Dân Việt

Đây là loại mủ giá thu mua tăng cao nhất 8 năm qua ở Bình Phước, nhà nào đi cạo bán là trúng

Hiền Lương 19/11/2024 05:36 GMT+7
Từ năm 2017 giá mủ cao su bắt đầu tụt dốc, có thời điểm chỉ có hơn 170 đồng/1độ. Thế nhưng, giá mủ cao su hiện ở tỉnh Bình Phước đã tăng trở lại ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Đây là tín hiệu vui cho nông dân trồng cao su và người công nhân cạo mủ.

Nông dân trồng cao su phấn khởi khi đầu ra dần ổn định

Gia đình anh Lê Văn Phụng ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) có 3ha cao su. 

Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình anh, nhưng trong nhiều năm qua giá mủ cao su xuống thấp, khiến cuộc sống trở nên chật vật. Năm ngoái giá bắt đầu nhỉnh lên, anh thấy phấn chấn hẳn. 

Tháng 11 này, giá mủ cao su lại tăng vọt lên mức 510 đồng/1độ, khoảng 18.000 đồng/kg mủ, tăng gấp 2,5 lần so với 8 năm trước, anh cũng như các hộ trồng cao su rất phấn khởi. 

“Giá cao su năm nay tăng hơn mọi năm, tôi rất mừng, được giá này bớt phần nào gánh nặng trong trang trải cuộc sống. Giá cao su ngày càng cao thì lợi nhuận cho người nông dân càng tốt. Mong sao mức giá này giữ được vài ba năm”, anh Phụng cho biết.

Ông Trương Văn Dơn, ấp 7, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) cho biết, giá mủ năm nay cao hơn năm ngoái hơn 200 đồng/1độ mủ, nhưng sản lượng năm nay lại giảm hơn năm ngoái. 

Tuy nhiên, việc giá tăng trở lại sẽ giúp người trồng cao su có nguồn thu nhập ổn định, cũng như tái đầu tư cho cây trồng trong những năm tiếp theo. 

"Giá mủ cao su hiện nay không thể so được với thời "hoàng kim", nhưng so với các năm trước đã là mơ ước của người trồng cao su. Nguồn thu ổn định sẽ giúp bà con tái đầu tư chăm sóc vườn đạt sản lượng cao hơn", ông Dơn cho hay.

img

Anh Lê Văn Phụng, nông dân trồng cao su ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) khai thác mủ trong vườn cao su gia đình.

Ngoài nguồn thu nhập cho gia đình, các vườn cao su vào mùa thu hoạch còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

Giá thu mua mủ nước tăng, không chỉ người trồng cao vui mừng mà những công nhân cạo thuê cũng thấy hạnh phúc vì lương công nhân sẽ tăng theo. Với những người cạo cao su quen việc và chịu khó có thể thu nhập từ 350-400 ngàn đồng/người/ngày.

Anh Nguyễn Văn Sang, thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) nhiều năm đi cạo mủ thuê, song giá mủ xuống thấp thành thử lương của anh cũng không cao, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. 

Mấy nay, giá cao su tăng vọt, chủ vườn thuê anh cũng tăng lương thêm, anh cảm thấy rất phấn khởi. “Nhà tôi không có đất rẫy, nên đi cạo mủ cao su thuê cho người ta 7-8 năm rồi. Năm nay giá mủ cao nhất có lợi cho chủ vườn nên họ cũng tăng giá ngày công cho lao động chúng tôi cũng thấy mừng”, anh Sang cho biết.

Mủ cao su trên đà tăng giá đã mang đến niềm vui cho người nông dân, nhất là giữa lúc bộn bề khó khăn do thiên tai, dịch bệnh thời gian qua. 

Với tín hiệu đáng mừng đó, bên cạnh việc khai thác một cách có hiệu quả, người trồng cao su tiểu điền và những lao động sống bằng nghề khai thác mủ cao su ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục đầu tư phân bón, bổ sung dinh dưỡng cho vườn cao su nhằm tăng khả năng sinh trưởng, duy trì và phát triển cây trồng theo hướng bền vững.

Chủ động chăm sóc, ổn định vườn cây cao su

Mủ cao su tăng giá đang góp phần giúp các hộ dân và công nhân cao su tại Bình Phước cải thiện thu nhập và có đời sống ổn định hơn. 

Toàn tỉnh Bình Phước hiện có trên 244.000 ha cao su, trong đó cao su tiểu điền chiếm khoảng 30%. Cây cao su vẫn là một trong những loại cây trồng lâu năm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, chiếm hơn 50% diện tích cây lâu năm chủ lực của tỉnh. 

Dù giá mủ liên tục tăng, nhưng theo nhiều hộ dân trồng cao su, sản lượng năm nay giảm khoảng 20% so với năm trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng thời tiết cực đoan, một số vườn cây ít đầu tư chăm sóc do giá thấp...

Ông Lê Ngọc Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) cho biết: Thời điểm này, giá thu mua mủ cao su đã tăng vụt lên gần gấp đôi so với so với năm ngoái, cao nhất trong vòng 8 năm qua. 

Đây là tín hiệu mang lại nhiều niềm vui cho nông dân trồng cao su. Để bảo đảm vườn cây sinh trưởng tốt, có sản lượng cao, người trồng cao su nên đầu tư chăm sóc, giảm số lần cạo, chỉ cạo D3 (3 ngày cạo 1 lần) hoặc D4 (4 ngày cạo 1 lần). 

Việc tận thu cạn kiệt lượng mủ trong cây cao su để bù lại thời điểm giá cả thấp sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, năng suất mủ và chất lượng vườn cây. 

"Thời gian qua, ngành chức năng duy trì theo dõi diễn biến dịch bệnh và xử lý kịp thời khi có phát sinh trên cây trồng. Qua đó, tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức độ nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng", ông Đạo cho biết thêm.

Ông Trần Hải Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) cho biết: Trong những năm qua, khi giá cao su xuống thấp, nhiều hộ gia đình không mặn mà chăm sóc và khai thác nên huyện chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân giữ diện tích cao su, không chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác. 

Trong thời gian tới, nếu giá cao su vẫn giữ ở mức ổn định, huyện tiếp tục chỉ đạo các hộ trồng cao su chăm sóc, khai thác đúng kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả lâu dài của cây công nghiệp này.

Việc giá mủ cao su tăng vụt so với đầu năm không chỉ giúp cho người trồng cao su có nguồn thu cao hơn, cải thiện thu nhập, có cuộc sống ổn định mà còn tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn. 

Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Đạo, ngành nông nghiệp cần khuyến cáo người dân thực hiện đúng quy hoạch, định hướng của địa phương, không nên thấy giá cao su tăng cao mà ồ ạt mở rộng diện tích trồng. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ phá vỡ quy hoạch, dẫn đến nhiều hệ lụy trồng - chặt, chặt - trồng.