Chương trình "Đêm hội rượu cần" là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024.
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Quách Thị Kiều - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đến nay, văn hóa rượu cần của người Mường Hòa Bình đã được đông đảo người dân cả nước biết đến và đón nhận. Rượu cần trở thành "sứ giả” văn hóa, du lịch hấp dẫn kỳ lạ của núi rừng Hoà Bình đối với du khách trong nước và quốc tế. Năm 2023, rượu cần của người Mường Hòa Bình được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vinh danh là 1 trong 121 đồ ăn, thức uống tiêu biểu của Việt Nam.
Chương trình "Đêm hội rượu cần” được tổ chức nhằm tiếp tục quảng bá, giới thiệu giá trị độc đáo của văn hóa rượu cần của người Mường tới du khách trong nước và Quốc tế. Qua đó, khơi dậy khát vọng, niềm tự hào về các di sản văn hóa quý báu của mỗi dân tộc.
"Đây còn là không gian văn hóa để các nghệ nhân của 4 Mường (Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động) giới thiệu về phong tục, cách thức uống rượu cần độc đáo, mang sứ mệnh kết nối giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với con người...", - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình nói.
Theo tích kể, rượu cần Hòa Bình là ẩm thực độc đáo, hương vị ngọt thơm, nhất là rượu cần của 4 Mường Bi, Vang, Thàng, Động, được làm từ men thảo mộc, nước mó đá giếng khơi. Hoạt cảnh về tích rượu cần được tái hiện với sự tham gia của các Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân Mo đến từ 4 vùng Mường Bi, Vang,Thàng, Động, cán bộ Trung tâm văn hoá điện ảnh tỉnh và lực lượng nghệ nhân nghệ thuật quần chúng trong tỉnh, học sinh các trường THPT Công nghiệp, trường Năng khiếu huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao tỉnh.
Tại chương trình, Nhân dân và du khách tham dự chương trình đã được trải nghiệm nghi lễ cúng và mời rượu của 4 Mường. Trước sân khấu chính và trước bình rượu lớn đặt ở chính giữa là 5 cô gái đầu đội các mâm lễ vật. Ông mo chính đứng lên tay cầm quạt với giọng trầm hùng vang vọng đọc lời Mo cúng lễ mời các thần linh về dự đêm hội, mời các đấng bề trên về ngự và uống rượu cần. 4 thầy mo đại diện cho 4 Mường bằng các giọng đọc của các vùng Mường đứng lên mời rượu 4 Mường.
Sau nghi thức gọi chiêng, thầy Mo chính đánh 3 hồi, 9 tiếng chiêng làm nghi thức chào dùi và ra lệnh vào hội. Tiến hành nghi thức gọi chiêng, thầy Mo chính đưa hai tay cầm dùi chiêng chào trời đất và khán giả, miệng khấn đánh thức hồn chiêng. Sau khi thầy Mo đánh xong 3 hồi 9 tiếng làm nghi thức chào dùi và ra lệnh vào hội.
Phần hội của đêm hội rượu cần được mở đầu bằng màn trình tấu chiêng Mường. 24 tay chiêng di chuyển lên sân khấu trình tấu bài Đi đường lóng 2, lóng 3. Tiếp theo, đội hình chiêng đứng làm 2 hàng vòng cung trước sân khấu trình tấu bài chiêng nghi lễ dâng oản của dân tộc Mường.
Trong lễ hội của người Mường, hòa chung tiếng chiêng, tiếng trống và các điệu nhạc dân gian không thể thiếu các màn dân ca dân vũ, các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc biểu hiện cho tinh thần lạc quan trong lao động sản xuất, tinh thần thượng võ trong chiến đấu sẵn sàng bảo vệ quê hương đất nước. Nam thì có thế mạnh về các môn đè khà, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, nữ thì mạnh về các môn đánh mảng, ném còn, đâm đuống múa xoè…