Phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiêu thụ và du lịch cộng đồng
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiêu thụ và du lịch cộng đồng
Minh Anh
Thứ bảy, ngày 30/09/2023 18:57 PM (GMT+7)
Sản phẩm OCOP và du lịch của Đắk Lắk có nhiều dư địa phát triển. Đây là lợi thế, cơ hội để địa phương và các chủ thể sản xuất kinh doanh khai thác, góp phần chuyển biến trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện đã công nhận cho 148 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, gồm: 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 19 sản phẩm đạt 4 sao và 128 sản phẩm đạt 3 sao (trong 128 sản phẩm OCOP 3 sao có 12 sản phẩm do UBND cấp huyện đánh giá và công nhận).
Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa có sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm "Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng".
Đắk Lắk được xem là vùng đất với những lợi thế sẵn có như thiên nhiên ôn hòa, cảnh sắc phong phú, đặc sắc văn hóa bản địa, giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Nhiều thuận lợi để phát triển các sản phẩm OCOP du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa và nghề truyền thống.
Điển hình như buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao, huyện Lắk) được xem là nơi duy nhất trên Tây Nguyên còn nghề làm gốm cổ của người M'nông Rlâm. Với cách làm gốm "nguyên thủy" lưu truyền hàng nghìn năm từ quy trình sản xuất thủ công đến cách nung gốm lộ thiên nhưng rất bền và tinh xảo.
Đến TP Buôn Ma Thuột, khám phá buôn Akõ Dhông của đồng bào dân tộc Ê Đê - được ví như không gian cổ tích giữa lòng thành phố. Điểm đặc trưng khi khám phá Buôn Akõ Dhông là hình ảnh những nhà dài cổ của người đồng bào Ê Đê; thưởng thức văn hóa cồng chiêng; chiêm ngưỡng nghệ thuật dệt thổ cẩm thủ công được dệt bằng chính tay của những người dân bản địa; ẩm thực phong phú; các điểm du lịch, homestay đáp ứng được yêu cầu của du khách…
Hay buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) - nơi có rất nhiều các dân tộc cùng sinh sống, trong đó có cộng đồng người Lào. Nơi đây hằng năm duy trì lễ hội Bunpimay với chuỗi hoạt động hấp dẫn đậm bản sắc, nhiều nghi lễ độc đáo thu hút người dân và du khách. Cũng là nơi duy trì lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi của người M'nông…
Buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) cũng vậy, đây là một trong những buôn được quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng theo quyết định của UBND tỉnh. Buôn Kuốp hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch như: Có cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống; còn duy trì các hình thức biểu diễn nghệ thuật, các lễ hội truyền thống của địa phương; có điểm tham quan lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng; có đặc sản ẩm thực địa phương.Cùng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, đặc trưng bản địa.
Theo đề xuất đăng ký của UBND tỉnh Đắk Lắk, địa phương này đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt mô hình thí điểm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 với mô hình "Phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa và nghề truyền thống tại buôn Kuốp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk", thời gian thực hiện từ 2023 đến 2025. Hiện UBND tỉnh đã giao UBND huyện Krông Ana lập dự án/kế hoạch triển khai mô hình.
Từ những lợi thế cũng như việc bám sát Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP, các huyện, xã hoặc tổ chức kinh tế có cơ sở để lựa chọn, tìm hướng phát triển các sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn.
Hơn thế nữa, ngành "công nghiệp không khói" đã và đang được tỉnh Đắk Lắk quan tâm, có nhiều chính sách khuyến khích phát triển và định hướng lâu dài. Việc xây dựng các sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cộng đồng như khai thác, bảo tồn bản sắc văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân và gắn với phát triển du lịch bền vững.
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch là hướng đi cần thiết và quan trọng, ngày càng được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn. Đồng thời bảo tồn các giá trị văn hoá, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Với những triển vọng phát triển du lịch cộng đồng, nếu được đầu tư xây dựng và công nhận sản phẩm OCOP sẽ phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời mở ra hướng khởi nghiệp cho các chủ thể, đặc biệt là lực lượng trẻ đam mê và tâm huyết với lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.