Bằng sự năng động và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Lâm Quang Bình (SN 1984, thôn 5, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh với mô hình kinh tế tổng hợp trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi của địa phương.
Được cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đưa đi thăm mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Lâm Quang Bình. Anh Bình được biết đến là người cần cù, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, anh đã thành công với mô hình kinh tế trang trại vườn, rừng kết hợp với chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lâm Quang Bình tâm sự, tốt nghiệp THPT, phần đông bè bạn cùng trang lứa lên thành phố học đại học, đi làm công nhân, chỉ còn số ít quyết ở lại bám lấy nghề nông nối nghiệp gia đình, trong đó có anh.
Với lợi thế sống gần vùng đất gò đồi Nà Thao, vợ chồng anh Bình đã chọn cho gia đình hướng phát triển kinh tế bằng trồng rừng kết hợp với trồng các loại cây ăn quả và chăn nuôi.
Trên diện tích khoảng 25ha đất vườn, rừng, anh Bình quy hoạch thiết kế khoảng 4ha làm trang trại để trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Anh Bình cho biết, vào năm 2020 cơn bão đi qua khiến cho diện tích keo lai gần 4ha ở hai khu đất liền kề Gò Mua - Nà Thao bị gãy đổ.
Từ đó, gia đình quyết định không trồng keo mà chuyển sang trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi. Khi bắt tay vào phát triển kinh tế, khó khăn nhất với anh Bình là vốn và kinh nghiệm.
Tuy nhiên, với tính cách nhanh nhẹn, chịu khó học hỏi các mô hình ở nhiều địa phương, tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức đã giúp vợ chồng anh tự tin.
Khu vườn xanh mướt của anh Lâm Quang Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: T.H
Vợ chồng anh Bình mạnh dạn đầu tư cải tạo hai khu đất Gò Mua - Nà Thao trồng các loại cây ăn quả như, trồng 7.000 cây cau, trên 2.000 bụi chuối nai, chuối lùn, 300 cây cam, 200 cây bưởi và gần 80 cây sầu riêng, 30 măng cụt, 100 cây ổi...
Đồng thời, anh Bình kéo đường dây dẫn nước từ trên suối Nà Thao về khoảng 2km, xây bể chứa và lắp đặt hệ thống nước tưới bán tự động tưới tiêu cho cây trồng, con vật nuối.
Nhờ được chăm sóc chu đáo nên các loại cây trồng phát triển xanh tốt. Riêng diện tích trồng chuối lớn, nên để đảm bảo đầu ra ổn định, Bình hợp đồng với Hợp tác xã QNA FARM (xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước) và HTX Nông nghiệp xanh Đất Quảng có trụ sở trên địa bàn xã Tiên Hiệp, Tiên Phước thu mua chuối lùn, chuối nai tại vườn thường xuyên, với giá dao động từ 5 - 6 nghìn đồng/kg.
Ngoài ra vợ chồng anh Bình còn đầu tư chăn nuôi khoảng 100 con heo thịt, 10 con bò, gà vịt các loại và đào ao thả cá với diện tích khoảng 2 sào.
Nhờ nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi cũng như tiết kiệm được chi phí thức ăn do mô hình kinh tế VAC kết hợp nên mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 300 triệu đồng. Bên cạnh đó vợ chồng anh Bình còn tranh thủ đất đồi rừng trồng hơn 20ha keo, mỗi năm thu về khoảng 500 triệu đồng.
Anh Lâm Quang Bình, nông dân xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) bên vườn ổi trĩu quả đang vào mùa thu hoạch cho năng xuất, thu nhập cao. Ảnh: T.H.
"Vốn con nhà nông, nên tôi luôn suy nghĩ phải làm sao để phát triển kinh tế, làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình. Nên sau khi tốt nghiệp cấp 3 xong, tôi không theo bạn vào thành phố làm công nhân, xí nghiệp mà quyết định ở quê đầu tư phát triển kinh tế vườn, rừng.
Đặc biệt, những năm gần đây huyện có nhiều cơ chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại nên vợ chồng tôi mạnh dạng chuyển đổi một phần diện tích đất trồng keo sang trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi. Giờ đây nhìn thấy cây trồng phát triển xanh tốt, con vật nuôi lớn đều từng ngày tôi nghĩ quyết định mình là đúng đắn", anh Bình chia sẻ.
Trong quá trình đầu tư phát triển trang trại gia đình anh Bình được cán bộ xã Tiên Hiệp cùng với cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Tiên Phước xuống hướng dẫn làm hỗ sơ, thủ tục cũng như hướng dẫn về kỹ thuật trồng cây, hệ thống nước tưới đúng quy trình. Mô hình được nhà nước hỗ trợ gần 370 triệu đồng từ Đề án 03 của huyện và Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh.
Anh Lâm Quang Bình đang giới thiệu về mô hình vườn, ao chuồng của mình với người dân. Đây là mô hình cho kinh tế cao, thu nhập ổn định. Ảnh: T.H
Vườn cau xanh mướt của anh Lâm Quang Bình kết với với hàng rào xanh, tạo nên một không gian bắt mắt ở Tiên Phước. Ảnh: N.H.
Ông Võ Duy Nhân - Cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, Trung tâm thường xuyên phối hợp với cán bộ nông nghiệp xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân để trồng trọt, chăn nuôi.
Bà con nông dân cũng phát huy tiềm năng lợi thế từng đất đai, thổ nhưỡng địa hình mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng.
"Trang trại tổng hợp vườn, rừng kết hợp của hộ anh Lâm Quang Bình là một trong những mô hình kinh tế có quy mô đầu tư khá lớn trên địa bàn huyện, bước đầu phát huy hiệu quả.
Trang trại cũng được cán bộ nông nghiệp xã Tiên Hiệp và cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện xuống hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả. Có thể nói vợ chồng anh Bình đã vươn lên làm giàu chính đáng, đáng để nhiều người nông dân học hỏi, làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương", ông Nhân cho hay.
Xã Tiên Hiệp có 790 hộ dân làm vườn, với tổng diện tích 617ha. Trong đó, cây tiêu Tiên Phước chiếm 4,5ha, bưởi các loại 121ha, lòn bon 4ha, măng cụt 12,5ha, sầu riêng 4,2ha, chuối 25ha, cau 39ha, quế 7,6ha, mít 6ha… Giai đoạn 2021 - 2024, toàn xã có 50 hộ dân triển khai thực hiện Đề án 03 của HĐND huyện và Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh Quảng Nam về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại với diện tích trên 30ha. Tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ sau đầu tư trên 1,6 tỷ đồng.