm nguyên liệu cung ứng cho các mục đích sử dụng khác nhau...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.