LTS: Trong những phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm luôn nhấn mạnh, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay.
Tổng Bí thư đã phát đi "tín hiệu" của một cuộc cắt giảm, sáp nhập một số tổ chức, cơ quan cả bên Đảng và Chính phủ. Đây được coi là một trong những động thái quan trọng và hết sức quyết liệt để giúp bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tránh tình trạng chồng chéo chức năng và hiện tượng "song trùng" giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước, dễ tạo ra sự lãng phí lớn về nguồn lực; từ đó giúp cho Việt Nam vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Loạt bài của Dân Việt "Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị - Yêu cầu bức thiết từ thực tiễn" sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về yêu cầu bức thiết mà Tổng Bí thư đặt ra cũng như đề ra những giải pháp và cả những dẫn chứng sinh động từ thực tiễn, qua đó có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và ý nghĩa sinh tử của việc "tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị" trong thời điểm quan trọng này, khi Việt Nam đang bước vào "Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình".
Tiếp theo Bài 2 Bộ máy cồng kềnh khiến cải cách gặp khó khăn, thách thức trong loạt bài "Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị - Yêu cầu bức thiết từ thực tiễn" với cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Dân Việt tiếp tục gặp gỡ, phỏng vấn TS Lê Thương Huyền – Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ để nghe các vị khách mời phân tích sâu hơn về những lộ trình cần có của công cuộc đổi mới, cải cách, tinh gọn bộ máy.
Cách đây 7 năm, Trung ương đã có Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đặt ra những yêu cầu đổi mới cho cả hệ thống chính trị.
Đến nay vấn đề này được nhấn mạnh để triển khai với một tinh thần quyết liệt và khẩn trương. Điều đó thể hiện qua việc ở khối các cơ quan của Đảng ở Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đều thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18. Trong đó bên khối các cơ quan của Đảng ở Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng Ban Chỉ đạo; ở khối Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng Ban Chỉ đạo; ở khối các cơ quan Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là Trưởng Ban Chỉ đạo.
Trao đổi với Dân Việt, TS Lê Thương Huyền – Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Có thể thấy rằng, thời gian qua công cuộc cải cách tinh gọn bộ máy đã có những biến chuyển tích cực nhưng sức ỳ, quán tính "cồng kềnh" của bộ máy nhà nước ta còn rất lớn.
"Số lượng biên chế đồ sộ từ trung ương tới địa phương; sự giao thoa chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ; chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; hiệu quả cải cách hành chính; phân cấp phân quyền; trách nhiệm của người đứng đầu; chi thường xuyên cho bộ máy quá lớn. Đây là những vấn đề mà cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy cần giải quyết", TS Huyền nói.
Vẫn theo TS Huyền, trong xây dựng và hoàn thiện quản trị nhà nước hiện nay đang đặt ra các vấn đề lớn. Chúng ta đã qua chặng đường dài xây dựng và hoàn thiện quản trị nhà nước. Nhưng phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm để hướng tới mục tiêu quản trị tốt.
Khi trở thành chủ thể kiến tạo, Nhà nước phải làm tốt vai trò điều tiết ngân sách nhà nước để phát triển tối đa nguồn lực trong xã hội để bảo đảm phát triển đất nước. Bộ máy nhà nước quá lớn là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chương trình tái cơ cấu kinh tế. Chi thường xuyên dành cho bộ máy là quá lớn, muốn giảm tỉ lệ này phải tập trung vào đổi mới chức năng quản trị của nhà nước.
Sự tiếp cận các yếu tố quản trị tốt thể hiện trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Hiện tại, bộ máy nhà nước của chúng ta hoạt động chưa hiệu quả để thúc đẩy đổi mới thể chế trên các lĩnh vực. Hậu quả là bộ máy nhà nước cũng bị chi phối bởi các giới hạn không chính thức của thể chế, hạn chế khả năng làm giảm chi phí giao dịch và phát huy quyền làm chủ của người dân và doanh nghiệp.
"Hơn nữa, thể chế yếu kém còn làm cho bộ máy nhà nước thêm cồng kềnh, nạn quan liêu, tham nhũng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, đổi mới thể chế cần phải tiến hành đồng thời với đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó bao gồm các vấn đề như cải cách hành chính, thực hiện chính phủ điện tử, cải cách hệ thống công chức, công vụ; tinh giản biên chế…", TS Huyền phân tích.
Việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy đã được đặt ra từ lâu, thế nhưng đến nay việc tinh giản vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn, vấn đề vướng mắc ở đâu?
Theo TS Lê Thương Huyền, tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy là một trong những yếu tố cốt lõi để thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy.
Chủ trương cải cách hành chính nhà nước đã được Đảng đề ra ngay từ Đại hội VI (năm 1986). Cho đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã xây dựng đề án về sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế, nhưng không có phương án tổng thể cũng như cụ thể cho từng giai đoạn. Đối tượng tinh giản chủ yếu tập trung ở những người chuyển công tác, nghỉ hưu trước tuổi, thậm chí giảm cả những người "tinh". Việc tinh giản còn phải đối mặt với tâm lý e dè, ngại va chạm, và không dễ dàng "tự nguyện" tinh giản trong hệ thống các cơ quan nhà nước.
Điểm khó nữa ở đây, là tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thiếu định lượng. Có một điểm mà khi tinh giản, nhiều bộ ngành địa phương chỉ nhận thức đơn thuần là để giảm thiểu gánh nặng cho "bầu sữa" ngân sách nhà nước, chưa thực sự gắn với mục tiêu cải cách chế độ công vụ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ.
Theo TS Huyền, tinh giản ở đâu đó có thể là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của hành vi tham nhũng. Tiến trình này đỏi hỏi bản lĩnh chính trị của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan phải rất vững vàng, không bị sa vào vụ lợi cá nhân, tùy tiện trong quyết định.
"Tinh giản khó ở chỗ là hoạt động gắn với nguồn nhân lực. Giải quyết được vấn đề 3 "tinh" sẽ tạo tiền đề để bộ máy nhà nước tinh gọn nhưng vẫn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đó là vừa phải tinh giản đồng thời phải phát triển đội ngũ tinh hoa, đòi hỏi sự tinh tế trong công tác cán bộ để tránh tạo ra sự bất công, nản chí của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", TS Huyền nói.
Cũng phân tích về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho biết: Đại hội VI đã đặt ra phải thực hiện một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, nhưng thực tế thời gian dài vừa qua chúng ta làm chưa đạt như yêu cầu.
"Mặc dù chúng ta cũng giảm chỗ này, giảm chỗ kia, đã có thời kỳ trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ có số lượng Bộ, cơ quan ngang Bộ khoảng 36 đến 40 đơn vị. Sau đại hội VI chúng ta sắp xếp dần, đến năm 2007 chúng ta giảm còn 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ. Nhưng từ năm 2007 đến nay chúng ta vẫn giữ nguyên con số ấy, vẫn 22 Bộ cơ quan ngang Bộ trong khi cơ hội, điều kiện để giảm con số 22 này là có nhưng chưa làm được. Đến nay, với quyết tâm cao, việc tổ chức sắp xếp làm sao để bộ máy tinh gọn hơn" – TS Đinh Duy Hòa bày tỏ.
Nói về vấn đề khó khăn, phức tạp khi sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, TS. Đinh Duy Hòa nhìn nhận sẽ động chạm đến quyền lợi của chính những người ở bộ phận bị sắp xếp, thông thường cán bộ không hưởng ứng nhưng nếu không làm quyết liệt thì sẽ không đạt được kết quả.
Theo ông Hoà, nhiều lĩnh vực có thể gom lại thành một đầu mối. Đảng ta nhiều năm nay kiên trì chỉ đạo, tiếp tục thực hiện nguyên tắc tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, một Bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Chúng ta phải tìm cách để đưa nhiều ngành, nhiều lĩnh vực vào trong một bộ để quản lý, nếu làm được như vậy thì đầu mối các bộ sẽ giảm đi.
"Phải sắp xếp lại để đảm bảo chuẩn trở lại chức năng của các Bộ. Các Bộ hiện nay vẫn còn ôm đồm nhiều việc mà không nhất thiết phải ôm đồm.
Cơ chế kinh tế thị trường buộc các Bộ phải có thay đổi, không thể làm những việc giống như trước kia trong thời kỳ bao cấp là làm nhiều thứ, cái gì cũng nhà nước làm.
Khi nhà nước làm thì lại "đẻ" ra các tổ chức của nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường có rất nhiều việc trước nhà nước làm nhưng giờ có thể để cho xã hội tự lo được, cái này chúng ta đã làm nhưng chưa đến đầu đến đuôi" – TS Đinh Duy Hòa phân tích.
Ông đưa ra ví dụ, có một thời gian dài việc dạy lái xe ô tô phải tổ chức nhà nước làm, tư nhân không được làm. Trong khi việc này thì không nhất thiết nhà nước phải làm.
"Nhà nước ban hành chính sách, quy định để khối tư nhân làm và nhà nước kiểm tra họ làm chứ không phải đứng ra thành lập tổ chức dạy lái xe, bởi nếu thành lập tổ chức này thì nhà nước phải đưa người vào, có biên chế, lại phải có ngân sách. Hay việc kiểm định ô tô một thời kỳ cũng chỉ nhà nước làm, nhưng hiện tại đang chia sẻ, cả nhà nước và tư nhân cùng làm. Qua ví dụ trên để thấy, khi sắp xếp tinh gọn bộ máy chúng ta xác định rõ các cơ quan hành chính trong đó có các Bộ, ngành vào thời điểm hiện tại làm việc gì là chuẩn" – TS Đinh Duy Hòa nêu quan điểm.
(Còn nữa)