Dân Việt

Chuyên gia cảnh báo hồ Thác Bà "phải hạ mực nước xuống rất sâu, hiệu quả điện sẽ giảm" nếu không thực hiện điều này

Minh Ngọc 19/11/2024 15:57 GMT+7
Theo Nghị định số 114 năm 2018 về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, sau 5 năm phải kiểm định đập. Xả tràn không hết lũ phải làm xả tràn mới. Nếu sắp tới, thay đổi quy trình vận hành các hồ chứa thì bắt buộc hồ Thác Bà phải hạ mực nước xuống rất sâu, hiệu quả điện sẽ giảm.

Nhận định này được TS. Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới”, do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Viện Quy hoạch Thủy lợi và Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam tổ chức, ngày 19/11.

Theo thống kê của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi (592 đập dâng, 6.723 hồ chứa) với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3.

Các hồ, đập thủy lợi “gánh” trên vai nhiều nhiệm vụ trọng yếu như cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ; phục vụ đa mục tiêu như cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch…

Măc dù vậy, hệ thống hồ, đập thủy lợi của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Đỗ Văn Thành đánh giá, nhiều đập, hồ chứa của nước ta đã xây dựng trên 30 năm, xảy ra hư hỏng xuống cấp, bồi lắng lòng hồ. Nhiều hồ chứa được chuyển sang phục vụ đa mục tiêu, đặt ra yêu cầu tính toán lại nhiệm vụ và thông số thiết kế.

Theo ông Thành, một số hồ lớn đã được xây dựng bản đồ ngập lụt nhưng chưa được đánh giá năng lực thoát lũ hạ du; nhiều hồ chứa nhỏ chưa có phương án đảm bảo an toàn hồ đập và phòng lũ hạ du...

Một số chuyên gia cũng nhìn nhận, hành lang thoát lũ ở hạ du của một số hồ chứa lớn hiện nay đang bị xâm lấn, dòng chảy co hẹp, không đảm bảo thoát lũ thiết kế, gây ra úng ngập hạ du khi vận hành xả lũ. Trong khi đó, công tác dự báo, cảnh báo mưa, lũ, nguồn nước đến hồ, đập vẫn còn nhiều hạn chế…

Chuyên gia - Ảnh 1.

Theo thống kê của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi (592 đập dâng, 6.723 hồ chứa) với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Lương Văn Anh, công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước còn bộc lộ nhiều hạn chế. Điều này thể hiện rõ trong sau cơn bão số 3 vừa qua. Do đó, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên là nâng cao năng lực thông tin, cảnh báo, dự báo, xây dựng các hệ thống quan trắc ở vùng thượng lưu và các hồ chứa để hỗ trợ phân tích thủy văn.

“Việc xây dựng các công cụ hỗ trợ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, AI trong việc ra quyết định trong vận hành đập, hồ chứa là cần thiết để chủ động dự báo, cảnh báo nguồn nước và đưa ra kịch bản cắt lũ, xả lũ phù hợp, đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi và vùng hạ lưu…”, ông Lương Văn Anh nhấn mạnh.

TS. Hoàng Văn Thắng cho biết, hiện nay, Việt Nam có trên 4.250 đập nhỏ. Những đập này giao cho tổ chức thủy lợi cơ sở (những người sử dụng nước) để quản lý. Trên thực tiễn, chúng ta có nhiều nỗ lực để củng cố thủy lợi cơ sở, cả nguồn lực trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động kém hiệu quả, "thành công không nhiều". Trong đó, giao cho một số HTX đa ngành, nhưng HTX chủ yếu là sản xuất kinh doanh. Mặt khác cũng, giao cho chính quyền xã quản lý, nhưng họ chỉ quản lý về mặt hành chính. 

"Nếu xã nào làm tốt có thể đảm bảo tài chính, có thể lựa chọn được con người để quản lý, còn nếu xã nào không đảm bảo tài chính được thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ...", ông Thắng nêu.

Chuyên gia - Ảnh 2.

Toàn cảnh hồ thủy điện Thác Bà, sáng 12/9/2024. Ảnh: Đức Hoàng

Theo ông Thắng, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở "không phải đơn giản", vì phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, thậm chí chúng ta đã miễn giảm thủy lợi phí rất lâu, dẫn đến "sức sống" của tổ chức thủy lợi cơ sở không cao. Trong khi đó, ảnh hướng của biến đổi khí hậu, những trận mưa trong quy mô nhỏ nhưng cường độ lớn, dẫn đến nguy cơ mất an toàn hỗ đập rất cao.

Từ thực tiễn nêu trên, ông Thắng cho rằng, các địa phương phải triển khai kế hoạch "ứng phó khẩn cấp" và quản lý rủi ro thiên thai dựa vào cộng đồng, với phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Cũng theo ông Thắng, quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định số 740 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rất rõ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua nhiều nhà khoa học cho rằng cần sửa quy trình này.

Ông Thắng lấy ví dụ, hồ Thác Bà đã được đưa vào sử dụng 60 năm, thời điểm đó rừng tốt, biến đổi khí hậu tác động chưa lớn, ít xảy ra mưa cực đoan. Còn hiện tại, cùng một trận mưa như vậy nhưng đã xảy ra những trận lũ rất lớn. Trong khi đó, theo Nghị định số 114 năm 2018 về quản lý an toàn đập, hồ chưa nước, sau 5 năm phải kiểm định đập (đánh giá khí tượng thủy văn, đối chiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn). "Xả tràn không hết lũ phải làm xả tràn mới. Nếu sắp tới, thay đổi quy trình vận hành các hồ chứa thì bắt buộc hồ Thác Bà phải hạ mực nước xuống rất sâu, hiệu quả điện sẽ giảm", ông Thắng nói.