Dân Việt

Vụ cho vay nặng lãi đến 1.000%/ năm tại Bình Dương dưới góc nhìn pháp lý

T. Nam - K. Trinh 19/11/2024 18:00 GMT+7
Theo luật sư, trường hợp kết quả xác minh cuối cùng cho thấy các bị can đã thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể sẽ bị xử lý về Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Công an bắt nhóm cho vay nặng lãi đến 1.000%/năm

Như Báo điện tử Dân Việt đưa tin, ngày 18/11 Công an huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đã bắt giữ các đối tượng: Trần Hữu Đăng (SN 1998), Nguyễn Đức Tài (SN 1993, cùng quê tỉnh Hà Nam); Nguyễn Văn Hải (SN 1994), Đỗ Văn Hảo (SN 1994, cùng quê TP.Hà Nội) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Theo hồ sơ điều tra, từ tháng 4/2024 đến nay, Đăng cùng đồng bọn lợi dụng không gian mạng, thuê dịch vụ quảng cáo, phát tờ rơi về thông tin cho vay tiền có gắn số điện thoại để người có nhu cầu vay tiền liên hệ, nhằm hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. 

Các đối tượng sử dụng Zalo có tên "MB Credits VG; Khang Tony; Lâm; Bin; Phong Vân; Phúc Huy; Tài Bảo My; Tài Lộc Chi; Dương Nhật Hạ; Hoàng Sơn; Hải VG;…" để hoạt động phạm tội với hình thức cho vay tiền góp, thu lãi và gốc theo ngày, vòng vay từ 18 ngày đến 30 ngày.

Tính riêng trên địa bàn huyện Bàu Bàng, Đăng cùng đồng bọn sử dụng số tiền trên 5,5 tỷ đồng, cho vay tổng cộng 22 khoản vay, giá trị các khoản vay từ 80 triệu đến 350 triệu đồng, với lãi suất từ 292%/năm – 1000%/năm.

Vụ cho vay nặng lãi đến 1.000%/năm tại Bình Dương qua góc nhìn pháp lý - Ảnh 1.

Các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi đến 1.000%/năm tại Bình Dương. Ảnh: Công an Bình Dương.

Tính đến ngày 17/11/2024, Trần Hữu Đăng cùng đồng bọn đã thu lợi bất chính số tiền khoảng 2 tỷ đồng.

Quy định về Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

Luật sư Nguyễn Bá Huy - Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho biết, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi bóc lột, chiếm đoạt thành quả lao động của người khác bằng cách lợi dụng khó khăn của người khác để cho vay với lãi suất "cắt cổ".

Người thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự sẽ bị xử lý hình sự, đồng thời bị tịch thu toàn bộ tài sản do phạm tội mà có, hoặc tài sản sử dụng làm công cụ phương tiện để phạm tội.

Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất cho vay do hai bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20% một năm, tức hằng tháng người cho vay tiền chỉ được lấy lãi suất tối đa là 1,66%/tháng. 

Nếu cho vay mà vượt quá mức lãi suất quy định là trái pháp luật, phần vượt quá sẽ không được pháp luật bảo hộ, nếu có tranh chấp người đi vay tiền chỉ phải trả mức lãi suất không quá 20% một năm.

Trường hợp cho vay vượt quá 5 lần mức lãi suất cao nhất Nhà nước quy định, thu lợi bất chính 30.000.000 đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ các giao dịch mà các đối tượng này đã xác lập với những người vay để làm rõ mức lãi suất và số tiền thu lợi bất chính, làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, trường hợp kết quả xác minh cuối cùng cho thấy các bị can đã thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên có thể sẽ xử lý về Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 5 năm tù.

Ngoài việc xem xét xử lý đối với các đối tượng hành nghề cho vay lãi nặng cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.