Dân Việt

Nuôi ốc đặc sản dày đặc, bắt lên làm món ngon, bán hút hàng, 2 chàng Đắk Lắk nhận lương cao

Phương Ngọc 24/11/2024 12:45 GMT+7
Nuôi ốc nhồi (ốc bươu đen) đem về doanh thu lớn, anh Hội, anh Lâm, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) còn sáng tạo, chế biến nhiều loại chả ốc đặc sản và mang về doanh thu từ 50-70 triệu đồng mỗi tháng.

Doanh thu "khủng" nhờ con vật hiền như đất

Từ những con ốc nhồi giản dị, thời gian gần đây, hai thanh niên tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đã chế biến thành sản phẩm đặc sản của địa phương và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Hành trình này được khởi xướng bởi anh Huỳnh Ngọc Hội (SN 1989) và anh Nguyễn Văn Lâm (SN 1987, cùng trú tại xã Ea Bar).

Biến ốc nhồi thành đặc sản, hai thanh niên thu hơn nửa trăm triệu đồng mỗi tháng - Ảnh 1.

Mô hình nuôi ốc nhồi (ốc bươu đen) đã giúp anh Hội, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) mang về doanh thu "khủng" mỗi năm.

Trước đó, năm 2017, nhận thấy ốc nhồi có giá trị kinh tế cao trong khi nguồn ốc nhồi đồng ngày càng khan hiếm, anh Hội quyết định xuống miền Tây học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, anh cũng không ngừng nghiên cứu các phương pháp nuôi, chăm sóc ốc và cách xử lý ao hồ.

Để biến ý tưởng thành hiện thực, anh đã mua gần 20kg trứng ốc nhồi về tự ấp và nở được khoảng 200.000 con ốc con. Anh thả số ốc này xuống hồ có diện tích 1.000 m² để nuôi.

Do thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý nguồn nước và cung cấp thức ăn nên thời gian đầu nhiều con ốc phát triển chậm, còi cọc, thậm chí chết hàng loạt. 

Không nản lòng, anh nỗ lực tìm cách khắc phục khó khăn. Sau khi đã tích lũy cho mình một số vốn kiến thức, anh mới nhận ra nguyên nhân dẫn đến việc ốc chậm phát triển, còi cọc là do nguồn nước không đảm bảo, không ổn định độ PH. Đặc biệt, ốc nhồi rất nhạy cảm mỗi khi thời tiết thay đổi.

Khi đã tìm ra nguyên nhân, anh Hội chú trọng đảm bảo lượng nước và sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý đáy hồ định kỳ, tạo môi trường sống sạch cho ốc. Mỗi khi thời tiết thay đổi, anh dùng bèo phủ kín mặt hồ để tăng lượng thức ăn xanh và bổ sung vitamin C cho ốc.

Biến ốc nhồi thành đặc sản, hai thanh niên thu hơn nửa trăm triệu đồng mỗi tháng - Ảnh 2.

Thức ăn của ốc nhồi (ốc bươu đen) rất phong phú như: đu đủ, lá mì, mướp, các loại rau thân mềm...

Những nỗ lực không mệt mỏi đã giúp anh Hội hái được "quả ngọt". Từ năm 2018 đến nay, anh xuất bán từ 10-15 tấn ốc thành phẩm mỗi năm, với giá từ 55-70.000 đồng/kg, mang về doanh thu khoảng 600 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn thu hoạch từ 1-3 tạ trứng ốc mỗi năm, bán với giá từ 800.000 đến 1 triệu đồng/kg, mang lại thêm 600-700 triệu đồng/năm.

Theo anh Hội, để việc ấp trứng ốc đạt kết quả cao thì cần phải chọn trứng to, khỏe đẹp. Sau khi trứng nở, cứ 3 ngày thì phải bổ sung khoáng, vitamin C, canxi một lần nhằm tăng sức đề kháng cho ốc con. "Nếu không chăm sóc kỹ thời gian ấp và sau khi trứng nở thì sau này khi thả xuống hồ, ốc sẽ chậm phát triển, còi cọc, bị chai vỏ và dễ bị bệnh" – anh Hội cho hay.

Biến ốc nhồi thành đặc sản, hai thanh niên thu hơn nửa trăm triệu đồng mỗi tháng - Ảnh 3.

Sau khoảng 4 tháng nuôi, ốc nhồi cho thu hoạch.

Để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, thời gian gần đây, anh Hội đã liên kết với nhiều hộ dân, chủ yếu là thanh niên ở các huyện Buôn Đôn và Cư Mgar để nuôi ốc trên diện tích gần 2 ha. 

Những người tham gia không chỉ được hướng dẫn kỹ thuật mà còn được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, giúp tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên.

Anh Hội cho rằng, việc nuôi ốc không phải đầu tư nhiều (khoảng 40-50 triệu đồng/năm cho diện tích 1.000 m2 nuôi ốc) nên bất kỳ người dân nào cũng dễ dàng thực hiện được. Hơn nữa, thức ăn của ốc nhồi rất phong phú như bầu, bí, mướp, lá bầu, lá mì, lá đu đủ, rau rủ quả thân mềm...

Tuy nhiên, để việc nuôi ốc đạt hiệu quả thì buộc phải có kỹ thuật chăm sóc, sử dụng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn.

Chế biến sản phẩm đặc sản từ ốc nhồi

Không dừng lại ở việc nuôi ốc, những năm gần đây, anh Huỳnh Ngọc Hội đã cùng với một người dân tại địa phương có cùng đam mê là anh Nguyễn Văn Lâm (trú tại thôn 7, xã Ea Bar) chế biến và phát triển các sản phẩm chả ốc nhồi. 

Anh Hội nhớ lại: "Vào năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, ốc nhồi không thể xuất bán. Trước tình hình này, năm 2021, tôi và anh Lâm đã hợp tác để chế biến sản phẩm chả ốc nhồi".

Biến ốc nhồi thành đặc sản, hai thanh niên thu hơn nửa trăm triệu đồng mỗi tháng - Ảnh 4.

Món chả ốc nhồi ốc tre do anh Hội và anh Lâm, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) làm ra.

Anh Lâm chia sẻ thêm: "Khó khăn lớn nhất của việc làm ốc là khi làm con ốc ra, chúng tôi chỉ lấy cái đầu, bỏ hết các bộ phận như bao tử, răng, ruột ốc vì các bộ phận dễ gây nhiễm khuẩn đường ruột cho người sử dụng. Do đó, trước khi chế biến, chúng tôi dùng muối hột chà đầu ốc, sau đó vắt chanh chà lại. Tiếp đó, xả nước cho thật sạch, để ráo rồi bỏ vào tủ đông. 

Để hiểu rõ hơn về nhu cầu thị trường, ban đầu, chúng tôi đã đưa sản phẩm chả ốc đến cho người thân, bạn bè dùng thử. 

Phản hồi tích cực từ mọi người về món chả ốc đã tiếp thêm động lực để chúng tôi theo đuổi giấc mơ xây dựng sản phẩm đặc sản cho địa phương".

Biến ốc nhồi thành đặc sản, hai thanh niên thu hơn nửa trăm triệu đồng mỗi tháng - Ảnh 5.

Món cả ốc nhồi cuốn ram.

Không ngừng nghiên cứu và sáng tạo, hai anh đã phát triển 4 loại sản phẩm hấp dẫn từ ốc nhồi: Ốc nhồi ống tre, ốc nhồi cuốn ram, ốc nhồi cuốn lá lốt và ốc nhồi ôm sả. 

Năm 2022, chả ốc nhồi đã tham gia cuộc thi khởi nghiệp do huyện Buôn Đôn tổ chức và xuất sắc giành giải Nhì. Đến năm 2023, sản phẩm này được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, trở thành đặc sản của địa phương và ngày càng được nhiều người biết đến.

Trong năm 2023, anh Lâm và anh Hội đã bán ra thị trường khoảng 400 kg chả ốc nhồi mỗi tháng, đạt doanh thu từ 50-70 triệu đồng. 

Khách hàng của họ không chỉ ở Đắk Lắk mà còn trải rộng ra các tỉnh như Kon Tum, Đắk Nông, TP HCM, Phú Yên, Bình Định và Gia Lai.

Biến ốc nhồi thành đặc sản, hai thanh niên thu hơn nửa trăm triệu đồng mỗi tháng - Ảnh 6.

Anh Lâm, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) mang các sản phẩm chả ốc đặc sản tham gia hội chợ công thương tại Đắk Lắk để giới thiệu đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, do chả ốc vẫn còn xa lạ với nhiều người, sản lượng bán ra đã giảm đáng kể trong năm 2024. Để giải quyết vấn đề này, anh Hội cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm chả ốc nhồi, với hy vọng mở rộng thị trường và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương".

Đáng quý hơn, hàng năm, Lâm và Hội đều trích ra một phần kinh phí từ việc kinh doanh chả ốc, phối hợp với các nhà hảo tâm khác để làm từ thiện tại địa phương. Theo đó, cứ tới dịp Tết Trung thu, các anh lại phát những phần quà ý nghĩa cho các cháu thiếu nhi, người dân nghèo trên địa bàn xã Ea Bar.