LTS: Trong những phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm luôn nhấn mạnh, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay.
Tổng Bí thư đã phát đi "tín hiệu" của một cuộc cắt giảm, sáp nhập một số tổ chức, cơ quan cả bên Đảng và Chính phủ. Đây được coi là một trong những động thái quan trọng và hết sức quyết liệt để giúp bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tránh tình trạng chồng chéo chức năng và hiện tượng "song trùng" giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước, dễ tạo ra sự lãng phí lớn về nguồn lực; từ đó giúp cho Việt Nam vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Loạt bài của Dân Việt "Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị - Yêu cầu bức thiết từ thực tiễn" sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về yêu cầu bức thiết mà Tổng Bí thư đặt ra cũng như đề ra những giải pháp và cả những dẫn chứng sinh động từ thực tiễn, qua đó có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và ý nghĩa sinh tử của việc "tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị" trong thời điểm quan trọng này, khi Việt Nam đang bước vào "Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình".
Tiếp theo bài 1 của loạt bài "Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị - Yêu cầu bức thiết từ thực tiễn", Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Thủ tướng Phan Văn Khải về những vấn đề bức thiết, cấp bách trong việc phải tinh gọn lại bộ máy của hệ thống chính trị.
Bộ máy cồng kềnh khiến cải cách gặp khó khăn, thách thức
Với chủ trương “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" bộ máy, chủ trương sắp xếp lại các cơ quan trung ương, Bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp đang nhận được nhiều sự kỳ vọng của nhân dân, dư luận, dưới góc nhìn của mình, bà có thể khái quát vài nhận định về xu hướng này?
- Chuyên gia Phạm Chi Lan: Phải khẳng định đây là chủ trương và quyết sách vô cùng cần thiết lúc này bởi muốn cải cách thể chế kinh tế thì trước hết phải cải cách bộ máy, con người. Với một bộ máy lớn, cồng kềnh như hiện nay, có tiến hành cải cách thể chế cũng sẽ gặp những khó khăn.
Khi bộ máy có quá nhiều cơ quan đều cùng có chức năng như nhau gần như tất yếu sẽ khiến khó cải cách thể chế bởi cải cách thể chế sẽ động đến quyền của các bộ, ngành. Mà động đến quyền thì sẽ ảnh hưởng đến lợi, bởi quyền đi đôi với lợi. Có lợi ích chung cục bộ của ngành, bộ, cơ quan, có lợi ích riêng cho bản thân người đứng đầu, thậm chí bây giờ lợi ích riêng cá nhân còn to hơn.
Chúng ta đã chứng kiến bao vụ tham nhũng, tội danh do lạm dụng quyền lực, vi phạm các quy định quản lý Nhà nước mà ra.
Muốn cải cách hành chính thì chúng ta phải cải cách bộ máy, bởi con người là điểm nghẽn của thể chế. Tôi nhớ lại phương châm trước đây trong cải cách kinh tế của Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình khởi xướng, ông ta có câu rất hay là: “Dỡ miếu, đuổi thổ thần”.
Câu ấy có nghĩa là: Bỏ bớt miếu đi, mới bỏ bớt được các vị thổ thần bám lấy miếu đó để nhận đồ cúng lễ của thiên hạ. Chuyện tưởng như là đơn giản, nhưng rất là đúng và trúng với họ.
Cái quan trọng nhất là lãnh đạo đất nước đã nhận diện được vấn đề, đã nêu ra trong 2 đến 3 kỳ đại hội Đảng, nhưng thực hiện chưa được nhiều. Trong chiến lược 10 năm, ta có ba đột phá chiến lược, thì cải cách thể chế là số 1, thứ 2 là giáo dục và thứ 3 là cơ sở hạ tầng. Nhưng thể chế khó làm và làm được ít nhất. Chính thể chế không làm được, cho nên cản trở cả đột phá về con người, tư duy bộ máy, cách thức điều hành, vận hành.
Cải cách bộ máy để chức năng nhiệm vụ của các cơ quan rõ ràng hơn, trách nhiệm trước Đảng, trước dân rõ ràng hơn phải có trách nhiệm giải trình trước vấn đề thời cuộc.
Chúng ta nói “quả bóng trách nhiệm” được trao đi, đổi lại giữa các bộ, thực chất là đẩy trách nhiệm cho nhau. Vấn đề là những đòi hỏi cuộc sống, của doanh nghiệp, của người dân và nhà đầu tư cần được giải quyết ngay, nhưng lại bị cản trở, tiêu tốn công sức, tiền bạc ở khâu quản lý. Rõ ràng những bất cập này cần được xoá bỏ để quản lý nhà nước theo kịp, tiến cùng và kiến tạo cho đất nước phát triển?
- Cái đó là rõ ràng. Vấn đề là tinh giản bộ máy là quá trình phải diễn ra liên tục để theo kịp đời sống, phản ánh hơi thở cuộc sống. Tinh gọn bộ máy là yêu cầu tất yếu của thời cuộc, là đòi hởi thực tế của đất nước muốn thay mình, bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Có những bộ máy hình thành từ thời bao cấp, ví dụ như vai trò của Bộ KH&ĐT có phần nào trùng lắp với Bộ Tài chính về phân bổ vốn của Chính phủ; các dự án bây giờ cũng điều phối, phân quyền hết xuống địa phương rồi thì cần sáp nhập làm một để quản lý hiệu lực, hiệu quả.
Nhìn sang các nền kinh tế lớn hơn Việt Nam rất nhiều, họ cũng không cần thiết duy trì số bộ ngành lớn như Việt Nam, họ cũng thường xuyên cải cách thu hẹp bộ máy chứ không mặc định duy trì số bộ máy nhiều như chúng ta.
Tất nhiên, tôi nói ở đây có những Bộ, ngành tồn tại có vai trò lịch sử và có hiệu quả trong thời gian nhất định, nhưng trước yêu cầu đổi mới phải chuyển đổi, vận động theo, không thể để mặc định mãi như vậy được.
Nhật Bản đã sát nhập các bộ kinh tế mấy lần rồi, thậm chí có thể hướng đến một bộ máy kinh tế tinh, gọn, nhẹ, hiệu quả. Tất nhiên trình độ quản trị của họ tốt hơn thì họ làm đến mức đó. Chúng ta trình độ quản lý chưa bằng họ, thì những nơi nào trùng lắp, chồng chéo thì cần xem xét sát nhập lại là một để đỡ đầu mối sao cho hiệu quả, tinh gọn để phát triển. Không thể cứ dang ngang, đi đều, quyền anh, quyền tôi không thể phù hợp với tình hình mới được.
Vấn đề tồn tại là nhiều bộ, ngành quản lý một lĩnh vực, dẫm chân nhau đã được nhắc đến, trong đó vai trò và quyền hạn quản lý các bộ tương đương nhau khiến vấn đề trở nên khó xử. Chính phủ nhiều lần ra Nghị quyết về cắt giảm thủ tục hành chính, thông tư, nghị định, giấy phép con song vấn đề này dường như mới chỉ giải quyết được phần ngọn, thưa bà?
- Theo tôi, việc một lĩnh vực có đến 2 bộ, thậm chí 3-4 bộ cùng tham gia quản lý, giám sát nên không ai đủ quyền quyết định và khi quy trách nhiệm không ai chịu.
Thực tế chứng minh, chỉ một việc ở các nước họ quyết nhanh, nhưng ở ta thì đẩy qua, đẩy lại các bộ với nhau, đến là buồn cười. Điều này khiến bộ máy kém hiệu lực, hiệu quả.
Trước đó, trong những lần cải cách khác cũng đưa ra nhưng không làm được. Năm 2014, đưa ra chủ trương Nhà nước kiến tạo phát triển, đã định hình rất nhiều và khẳng định vai trò chính của Nhà nước về đường hướng phát triển, chính sách, công cụ chứ không phải tự mình làm.
Khi một bộ máy quá lớn, dùng nhiều dự án đầu tư công cho doanh nghiệp Nhà nước thực hiện thì Nhà nước đó trở thành lấn sân thị trường, xã hội, Nhà nước tự ôm tất cả, không thể hiện được việc kiến tạo phát triển.
Trong khi chính sách chính là thiết kế luật pháp để tạo sân chơi công bằng, thu dưỡng năng lực nội địa, vận dụng năng lực nước ngoài để đưa đất nước bứt phá lại chưa làm được hoặc chỉ làm được ít.
Chúng ta có cơ chế cùng phối hợp, chia quyền, chia trách nhiệm như hiện nay là chưa hợp lý, khiến đất nước chậm phát triển.
Chi ngân sách hiện nay, 70% chi cho thường xuyên, trong đó có chi cho đơn vị sự nghiệp, chi lương. Tỷ lệ này lớn do chúng ta có đội ngũ công chức, viên chức lớn chứ không phải do chúng ta trả lương cao cho công chức, viên chức. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần phấn đấu về mức chi thường xuyên chiếm 50% chi ngân sách là hợp lý, thưa bà?
- Tôi nhớ lại thời Thủ tướng Phan Văn Khải làm 2 nhiệm kỳ Thủ tướng, chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách chỉ chiếm 50%. Khi ấy chúng tôi là thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng lấy điều đó là hài lòng. Theo tôi, quan trọng là chi ngân sách phải để dành cho đầu tư, cho trả nợ để đất nước phát triển.
Theo quan điểm của tôi, nhiệm vụ chính của Chính phủ là đầu tư và phát triển, kiến tạo để nuôi dưỡng nguồn thu, chứ không phải là việc chăm thu tiền thuế của người dân để nuôi bộ máy. Bộ máy phải đủ gọn, đủ khả năng làm việc hiệu lực, hiệu quả.
Vì cơ cấu chi ngân sách chúng ta giữ được nhiều năm vậy, nên đó cũng là thời kỳ tăng trưởng kinh tế ổn định, kéo dài và để lại được nhiều thành quả cho người kế nhiệm. Đó cũng là kết quả của cân đong, đo đếm, người ta nói “liệu cơm, gắp mắm” là vì vậy.
Nói đến việc sắp xếp tinh gọn bộ máy có thể được xem là cách mạng về tư duy quản lý. Đó phải thực sự là cuộc cách mạng về chọn lựa con người, tăng hiệu quả, hiệu năng và hiệu lực chứ không chỉ là vấn đề sắp xếp, cắt đi mang tính cơ học. Người ta sẽ rất buồn nếu sắp xếp các cơ quan lại phình to cấp Cục, Vụ, Phòng ban, bà quan điểm sao về vấn đề này?
- Theo tôi, vấn đề sắp xếp, tinh gọn cần quán triệt quan điểm không chỉ thu gọn, tinh giảm theo cơ học mà chúng ta phải tinh giảm thực sự.
Từ cơ quan Bộ, Tổng cục, Cục, Vụ, Ban, Phòng và đặc biệt là con người. Vấn đề nghiên cứu thấu đáo, kiên quyết nhưng phải chắc chắn, làm thí điểm, rút kinh nghiệm và thực sự trở thành cuộc cách mạng bộ máy.
Chúng ta cần xem lại Tổng cục, Cục, Vụ, Ban, Phòng nào cần giữ, giữ lại rồi xem làm gì? Trách nhiệm đến đâu? Một đơn vị một việc, giao cho 1 nơi thôi, công việc rõ ràng “đúng vai, thuộc bài” và có thời hạn điểm để chúng ta đánh giá, so sánh.
Chúng ta có nhiều Cục, Vụ, Ban quá mà không cần thiết, không thể chia nhỏ đến như vậy. Thậm chí nhiều người cho rằng, nơi đó để sắp ghế cho người thân thích của lãnh đạo nọ, kia ngồi chứ không phải công việc thực sự. Lần này, chúng ta cũng làm thật thực chất để mới mong có những đột phá phát triển, vươn mình lên được.
Ngoài trung ương, tôi hy vọng chúng ta sẽ sắp xếp, cơ cấu lại địa phương bởi hiện chúng ta có 63 địa phương là quá nhiều, trong khi so sánh với nước lớn như Trung Quốc mà họ cũng chỉ có 28-29 tỉnh thành phố (bao gồm cả các khu tự trị, 2 đặc khu hành chính).
Việc chúng ta có nhiều tỉnh sẽ ra sao, thứ nhất là chúng ta bị phân mảnh trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển. Chúng ta có quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, nhưng hiện tại quy hoạch vùng đang khó triển khai.
Thứ hai là nhiều địa phương vẫn sống dựa vào nguồn ngân sách trung ương ban pháp, cấp trong nhiều năm, không tự chủ được. Nếu họ quá bé, không tự chủ được thì cần sáp nhập vào địa phương khác rồi góp công của để gây dựng, chủ động làm các dự án đồng bộ, hiệu quả với nhau.
Chúng ta phải nhìn thẳng là chênh lệch trình độ các lãnh đạo địa phương là rõ. Có những địa phương có lãnh đạo đủ tầm, làm tốt, nhưng có những địa phương chưa làm được do chưa đủ năng lực.
Có những tỉnh đủ quy mô cho phát triển để chọn những người thực sự giỏi để lãnh đạo. Hiện nay, chia ra như vậy, giao thẩm quyền tự làm, tự chịu trách nhiệm (phân cấp mạnh) nhiều thì có một số nơi cán bộ không đủ năng lực để thực hiện./.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Hai vấn đề cực kỳ quan trọng khi tinh gọn bộ máy
Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy theo tôi cần sớm có đề án có tính chất hệ thống, chiến lược phân tích sự rườm rà của bộ máy hiện nay, để nhân dân đóng góp ý kiến và cổ vũ, ủng hộ.
Tôi đặc biệt lưu ý là cải cách bộ máy hành chính hiện nay cần đặt vào hai vấn đề: Ứng dụng quản lý số hoá và kiểm soát quyền lực ra sao. Hai vấn đề cực kỳ quan trọng.
Ta biết, dữ liệu là một dạng tài nguyên quý nhất trong thế kỷ này, chính vì vậy, quản lý dữ liệu như thế nào để chúng ta quản lý đất nước, nhân dân, doanh nghiệp trên nền tảng số hoá.
Bộ máy tinh gọn đi liền với giám sát quyền lực thế nào để chặn nguy cơ tham nhũng, lạm quyền như một số trường hợp vừa qua.
Tinh giảm bộ máy cần thiết vì không ngân sách nào chịu được 70% thu ngân sách cho chi thường xuyên. Cần quan tâm đến các tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp, cơ quan ngang bộ để sao phát huy được vai trò quần chúng nhưng cũng cần giảm hoạt động, phụ thuộc ngân sách.
Chủ trương đúng, nhân dân ủng hộ, và chúng ta cần đặt chủ trương này vào thời cơ phát triển chính phủ điện tử, kinh tế số, cách mạng 4.0. Phân tích 1 cách toàn diện để tránh trùng lắp.
Về kinh nghiệm các nước, TS Doanh thừa nhận, chúng ta làm thực tiễn và dựa trên thực tiễn bởi mô hình đất nước ta khác với các nước khác. Chúng ta không thể lấy kinh nghiệm nước này để sao y thực hiện được, chúng ta lấy tinh thần, ý chí và nguyện vọng để theo kịp, tiến cùng và kiến tạo cho người dân, đất nước, đáp ứng những mong mỏi cấp thiết của đời sống nhân dân bao năm nay và xu hướng vận động nhanh, nhạy của thế giới.
(Còn nữa)