Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kể về quyết định sống còn cứu hồ thuỷ điện Thác Bà

Trần Quang Chủ nhật, ngày 15/09/2024 11:29 AM (GMT+7)
Tại Chương trình truyền hình trực tiếp Hướng về đồng bào nơi bão lũ phát sóng trên VTV1 tối qua 14/9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã kể lại những thời khắc quyết định để đưa ra các giải pháp giữ được hồ thủy điện Thác Bà. Theo ông Hiệp, nếu vỡ hồ 3 tỷ m3 nước sẽ dồn xuống, làm tăng thêm 3m nước tại Yên Bái.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: “Thuỷ điện Thác Bà đã an toàn” - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ trao đổi với Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (ngoài cùng, bên trái) ngay trên đập thủy điện hồ Thác Bà ngày sáng 11/9 trước thời điểm quyết định sống còn với công trình này.

Nếu vỡ đập, 3 tỷ m3 nước sẽ nhấn chìm thành phố Yên Bái

Nói về cơn bão Yagi tại Chương trình trên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đây là một cơn cuồng phong chứ không phải là một cơn bão thông thường. Theo thống kê của chúng tôi đến thời điểm này, đây là cơn bão mạnh nhất về tốc độ gió trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.

"Đây là cơn bão khi đổ bộ vào biển Đông chỉ trong 48 tiếng đã tăng lên 4 cấp, lên cấp cuồng phong và đây cũng là cơn bão đầu tiên có sức gió giật cấp 15 đổ bộ vào Hải Phòng và Quảng Ninh.

Một điều lịch sử nữa là thường các cơn bão khi đổ bộ vào đất liền sẽ di chuyển từ 15 đến 20km/giờ. Tuy nhiên, cơn bão này đã đứng yên ở Hải Phòng và Quảng Ninh gần 5 tiếng đồng hồ, bão không di chuyển nên sức tàn phá của bão rất lớn. Khi đó, chúng tôi đang ở Quảng Ninh và Hải Phòng đều nghĩ bão đã tan rồi nhưng bão vẫn tiếp tục", Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT, cơn bão này còn gây mưa trên diện rộng và rất lớn, gây ra ngập lụt lớn tương đương với trận lũ lụt lịch sử xảy ra vào năm 1971. Trong đó, nhiều con sông ở miền Bắc đã lên tới mức báo động, như tại sông Thao tại Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1968 tới 1,39 mét.

"Cơn bão này đã gây ra một dấu mốc lịch sử mới trong công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam", Thứ trưởng Hiệp nói thêm.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, do đây là cơn bão lịch sử nên có rất nhiều vấn đề mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới quyết định được mà chưa có tiền lệ.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kể về quyết định sống còn cứu hồ thuỷ điện Thác Bà - Ảnh 1.

Hồ thủy điện Thác Bà được khánh thành năm 1962 có dung tích chứa nước 3 tỷ mét khối. Hồ được xây dựng trên lưu vực sông Chảy tại địa bàn tỉnh Yên Bái.

Nói về các quyết định để cứu hồ thủy điện Thác Bà, ông Hiệp cho biết: Thủy điện Thác Bà được khánh thành từ năm 1962, khi đó thiết kế lưu lượng lũ về tối đa chỉ 3.000m3/giây và lưu lượng xả là 3.200m3/giây, nhưng đến ngày 10/9, chúng tôi ghi nhận lũ đã lên đến 5.600m3/giây, tức là gấp đôi tượng lũ về thời điểm trước.

Chính vì vậy mà thủy điện Thác Bà đứng trước nguy cơ "ngàn cân treo sợi tóc", ngay giữa 12 giờ trưa ngày 10/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp với tất cả các địa phương liên quan và chỉ đạo tổ chức di dời ngay lập tức hơn 10.000 dân trong vòng 4 tiếng đồng hồ và sẵn sàng cho phá đập phụ để cứu đập chính.

Bởi vì, nếu vỡ đập chính, lượng nước 3 tỷ m3/giây tràn xuống sông Chảy, rồi đổ ra sông Lô ở Yên Bái, sẽ làm tăng thêm 3m nước, mức độ sẽ tàn phá rất khủng khiếp. Theo đó, chúng ta phải chấp nhận giải pháp gì đó để gây ra thiệt hại ít hơn.

Trong thời điểm đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương liên quan bằng mọi cách giảm xả tại các hồ khác về thủy điện. Rất may sau đó nước bắt đầu rút dần và chúng ta chưa phải phá đập phụ.

Ngay sau thời điểm đó, nước lũ ở sông Hoàng Long lên cao, có thể phải đưa ra giải pháp phá đê sông Hoàng Long. Khi được báo cáo về vấn đề trên, Thủ tướng đã chỉ đạo nhà máy thủy điện Hòa Bình ngừng phát điện, giải pháp này đã giúp giảm lũ trên sông Đáy, sông Hồng và chúng ta không phải phá đê. Rất may, lúc đó tất cả các cửa xả đáy của thủy điện Hòa Bình đã được đóng nên không gây thêm áp lực nước về sông Hồng.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kể về quyết định sống còn cứu hồ thuỷ điện Thác Bà - Ảnh 2.

Toàn bộ 35 ngôi nhà thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai bị vùi lấp hoàn toàn. Ảnh: Báo Lào Cai

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống bão lũ

Do là cơn bão lịch sử nên nó đã tạo ra nhiều yếu tố lịch sử, dù chúng ta đã cố gắng nhưng thiệt hại do bão lũ gây ra vẫn còn rất lớn. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay: Nếu chúng ta không có chỉ đạo quyết liệt thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.  

"Ngay từ đầu, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, từ sớm, từ xa, hàng ngày, hàng giờ. 

Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, ngay trong bão lũ,  Bộ Chính trị đã ra một kết luận chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc, cả hệ thống chính trị vào cuộc ngay lập tức, chứ không chờ sau bão mới ra kết luận.

Trong thời điểm đó, đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã đi chỉ đạo tại các địa phương, trong đó có Tuyên Quang, Phú Thọ. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng phân công từng đồng chí phải đi từng địa phương để vừa chia sẻ, vừa chỉ đạo. 

Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, bao quát và đã vào tâm bão tại Quảng Ninh, Hải Phòng hay vào những chỗ xảy ra mưa lũ lớn nhất như Lào Cai, Yên Bái hay một số địa phương khác trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão lũ.

Đồng thời, Thủ tướng cũng phân công tác các đồng chí Phó Thủ tướng đi các địa phương để chỉ đạo công tác phòng chống bão lũ. 

Chính nhờ cách chỉ đạo, điều hành như thế cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng công an, quân đội, trong bão lũ vừa qua chúng ta đã huy động 450.000 người, trong đó công an, quân đội là nòng cốt, dân quân tự vệ đã di dời 150.000 người dân trên đất liền, hơn 50.000 người dân trên biển... nên công tác phòng chống bão lũ rất hiệu quả", Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT, thông thường số người chết sau bão sẽ cao hơn số người chết trong bão. Bởi, sau bão là mưa và lũ và công tác phòng chống mưa lũ sau bão bao giờ cũng khó khăn, phức tạp hơn. Bởi, việc dự báo bão dễ hơn vì chỉ dự báo đường đi, đường hướng của bão thường dễ hơn, còn dự báo mưa sau bão lại rất khó, cả thế giới đều gặp khó. 

Tiếp nữa là sau bão, 14 tỉnh miền Bắc đều có mưa, địa hình ở đây lại đồi dốc, không có chỗ phân thủy nên khi nước mưa dồn về lớn, nước tại sông, suối sẽ dâng cao. Khi nước dâng cao đột ngột sẽ gây ra lũ quét, sạt lở đất, gây ra các thảm họa rất lớn, có những thứ chúng ta không thể đề phòng và lường trước được.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem