Nhóm người ở Long An cho vay nặng lãi với lãi suất "cắt cổ", có thể đối diện với hình phạt nào?

T. Nam- K.Trinh Thứ bảy, ngày 03/08/2024 17:13 PM (GMT+7)
Theo luật sư, trường hợp kết quả xác minh cho thấy các bị can trong vụ án đã thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên có thể sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Bình luận 0

Bắt nhóm người cho vay nặng lãi với lãi suất 360%/năm

Như Báo điện tử Dân Việt đã đưa tin, mới đây, Công an huyện Bến Lức (Long An) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam 3 bị can Nguyễn Ngọc Huy (36 tuổi), Bùi Hồng Quân (27 tuổi, cùng quê Hà Nội, hiện ở Bến Lức) và Trần Thị Y Bình (22 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Long An) về hành vi "cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự".

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Long An phát hiện nhóm đối tượng nói trên có biểu hiện nghi vấn về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nên xác lập chuyên án đấu tranh, làm rõ.

Quá trình xác minh điều tra cho thấy nhóm này cho vay từ 2 triệu đến 150 triệu đồng mỗi lượt với lãi suất từ 120% đến 360%/năm.

Chỉ tính riêng 2 ngày 16/7 và 17/7 đã có đến 103 người vay 118 khoản vay với số tiền gần 1,3 tỉ đồng của nhóm này. Nhóm này đã thu lợi hơn 270 triệu đồng từ các khoản vay.

Cơ quan công an cũng làm việc với 18 người khác vay của nhóm tổng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng và xác định nhóm đã thu lợi bất chính từ việc cho vay này hơn 300 triệu đồng.

Ngoài ra, quá trình khám xét nơi ở của Huy, lực lượng làm nhiệm vụ còn thu giữ 1,187 gram Ketamin. Huy khai nhận, đã mua qua ứng dụng Telegram vào ngày 14/7/2024 với giá 1.000.000 đồng để sử dụng.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho hay, hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi bóc lột, chiếm đoạt thành quả lao động của người khác bằng cách lợi dụng khó khăn của người khác để cho vay với lãi suất "cắt cổ".

Người thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự sẽ bị xử lý hình sự. Đồng thời, bị tịch thu toàn bộ tài sản do phạm tội mà có, tài sản sử dụng làm công cụ phương tiện để phạm tội.

Vay tiền hay nói cách khác là vay tài sản là quan hệ dân sự, được pháp luật cho phép. Trong đời sống xã hội ngày nay, người này cho người khác vay tài sản trên tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cho vay để lấy lãi, thậm chí các tổ chức tín dụng được thành lập ra để chuyên thực hiện hoạt động cho vay, được gọi với cái tên "tín dụng đen".

Trong đời sống xã hội, không phải ai cũng có thể đáp ứng được nhu cầu về tiền bạc trong các quan hệ dân sự. Chính vì vậy, nhu cầu vay tiền là nhu cầu thường xuyên xảy ra với nhiều người, trong khi đó thủ tục vay vốn tại các tổ chức tín dụng không hề đơn giản.

"Không phải cứ có nhu cầu là có thể vay được tiền ở các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, nhiều đối tượng đã tổ chức cho vay, lợi dụng khó khăn của người vay tiền với lãi suất cao, cầm cố tài sản, thậm chí lợi dụng khó khăn của người vay tiền để chiếm đoạt tài sản", luật sư Cường nói.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, để đảm bảo quyền lợi của bên cho vay và bên đi vay, Nhà nước đã quy định trong Bộ luật Dân sự quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ vay tài sản.

Nhóm người ở Long An cho vay nặng lãi với lãi suất "cắt cổ", có thể đối diện với hình phạt nào?- Ảnh 2.

3 đối tượng cho vay nặng lãi với lãi suất 360%/năm bao gồm Huy, Bình, Quân (từ trái qua). Ảnh: Công an Long An.

Đặc biệt về lãi suất, trong điều 468 bộ luật dân sự 2015 quy định, lãi suất cho vay do hai bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về số tiền vay, thời hạn vay, thời hạn trả nợ, phương thức trả nợ, thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá mức lãi suất mà nhà nước quy định.

Nếu cho vay mà vượt quá mức lãi suất quy định là trái pháp luật, phần vượt quá sẽ không được pháp luật bảo hộ, nếu có tranh chấp người đi vay tiền chỉ phải trả mức lãi suất không quá 20%/năm.

Trường hợp cho vay vượt quá 5 lần mức lãi suất cao nhất Nhà nước quy định, thu lợi bất chính 30.000.000 đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự…

Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành như sau: Khái niệm "Cho vay lãi nặng" thường dùng chỉ trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

Như vậy, theo quy định của bộ luật dân sự 2015 đang áp dụng hiện nay thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, tức hằng tháng người cho vay tiền chỉ được lấy lãi suất tối đa là 1.66%/tháng. Trường hợp người cho vay với lãi suất vượt quá năm lần mức lãi suất cao nhất Nhà nước quy định, thu lợi bất chính 30.000.000 đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt có thể tới 03 năm tù. Việc này được quy định cụ thể tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo luật sư Cường, trường hợp kết quả xác minh cho thấy các bị can trong vụ án đã thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên có thể sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tịch thu tiền, làm rõ hành vi mua bán ma túy

Ngoài ra toàn bộ số tiền dùng để cho vay nặng lãi sẽ bị tịch thu vì xác định đây là phương tiện phạm tội, số tiền lãi suất cao cũng sẽ bị thu hồi để trả lại cho người bị hại.

Ngoài việc xem xét xử lý đối với các đối tượng hành nghề cho vay lãi nặng, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.

Theo đó, sẽ kịp thời phát hiện, triệt xóa các ban, hội nhóm cho vay nặng lãi, đơn giản hóa thủ tục vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, tăng cường sự hỗ trợ, giúp đỡ những người khó khăn trong cộng đồng.

Cũng theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi vi phạm pháp luật về ma túy. Kết quả khám xét nơi ở của bị can Huy có cất giữ ma túy mua qua ứng dụng Telegram. 

Bởi vậy, trong cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ người này sử dụng ma túy với ai, sử dụng ở đâu, số ma túy đó mua được từ người nào, có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy hay không để xử lý người này vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nếu kết quả điều tra cho thấy đã phát hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này bằng chế tài hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Cường, trước diễn biến phức tạp của tội phạm "tín dụng đen", người dân có nhu cầu vay tiền cần hết sức cẩn trọng, không nên vay tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo hay các tổ chức tài chính núp bóng hoạt động "tín dụng đen" mà nên đến ngân hàng, các đơn vị có uy tín để làm thủ tục vay theo đúng quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem