Theo đó, Lean là công cụ tăng năng suất, khi doanh nghiệp áp dụng sẽ giúp cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhờ giảm thiểu tình trạng phế phẩm và các lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào, trong đó có cả việc tăng năng suất lao động/hiệu suất làm việc của nhân viên thông qua giảm chờ đợi (giữa người-người; giữa người-máy móc), giảm di chuyển, giảm các thao tác thừa trong quá trình làm việc/ vận hành.
Doanh nghiệp khi áp dụng Lean thì mỗi nhân viên/ công nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình tạo sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ sẽ có nhận thức, tư duy rõ ràng về khái niệm: Giá trị và các hoạt động gia tăng giá trị cho khách hàng trong công việc của mình, từ đó tích cực đóng góp vào chuỗi giá trị của chính doanh nghiệp, góp phần xây dựng thương hiệu bền vững.
Lean rút ngắn thời gian chu trình sản xuất/ cung cấp dịch vụ (cycle time) nhờ hợp lý hóa các quá trình tạo giá trị, cùng với việc giảm thiểu các hoạt động không gia tăng giá trị, loại bỏ lãng phí do sự chờ đợi giữa các công đoạn, rút ngắn thời gian chuẩn bị cho quá trình sản xuất (set-up time) và thời gian chuyển đổi việc sản xuất các sản phẩm khác nhau (change-over time).
Áp dụng Lean giảm thiểu lãng phí hữu hình và vô hình do tồn kho quá mức cần thiết, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, mặt bằng.
Chuyên gia năng suất của Viện Năng suất Việt Nam đánh giá, Lean là một mô hình bao gồm các nguyên tắc và công cụ cải tiến có hệ thống, tập trung vào việc tạo giá trị từ góc nhìn của khách hàng và loại bỏ những lãng phí trong quá trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ của một tổ chức. Lean giúp tăng khả năng sử dụng các nguồn lực, rút ngắn thời gian chu trình sản xuất và cung cấp dịch vụ nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà không có bất kỳ sự lãng phí nào thông qua cải tiến liên tục quá trình.
Với các doanh nghiệp sản xuất, Lean mang lại giá trị sản phẩm do khách hàng quyết định. Sản phẩm khi doanh nghiệp sản xuất theo đúng quy trình Lean sẽ đáp ứng nhu cầu của khách hàng cả về chất lượng, thời gian và giá cả.
Doanh nghiệp đôi khi áp dụng Lean vẫn chưa hiểu hết được những khía cạnh khác nhau để khai thác tối đa giá trị trong Lean.
Chuyên gia cũng chỉ ra những hạn chế của doanh nghiệp Việt đang áp dụng Lean. Theo đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang loay hoay trong cấp độ khi áp dụng Lean để năng cao năng suất chất lượng sản phẩm của mình. Bởi thực tế theo khảo sát, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có suy nghĩ hiểu lầm rằng, Lean là tinh gọn, nghĩa là bao gồm cả tinh giản nhân sự. Trong thực tế, Lean không đề cập đến tinh giản nhân sự mà là tìm ra phương thức hoạt động hiệu quả nhất, nhanh nhất, chất lượng nhất cho quá trình liên quan đến các nhân sự đang phụ trách.
Đối với các doanh nghiệp đã triển khai Lean thành công, họ sử dụng nhân sự dư ra sau khi tối ưu quá trình để thực hiện các trọng trách lớn hơn nhiều, đó là liên tục cải tiến tại nơi mình làm việc.
Trường hợp không đầu tư người cho công việc cải tiến liên tục toàn thời gian thì sẽ phát sinh thêm một hiểu lầm nữa là, việc triển khai Lean khiến nhân viên phải làm việc nhiều hơn.
Doanh nghiệp hầu như chưa thật sự nắm bắt tư duy, bản chất của Lean nên khi triển khai chỉ mang tính hình thức, thiếu chuẩn bị trong quản trị hoặc chỉ tập trung vào việc tinh giản chi phí bằng việc cắt giảm nhân sự.
Tình trạng khá phổ biến hiện nay là doanh nghiệp ứng dụng Lean theo phong trào, nên việc triển khai chưa tới nơi tới chốn, hoặc sao chép một cách máy móc từ doanh nghiệp khác mà không thay đổi cho phù hợp với đặc điểm tình hình doanh nghiệp mình.
Vậy nên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng và cạnh tranh mức độ ngày càng gay gắt như hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa. Bởi thành công trong việc triển khai Lean mới có thể gia tăng sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.