Áp dụng LEAN: Cải thiện năng suất chất lượng doanh nghiệp

Hà My Thứ tư, ngày 14/08/2024 15:34 PM (GMT+7)
Áp dụng giải pháp quản lý tinh gọn LEAN trong sản xuất mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đặc biệt là giảm chi phí, tăng sản lượng, rút ngắn thời gian sản xuất, từ đó góp phần nâng cao năng suất chất lượng.
Bình luận 0

Cải tiến quy trình, loại bỏ lãng phí

Ngày nay, LEAN được biết đến và thừa nhận rộng rãi trên thế giới như là một trong những phương pháp quản lý sản xuất hiệu quả nhất theo quan điểm cạnh tranh về chi phí, thời gian sản xuất sản phẩm, giao hàng đúng hạn, lắp đặt, chăm sóc khách hàng và dịch vụ sau bán hàng.

Bên cạnh đó, LEAN còn là hệ thống công cụ được ứng dụng liên tục để cải tiến quy trình nhằm loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quy trình sản xuất. Đây là mô hình bao gồm các nguyên tắc và công cụ cải tiến có hệ thống, tập trung vào việc tạo giá trị từ góc nhìn của khách hàng và loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ của một tổ chức.

LEAN giúp tăng khả năng sử dụng nguồn lực, rút ngắn thời gian chu trình sản xuất và cung cấp dịch vụ nhằm cung cấp sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà không có bất kỳ sự lãng phí nào thông qua cải tiến liên tục quá trình.

Tại Việt Nam, LEAN được biết đến, nghiên cứu áp dụng trong cả lý luận và thực tiễn doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã đạt được thành công bước đầu trong khi phần lớn doanh nghiệp chưa đạt như mong muốn. Việc áp dụng LEAN không có nghĩa là chỉ đưa các công cụ hay kỹ thuật đó vào hệ thống sản xuất mà doanh nghiệp cần xác định đâu là kỹ thuật phù hợp với đặc thù sản xuất, nguồn lực của doanh nghiệp trong từng giai đoạn cụ thể. Nếu doanh nghiệp không xác định được các điều kiện này để đưa ra chiến lược triển khai áp dụng sẽ không đạt được thành công như mong đợi.

Lợi ích thiết thực từ LEAN

Các giải pháp tinh gọn LEAN giúp doanh nghiệp sản xuất phân phối hàng hóa ra thị trường nhanh hơn thông qua trực quan hóa dòng giá trị, tối ưu hóa quy trình công việc và liên tục cải thiện hiệu suất đội ngũ nhân viên.

Giảm chi phí tồn kho

Doanh nghiệp sử dụng chiến lược này sẽ giảm thiểu chi phí tồn kho của các nguyên liệu thô đầu vào, bán thành phẩm và thành phẩm. Thêm vào đó, khi mua ít nguyên liệu thô, doanh nghiệp sẽ chi ít tiền hơn để thuê nhà kho, ít nhân công để quản lí.

Ngược lại, doanh nghiệp không sử dụng chiến lược sản xuất tinh gọn sẽ mua nguyên liệu dựa vào khả năng dự đoán nhu cầu của khách hàng, từ đó gây nên hao phí và tăng chi phí tồn kho.

Tăng năng suất và tính linh hoạt

Trong các doanh nghiệp ứng dụng LEAN, công nhân sẽ di chuyển từng chi tiết/ linh kiện ngay khi hoàn thành thay vì chờ chuyển từng lô. Dây chuyền di chuyển từng bộ phận (single piece flow) như vậy giúp gia tăng năng suất và tính linh hoạt trong quy trình sản xuất.

Ngoài ra còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian sản xuất để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Loại bỏ hao phí

Phương pháp sản xuất tinh gọn tìm cách loại bỏ hao phí dưới mọi hình thức, chẳng hạn như chuyển động thừa, hàng tồn kho và thời gian chờ. Dây chuyền sản xuất được xây dựng để giảm thiểu số lượng di chuyển thừa giữa các quá trình và dây chuyền di chuyển từng bộ phận giảm thời gian chờ đợi giữa các bước trong sản xuất. Phương pháp tinh gọn giúp loại bỏ nút thắt gây lãng phí thời gian trong dây chuyền sản xuất.

img

Cải thiện chất lượng.

Sản xuất tinh gọn loại bỏ hao phí bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm thiểu số lượng sản phẩm lỗi. Dây chuyền di chuyển từng bộ phận cho phép công nhân xác định những bộ phận/ linh kiện lỗi trước khi số lượng lớn sản phẩm được sản xuất.

Công nhân được trao quyền để ngừng sản xuất và khắc phục nếu họ phát hiện ra một lỗi chất lượng trong quá trình sản xuất. Phương pháp sản xuất tinh gọn đưa ra quy trình sản xuất theo mô hình work cell, có nghĩa là hoàn thành tất cả hoạt động sản xuất một sản phẩm trong một khu vực. Mô hình này khuyến khích người lao động giám sát chất lượng của sản phẩm khi nó di chuyển trong dây chuyền.

Động viên tinh thần làm việc của nhân viên

Theo nghiên cứu của Đại học Berkeley, khi ứng dụng chiến lược sản xuất tinh gọn thành công, người lao động sẽ được trao quyền tham gia vào cải tiến chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tinh thần cống hiến trong họ. Ngược lại, công nhân làm việc thiếu tinh thần dẫn đến năng suất thấp, chi phí nhân công cao và gia tăng số ngày nghỉ. Giảm năng suất chất lượng và doanh thu có thể làm giảm lợi nhuận của một doanh nghiệp sản xuất.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem