Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị: Tại sao phải tiến hành sáp nhập? (Bài 1)
Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị - Yêu cầu bức thiết từ thực tiễn (Bài 1)
Nhóm PV
Thứ bảy, ngày 23/11/2024 12:28 PM (GMT+7)
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ không chỉ là giảm chi lương, chi thường xuyên mà còn giảm thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp đỡ phải đi qua nhiều cửa, giảm chi phí rất lớn cho xã hội.
LTS:Trong những phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm luôn nhấn mạnh, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay.
Tổng Bí thư đã phát đi "tín hiệu" của một cuộc cắt giảm, sáp nhập một số tổ chức, cơ quan cả bên Đảng và Chính phủ. Đây được coi là một trong những động thái quan trọng và hết sức quyết liệt để giúp bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tránh tình trạng chồng chéo chức năng và hiện tượng "song trùng" giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước, dễ tạo ra sự lãng phí lớn về nguồn lực; từ đó giúp cho Việt Nam vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Loạt bài của Dân Việt "Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị - Yêu cầu bức thiết từ thực tiễn" sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về yêu cầu bức thiết mà Tổng Bí thư đặt ra cũng như đề ra những giải pháp và cả những dẫn chứng sinh động từ thực tiễn, qua đó có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và ý nghĩa sinh tử của việc "tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị" trong thời điểm quan trọng này, khi Việt Nam đang bước vào "Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình".
Tại sao phải tiến hành sáp nhập, tinh gọn bộ máy? (Bài 1)
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, điều quan trọng nhất khi tinh gọn tổ chức bộ máy chúng ta tìm được người tài để vận hành bộ máy, khi đó hệ quả kéo theo sẽ tích cực.
Trong phát biểu chỉ đạo phiên họp thứ nhất (ngày 19/11/2024) của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu, phải thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý.
Tổng Bí thư cũng lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức, nên cần phải có sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức…
Tổ chức bộ máy nặng nề - Hoạt động không hiệu lực, hiệu quả
Trao đổi PV Dân Việt, TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ phân tích, nói đến bộ máy, hiện có bộ máy các cơ quan của Đảng, bộ máy của các đoàn thể chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…), bộ máy Nhà nước (bộ máy Quốc hội – lập pháp, Toà án và Viện Kiểm sát – Tư pháp, bộ máy Chính phủ - hành pháp).
Theo TS Hòa, cùng một lúc hệ thống chính trị của chúng ta có 3 bộ máy lớn từ Trung ương xuống cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí xuống cấp xã. Chúng ta hình dung nó rất nặng nề, cồng kềnh. Mỗi bộ máy ấy lại triển khai theo cách làm cho sự phối hợp hoạt động chưa tốt lắm...
"Bộ máy nặng nề thì hoạt động đương nhiên không hiệu lực, hiệu quả. Bộ máy sinh ra tầng nấc thì người phải nhiều, cán bộ công chức, viên chức phải bố trí vào cả 3 hệ thống bộ máy đó. Nếu chúng ta tinh gọn lại thì giảm được lượng người, rồi giảm chi phí rất lớn" - nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ nhìn nhận.
Về chi phí cho hoạt động cho bộ máy chiếm khoảng gần 70% ngân sách nhà nước, TS Đinh Duy Hòa ví von: Chúng ta hình dung như trong một gia đình, nguồn tiền về có hạn, muốn đầu tư phát triển kinh tế thì phải có tiền, nhưng đông con quá, chi hết vào ăn uống, chi học hành… thì không còn tiền để mà đầu tư phát triển kinh tế.
"Chúng ta thấy rõ ràng bộ máy cồng kềnh gây ra hậu quả kiểu như vậy. Lần này chúng ta thấy sự quyết liệt để giải quyết vấn đề này thể hiện rõ trong những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm. Tổng Bí thư đã nói rất rõ là phải làm một cuộc cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy, phải đổi mới thật sự, làm mới hệ thống chính trị của chúng ta, làm sao cuối cùng bộ máy gọn lại, ít tầng nấc, điều quan trọng là hoạt động hiệu lực, hiệu quả", TS Hòa chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ như thông điệp của Tổng Bí thư, trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Đăng Minh – Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho rằng, khi chúng ta làm một cách tổng thể, không phải chỉ xem xét một cơ quan, đơn vị, một bộ, ngành, địa phương mà xem xét tổng thể trong hệ thống chính trị. Từ đó có giải pháp căn cơ về công tác tổ chức bộ máy và nhân sự.
"Trên tinh thần vì mục tiêu công việc, vì lợi ích của nhân dân, chúng ta thiết kế bộ máy cho phù hợp, đúng như tinh thần Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, đó là xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nhưng bộ máy đó phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, khoa học", ông Minh khẳng định.
Ông cũng cho rằng, cụm từ "thiết kế bộ máy khoa học" là nhấn mạnh vấn đề đấy là rất quan trọng, vì đây là một ngành khoa học về tổ chức, mà tổ chức là chúng ta phải tính toán chức năng, nhiệm vụ, số lượng bao nhiêu là phù hợp.
"Có một quan điểm nữa, việc tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ là giảm chi lương, chi thường xuyên mà còn giảm thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp đỡ phải đi qua nhiều cửa…", ông Vũ Đăng Minh nói.
Điều gì quan trọng nhất khi tinh gọn tổ chức, bộ máy ?
Vẫn theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, trong bốn yếu tố cấu thành nền hành chính, đó là thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức và tài chính công thì yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng và quyết định.
"Nếu đội ngũ cán bộ, công chức có đầy đủ phẩm chất, trình độ và năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngang tầm nhiệm vụ thì họ sẽ tư duy hoạch định chính sách đúng và trúng. Bởi vì mục tiêu là phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn thì người ta không phải đẻ ra thủ tục hành chính, thậm chí không nhất thiết phải có những thủ tục, không nhất thiết việc gì cũng động đến thủ tục.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết thêm, điều quan trọng nhất khi tinh gọn tổ chức bộ máy thì chúng ta tìm được người tài để vận hành bộ máy, khi đó hệ quả kéo theo sẽ tích cực. Có nghĩa là người được lựa chọn đó có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, và họ sẽ nghĩ ra những việc đơn giản đi, tiết kiệm thời gian, vật chất cho người dân và doanh nghiệp, chi phí của xã hội được giảm đi và hiệu quả tăng lên", ông Vũ Đăng Minh nói.
Đề cập tới vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một chủ trương đúng cần được triển khai quyết liệt trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều văn bản, nhiều Nghị quyết liên quan đến tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng của bộ máy.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàng Ngân, đây là vấn đề đòi hỏi phải tính toán một cách hết sức thận trọng và phải phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương, từng thời điểm về kinh tế, chính trị, xã hội. Vấn đề quan trọng nhất là con người phải được sử dụng một cách hiệu quả. Chúng ta cũng lưu ý đến quy mô kinh tế, quy mô dân số của đất nước. Trong thời gian vừa qua, khi bộ máy và đội ngũ là cán bộ giữ như cũ nhưng quy mô kinh tế lớn hơn, dân số tăng hơn thì điều đó cũng có nghĩa là chúng ta cũng đã tinh giản.
"Có thể nói, việc tinh gọn bộ máy như chủ trương hiện nay cần có một quyết tâm chính trị rất cao. Trước hết cần phải đánh giá, rà soát, mô tả lại công việc, chức năng, nhiệm vụ của từng các bộ phận, từng các phòng ban, từng các tổ chức bộ máy, từng cán bộ… Từ đó, chúng ta lên một phương án tổng thể", ĐB Ngân bày tỏ.
"Ngay trong đánh giá chúng ta cũng phải quyết liệt hơn nữa để thật sự lựa chọn được bộ máy "tinh". "Tinh" ở đây là gọn bộ máy, đồng thời "tinh" cả trí tuệ trong bộ máy thì mới thật sự đem lại hiệu quả. Còn nếu theo xu thế mà chúng ta thực hiện khoảng một nhiệm kỳ qua thấy chủ yếu là tinh giản theo cơ học, chưa hướng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư", Đại biểu Minh nhấn mạnh.
Theo ĐBQH Hồ Thị Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay. Theo đó, tất cả các đơn vị, bộ, ngành và các khâu trung gian trong công tác tham mưu phải sắp xếp, tinh gọn lại và hướng về cơ sở, để bộ máy cấp trên và cơ sở phải có sự thống nhất trong công tác điều hành.
ĐB Hồ Thị Minh phân tích: Tinh gọn ở cơ sở cũng phải tùy vào tình hình ngành, lĩnh vực chứ không thể chia tỷ lệ, cào bằng. Ví dụ, đối với ngành giáo dục, chúng ta không thể cứ tinh giản hàng năm 10% như thế mà tùy thuộc vào tỷ lệ học sinh. Quan điểm của Đảng ta là nơi nào có học trò, nơi đó phải có giáo dục, phải có giáo viên.
Còn đối với bộ phận trung gian tham mưu nếu không cần thiết thì chúng ta phải tinh gọn lại. Làm thế nào trong thời gian tới việc xếp ngạch, bậc lương theo chế độ lương mới, theo vị trí việc làm phải thực sự đem lại hiệu quả và đảm bảo được đời sống cho đội ngũ cán bộ.
"Lâu nay chúng ta tinh giảm kiểu cơ học, theo kiểu là nghỉ hưu và không tuyển dụng nữa nhưng chưa có chính sách để đánh giá thực tế cán bộ. Bởi vậy, hằng năm cán bộ vẫn cứ hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn tỷ lệ không hoàn thành thì rất ít. Chính vì thế nên bộ máy vẫn đang rất cồng kềnh.
Ngay trong đánh giá chúng ta cũng phải quyết liệt hơn nữa để thật sự lựa chọn được bộ máy "tinh". "Tinh" ở đây là gọn bộ máy, đồng thời "tinh" cả trí tuệ trong bộ máy thì mới thật sự đem lại hiệu quả. Còn nếu theo xu thế mà chúng ta thực hiện khoảng một nhiệm kỳ qua thấy chủ yếu là tinh giản theo cơ học, chưa hướng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư", Đại biểu Minh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.