Cả làng ở Hải Phòng ra đồng vớt con rươi nổi dày đặc, giá rươi tươi có thấp mà ai nấy đều vui lắm
Ra đồng vớt con đặc sản nổi dày đặc, "báu vật trời cho", dân Hải Phòng làm chơi ăn thật
Thu Thủy
Thứ năm, ngày 07/11/2024 12:59 PM (GMT+7)
Không cần phải nuôi nấng cho ăn hàng ngày như những con vật nuôi khác. Cứ đến chu kỳ cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch hàng năm, rươi lại xuất hiện. Thứ "báu vật trời cho" đã mang đến cho nhiều hộ dân vùng cửa sông của Hải Phòng có thu nhập lớn, nhất là khi thời tiết và thủy triều thuận lợi.
Clip: Các công đoạn mà nông dân huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng thu vớt con rươi, con đặc sản ví như "báu vật trời ban". Thực hiện: Thu Thuỷ
Dọn sạch ruộng đón con rươi - làm chơi ăn thật
Ngay từ đầu tháng chín, bà con nông dân làm rươi tại vùng ven các sông của Hải Phòng đã bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị sẵn sàng, chờ từng con nước thủy triều về để đi vớt "lộc trời ban".
Gia đình ông Nguyễn Văn Viết, thôn Kim Ngân (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) có truyền thống canh tác rươi cho biết, gia đình ông có 7 sào đầm ven sông đã cải tạo, trước vừa cấy vừa để lấy rươi.
Nhưng nhiều năm trở lại đây, gia đình không cấy mà chỉ dọn cỏ, cày xới cho đất tơi xốp để cuối năm thu rươi bán.
Năm nay, cả vùng trong xã đều được thu hoạch rươi từ tháng 9, rươi không bị mất mùa nhưng con rươi nhỏ, không được to như mọi năm.
Gia đình ông Viết dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 60 -70kg/sào, bán ngay tại đầm với giá giao động từ 270 – 300 nghìn/kg.
Với mức giá trên, các hộ làm rươi bán vẫn có thu nhập từ vài chục triệu đến vài trăm triệu tùy theo diện tích canh tác của gia đình.
Con rươi đã được người dân xã xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng làm sạch sẽ, cân lên đóng khay vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: Thu Thuỷ
Ông Nguyễn Văn Viết, thôn Kim Ngân (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đang thu hoạch rươi trong đầm. Ảnh: Thu Thuỷ.
"Để rươi sinh sôi nảy nở nhiều lên, gia đình tôi đầu tư mua trấu phân gà đem về ủ mục rồi rắc xuống đầm, sau đó cày xới cho đất được tơi xốp để rươi có chỗ trú ngụ làm tổ.
Thi thoảng dọn cỏ, rắc thêm cám ngô cho đất có nhiều dinh dưỡng nuôi rươi. Cứ thế đến cuối năm, chờ con nước tháng 9, tháng 10… lên cao, gia đình sẽ tiến hành tháo nước trong đầm ra.
Khi đó rươi nổi lên bơi theo nước chảy vào săm lưới. Gia đình tôi chỉ việc đổ rươi từ săm lưới ra chậu, nhặt sạch rác cỏ rồi đem cân cho thương lái"- ông Viết phấn khởi nói.
Bà Phạm Thị Min, người cùng thôn với ông Nguyễn Văn Viết chia sẻ với phóng viên Dân Việt về niềm vui của những hộ làm rươi ở đây.
Bà Min cho rằng, trước kia đồng ruộng quê bà còn nhấp nhô, không quy hoạch. Mỗi lần đến nước rươi, người làm ruộng hò nhau đi vớt thủ công bằng cái vợt nhỏ như bàn tay, nhà nào vớt được thì ăn, nhà nào không đi vớt thì nhịn. Lúc đó, rươi cũng chẳng có nhiều như bây giờ, năm thì có năm thì không, rất thất thường.
Tiểu thương các nơi đến tận ruộng để thu mua rươi của bà con nông dân xã xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Ảnh: Thu Thuỷ.
Những năm trở lại đây, các vùng đầm ven sông đã được quy hoạch, xây dựng quản lý cải tạo, áp dụng kỹ thuật và phát triển thành nghề nên sản lượng rươi khá ổn định. Nhiều gia đình đã giàu lên nhờ con rươi.
"Để có môi trường cho rươi phát triển, nhà nào làm đầm rươi cũng phải giữ môi trường đất trong đầm sạch, nơi nào cấy lúa thì chỉ được cấy 1 vụ.
Trong quá trình canh tác cứ để cho lúa phát triển tự nhiên, tuyệt đối không dùng bất cứ một loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nào. Còn không cấy thì cứ để nguyên ruộng, vẫn bón phân hữa cơ, trấu, cám để cho đất được màu mỡ tơi xốp.
Quy hoạch để đắp đập, be bờ, đào hệ thống mương dẫn nước từ sông vào đầm, xây cống điều tiết nước ra vào theo chế độ thủy triều. Gia đình nào đầu tư cải tạo tốt, đất càng sạch, càng xốp thì rươi càng nhiều, càng to, càng ngon" – bà Min nói.
Mùa rươi, mùa con đặc sản-Lộc trời cho
Theo quy luật, rươi chỉ xuất hiện nhiều vào con nước từ đầu tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, mỗi con nước có 2-3 ngày rươi nổi.
Nước lên đến đâu, rươi nổi lên đến đấy, nước rút ra sông thì rươi cũng theo ra sông nhưng bị bắt lại khi đi qua cái săm lưới. Khi vào chính con nước, rươi vừa nhiều vừa to con hơn.
Bên trong con rươi có bột sánh, nhìn giống như sữa đặc, nếu không biết cách bảo quản rươi sẽ bị dập vỡ.
Vì vậy, khi vớt lên khỏi mặt nước, người dân sẽ rửa sạch rươi ngay tại ruộng. Thương lái cứ thế cho con rươi vào khay xốp, tưới thêm chút nước đá để quá trình vận chuyển rươi đi bán sẽ không bị dập vỡ.
Ngoài việc bán rươi cho các tiểu thương ngoài chợ và người dân, các chủ đầm còn bán rươi cho thương lái Trung Quốc.
Khay xốp dùng để bảo quản rươi trong quá trình vận chuyển rươi đi các nơi tiêu thụ. Giá rươi tươi : Ảnh: Thu Thuỷ.
Anh Nguyễn Văn Tuyên, xã Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) – một trong những hộ làm rươi nhiều năm chia sẻ, gia đình anh từ ngày đầu tư cải tạo đầm rươi cũng có thêm nguồn thu nhập.
Năm nay, giá rươi không ổn định, tăng giảm theo ngày, thậm chí còn theo giờ. Đầu tháng 10 âm lịch, có 3 ngày rươi nổi thì mất 1 ngày đầu và ngày cuối rươi ít, chỉ được ngày giữa thì giá lại bấp bênh.
Ngày hôm trước gia đình tôi đang bán đều đều ở mức giá rươi 300.000 -320.000 đồng/kg nhưng sang hôm sau đã bị ép xuống 260.000 -270.000/kg.
Rươi năm 2024 ở bé, xã Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) không to như mọi năm, giá rươi cũng thấp hơn các năm. Ảnh: Thu Thuỷ
"Vẫn trong cái vòng quay quy luật "được giá thì mất mùa, được mùa thì rớt giá". Tuy nhiên con rươi vẫn là thứ mang lại nguồn thu nhập đáng kể của nhiều hộ dân vùng ven sông chúng tôi" – anh Tuyên khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.