Dân Việt

Doanh nghiệp, HTX đang "găm" hàng nghìn con lợn, chuẩn bị cung ứng cho thị trường cuối năm

Minh Huệ 22/11/2024 10:03 GMT+7
Bộ NNPTNT đánh giá, dù mảng chăn nuôi lợn còn nhiều thách thức do bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 và dịch bệnh, nhưng những tháng cuối năm 2024, chăn nuôi lợn được dự báo sẽ thuận lợi hơn so với các năm trước. Hiện nay, giá thịt lợn hơi đang ở mức khá cao, đảm bảo giúp người chăn nuôi có lãi.

Doanh nghiệp, hộ chăn nuôi tích cực tái đàn

Để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm đáp ứng thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hiện tại, các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi đang tích cực tái đàn, vỗ béo đàn lợn. Ngay sau bão số 3, Bộ NNPTNT cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi phục hồi sản xuất; áp dụng các giải pháp cân đối cung cầu, góp phần ổn định giá cả thị trường.

Đơn cử, Hợp tác xã Sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ (Sơn Dương, Tuyên Quang) cho biết đang chuẩn bị khoảng từ 300 - 400 tấn thịt lợn thảo dược cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. 

Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX khẳng định: "Qua 3 năm cung ứng thực phẩm dịp cuối năm, nhất là thịt lợn thì tôi thấy người tiêu dùng hiện nay đã thông thái. Họ ưu tiên chọn những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhất là thực phẩm được áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn sinh học. Đây vừa là yêu cầu vừa là động lực để HTX ngày càng được nâng cao chất lượng thịt lợn thảo dược, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng". 

Tất bật chăm sóc đàn lợn chuẩn bị bán tết  - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Ngọc Sáng (xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) tư vấn thịt lợn thảo dược cho khách hàng. Ảnh: J.P

Hiện, HTX Sáng Nhung thường xuyên chăn nuôi gần 400 con lợn nái, hơn 5.000 con lợn thương phẩm theo chuỗi khép kín. Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho thị trường hơn 50 tấn lợn thịt và xây dựng thành công chuỗi cung cấp thịt an toàn từ trang trại tới bàn ăn.

Tại Long An, một số bà con chăn nuôi lợn cho biết, giá lợn hơi tại địa phương hiện dao động từ 64.000-66.000 đồng/kg. Với giá bán này, người chăn nuôi đang có lợi nhuận khá tốt. Tháng trước, gia đình anh Đinh Văn Huy (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) xuất bán hơn 20 con lợn thịt và tái đàn với số lượng 30 con, trong đó 25 con dự kiến phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Theo anh Huy, với giá lợn hơi như hiện tại, trung bình mỗi con lợn xuất bán người nuôi sẽ có lợi nhuận từ 1,5-1,7 triệu đồng.

Cũng theo anh Huy, nuôi lợn vụ tết thường gặp thời tiết lạnh, nhiều mưa nên công tác phòng dịch được anh ưu tiên hàng đầu. "Hiện nay, tôi không lo về giá cả thị trường mà lo nhất là dịch bệnh nên cứ một tuần, tôi phun khử trùng, sát khuẩn chuồng trại 3 lần, thường xuyên vệ sinh, tắm sạch sẽ cho đàn lợn" - anh Huy cho biết.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, để bảo đảm an toàn và đạt hiệu quả khi tái đàn, tăng đàn, ngành nông nghiệp Long An đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt biện pháp an toàn sinh học. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi lựa chọn con giống tái đàn có nguồn gốc rõ ràng; được tiêm phòng đầy đủ; có giấy chứng nhận kiểm dịch; kê khai tổng đàn vật nuôi cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương và khử trùng chuồng trại trước khi đưa con vật vào nuôi.

Phương thức chăn nuôi lợn sẽ thay đổi nhiều trong 5 năm tới

Theo Bộ NNPTNT, tương lai của ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong bối cảnh giá thịt và sản phẩm chăn nuôi đang có xu hướng tăng, cùng với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Tất bật chăm sóc đàn lợn chuẩn bị bán tết  - Ảnh 1.

Thịt lợn thảo dược Sáng Nhung được bày bán tại cửa hàng thứ hai thuộc chuỗi Nông sản xanh Sáng Nhung (TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: J.P

Trong khi đó, TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đã đưa ra 8 dự báo về ngành chăn nuôi lợn Việt Nam trong giai đoạn 2025 - 2030.

Một là nhu cầu thị trường trong nước về mặt hàng thịt lợn vẫn còn lớn, tuy nhiên sẽ theo xu hướng giảm dần, do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác, như: gia cầm, tôm cá, thịt đỏ, đạm thực vật.

Hai là ngoài sự cạnh tranh với các mặt hàng thực phẩm khác, chăn nuôi lợn trong nước còn phải cạnh tranh ngày càng lớn với các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đang ngày càng gia tăng (Trung bình từ 15-20%/năm).

Ba là dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Do đó, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là biện pháp quyết định trong kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bốn là kiểm soát môi trường và khí nhà kính sẽ gia tăng áp lực cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn và trâu, bò. Vấn đề kiểm kê khí nhà kinh trong chăn nuôi là tự nguyện hay bắt buộc sẽ là vấn đề tranh luận, nếu không có các căn cứ thuyết phục và sự vào cuộc thực sự của người chăn nuôi, các hội, hiệp hội thì có thể sẽ được Nhà nước đưa các cơ sở chăn nuôi lợn có quy mô từ 3.000 con/trại vào diện phải kiểm kê khí nhà kính từ năm 2027.

Năm là số hộ chăn nuôi lợn sẽ giảm, nhưng tổng đàn lợn trong nước vẫn tăng ở mức 2-3%/năm.

Sáu là, phương thức chăn nuôi lợn trong nước sẽ đi theo 3 xu hướng: Chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết, mô hình chăn nuôi gia công cho các tập đoàn, công ty lớn. Quy mô đàn lợn khu vực chăn nuôi này chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Mô hình chăn nuôi này có tính ổn định, ít rủi ro; Chăn nuôi lợn theo mô hình các hộ lớn, hộ trang trại tự phối chộn hoặc đặt hàng gia công thức ăn chăn nuôi cho các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. 

Mô hình chăn nuôi này có hiệu quả tốt, tuy nhiên đòi hỏi người chăn nuôi phải có vốn và khả năng quản trị tốt; Chăn nuôi lợn theo mô hình chăn nuôi truyền thống, tận dụng phụ phẩm của các bếp ăn tập thể. Mô hình chăn nuôi này chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là vấn đề kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Bảy là việc xây mới các cơ sở chăn nuôi lợn sẽ gặp nhiều khó khăn, do vậy những cơ sở chăn nuôi lợn hiện có sẽ có vị trí quan trọng trong việc ổn định quy mô đàn lợn, đáp ứng yêu cầu phát triển thời gian tới.

Tám là vấn đề tạo ra những giống, công thức lai để có sản phẩm thịt lợn đặc thù với nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam và công nghệ giết mổ phù hợp nhằm phổ cập thói quen tiêu dùng thịt mát là giải pháp quan trọng nâng cao sức cạnh tranh, khả năng tự vệ của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế và chăn nuôi Việt Nam với khu vực và thế giới.

Quy mô đàn lợn cả nước tại thời điểm 1/4/2024 là 25,54 triệu con, trong đó lợn thịt 22,36 triệu con; lợn nái 3,1 triệu con (không tính lợn con theo mẹ). Quy mô đàn lợn cả nước có thể lên cao điểm đến khoảng 28,5 triệu con vào năm 2028.