"Cú hích" từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Đắk Lắk có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước với hơn 650.000 ha, trong đó hơn 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ. Toàn tỉnh hiện có trên 200.000 ha cà phê, gần 29.000 ha hồ tiêu và trên 30.000 ha sầu riêng, lớn nhất nước; lúa trung bình gieo trồng trên 110.000 ha/năm, đứng đầu khu vực Tây Nguyên; ngô trên 80.000 ha, đứng thứ 2 cả nước...; có điều kiện phát triển chăn nuôi thuận lợi (tổng đàn gia súc, gia cầm trên 15 triệu con, luôn trong top 10 của cả nước); gần 42.000 ha mặt nước thuận lợi phát triển thủy sản nội đồng; khí hậu ôn hòa, thời tiết thuận lợi...
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM, tỉnh Đắk Lắk xác định 3 khâu đột phá. Đó là ứng dụng công nghệ cao; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, phát triển hợp tác xã (HTX); thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản.
Để thực hiện mục tiêu kép là phát triển bền vững kinh tế nông thôn và xây dựng NTM toàn diện, bền vững, cùng với đổi mới tư duy trong sản xuất kinh tế nông nghiệp, nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp ở Đắk Lắk đã thực hiện hiệu quả các mô hình kinh tế nông thôn trong giai đoạn mới.
Nhờ thay đổi hình thức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm sầu riêng, Tổ hợp tác sầu riêng Phước Lợi ở thôn Tân Bắc (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) đã khẳng định được chất lượng và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Hiện các thành viên trong THT đang liên kết sản xuất chuyên canh 15ha sầu riêng, gồm 2 giống sầu riêng chất lượng cao Ri6 và Dona, năng suất bình quân từ 30 - 35 tấn/ha, sản lượng mỗi năm gần 500 tấn. Với chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hiện sản phẩm của THT được liên kết đầu ra ổn định với mức giá cao hơn so với sản phẩm canh tác thông thường từ 10 - 20%.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Tổ trưởng THT sầu riêng Phước Lợi, việc sản xuất tập trung, đồng bộ theo quy trình giúp người dân nâng cao trình độ canh tác, tiếp cận và nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về những điều kiện sẵn có của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu thu được kết quả khả quan.
Nói đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn được đầu tư hiệu quả tại Đắk Lắk có thể kể đến Dự án trồng chuối Nam Mỹ quy mô 150 ha tại xã Ea Riêng, huyện M'Drắk của Công ty Banana Brothers Farm (Công ty BBF).
Dự án ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất theo phương thức canh tác tuần hoàn, cho ra sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chuối xuất khẩu chính ngạch. Ngoài hệ thống tưới, ròng rọc vận chuyển chuối, kho lạnh, Công ty BBF đang dùng phần mềm quản lý để theo dõi đến từng gốc chuối.
Đến nay, sản phẩm chuối của Công ty BBF đi vào khai thác ổn định với sản lượng bình quân 65 tấn/ha/năm. Từ năm 2022 đến nay, trung bình công ty xuất khẩu chuối chính ngạch sang các thị trường các nước với sản lượng trên 6.500 tấn/năm.
Hướng tới nông thôn mới hiện đại
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của các địa phương. Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, xác định tái cơ cấu nông nghiệp là một trong những đòn bẩy để nâng cao các tiêu chí NTM, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh ban hành các đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm; lồng ghép nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn tỉnh đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, phát triển nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM.
Nhờ vậy, những năm qua, nông nghiệp Đắk Lắk đã có những dịch chuyển khả quan, trong đó có việc phát triển sản xuất hàng hóa năng suất cao, chất lượng tốt, tăng sức cạnh tranh, bền vững, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế.
Đến nay Đắk Lắk có khoảng 176 HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; có khoảng 34 doanh nghiệp và 276 trang trại, gia trại tham gia liên kết với doanh nghiệp; số hộ nông dân tham gia liên kết khoảng 15.525 hộ; có 5 tổ chức khoa học tham gia liên kết.
Ngành nông nghiệp Đắk Lắk xác định 3 vùng sản xuất chuyên canh cây trồng chủ lực gồm vùng sản xuất chuyên canh cà phê, vùng sản xuất chuyên canh sầu riêng và vùng sản xuất chuyên canh lúa. Hàng hóa nông sản của tỉnh đã xuất khẩu tới 72 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt đã thâm nhập được vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp….
Tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh có 79 xã đạt 19/19 tiêu chí; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1/15 đơn vị cấp huyện (TP. Buôn Ma Thuột) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Hiện Đắk Lắk đã công nhận cho 230 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao của 144 chủ thể sản phẩm. Trong đó có 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 42 sản phẩm đạt 4 sao và 185 sản phẩm đạt 3 sao.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình sản xuất, dành nguồn lực hỗ trợ các đề án, mô hình phát triển sản xuất hiệu quả; hỗ trợ nông dân tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
Đồng thời, chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông sản, thực phẩm chủ lực. Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.