Phát triển hạ tầng nông thôn gắn với phát triển sản xuất
Ông Huỳnh Thanh Minh, Trưởng phòng Kinh tế TP.Phú Quốc – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cho biết: Thuận lợi của Phú Quốc trong xây dựng nông thôn mới là được sự quan tâm của Thành uỷ, UBND, các ban, ngành đoàn thể thành phố và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố; sự đồng lòng của Đảng bộ, UBND các xã; các ban, ngành đoàn thể xã và đặc biệt là sự đồng thuận của đa số người dân...
Theo Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Phú Quốc, một thuận lợi lớn nữa là trên địa bàn thành phố Phú Quốc, ở các xã đều có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư các dự án trên địa bàn nên việc vận động xã hội hóa các công trình hạ tầng giao thông nông thôn khá thuận lợi, cộng với địa phương có những làng nghề đặc thù, như: nước mắm, nuôi trồng thủy hải sản, hồ tiêu và nhiều dự án lồng ghép, hỗ trợ nên những năm gần đây việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhiều thuận lợi, đời sống vật chất, tinh thần người dân từ đó cũng phát triển đáng kể...
Theo ông Huỳnh Thanh Minh, cho biết, chỉ riêng trong năm 2019 (khi còn là huyện Phú Quốc) Phú Quốc đã xây dựng 28 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 9.912m, tổng kinh phí trên 15 tỉ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách huyện là 10,8 tỉ đồng, còn lại trên 4,5 tỉ đồng từ nguồn vận động đóng góp.
Giai đoạn 2020 - 2024 thành phố xây dựng 66 tuyến đường, với tổng chiều dài 54.400m, trong đó nhiều nhất là xã Cửa Dương, có 19.740m, xã Dương Tơ 1.008m, xã Cửa Cạn 8.117m… Tổng kinh phí đầu tư các tuyến đường là 127,873 tỷ đồng; trong đó nhân dân và doanh nghiệp đóng góp 13,201 tỷ đồng.
Đến nay hệ thống giao thông nông thôn của đảo ngọc Phú Quốc đã hoàn chỉnh, kết nối với các tuyến đường vòng quanh đảo, đường thành phố, đường xã và đường trục chính Nam - Bắc đảo, tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ trên đảo ngọc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và khách du lịch dễ dàng.
Ngoài ra, thành phố còn phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh, xây dựng mới, sửa chữa và nâng cấp nhiều hạng mục trong nhiều lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa… với tổng kinh phí hàng trăm tỉ đồng.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, Phú Quốc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình vật nuôi, hướng đến những mô hình nông nghiệp bền vững, gắn với phát triển du lịch, như: mô hình nuôi cá chình suối mô hình nuôi cá bè vẫu; mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương; mô hình vườn cây ăn trái kết hợp tham quan du lịch, mô hình trồng dừa xiêm trên đảo…
Thành phố đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương, tăng thu nhập cho người dân. Tính đến nay toàn thành phố có 58 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 25 sản phẩm OCOP 4 sao và 27 sản phẩm OCOP 3 sao, với các sản phẩm đặc trưng, như: nước mắm, tiêu, sim, ngọc trai, cá trích, cá cơm… Theo kế hoạch, đầu tháng 12/2024 Phú Quốc sẽ họp thẩm định đánh giá, phân hạng thêm 25 sản phẩm OCOP.
Phấn đấu hoàn thành NTM trong năm 2025
Tính đến nay, Phú Quốc đã có 6/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm xã Cửa Dương, Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Cạn, Bãi thơm, Gành Dầu), hiện còn 1 xã là xã Thổ Châu chưa đạt chuẩn nông thôn mới. 7/7 xã của Phú Quốc về giao thông nông thôn, thủy lợi đạt 100%; 7/7 trường học đạt chuẩn cơ sở vật chất theo quy định; 7/7 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 7/7 xã đạt tiêu chí về hệ thống thông tin truyền thông; quốc phòng , an ninh và trật tự xã hội được giữ giữ, tạo niềm tin cho nhân dân và yên tâm cho du khách...
Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", các cấp ủy, chính quyền, mặt trận đoàn thể luôn quan tâm, vận động, kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ những người già, hộ neo đơn, hộ nghèo,, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. đến nay 7/7 xã đã đạt tiêu chí số 11 (về giảm nghèo), đạt 100%.
Theo ông Đỗ Văn Dừng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, tính đến nay xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, đang chờ các ngành hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ xét công nhận xã nông thôn mới vào cuối năm 2024 này.
Theo ông Huỳnh Thanh Minh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Phú Quốc, cho biết: "Mục tiêu của TP.Phú Quốc là xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Cuối năm 2024 có 7/7 xã (đạt 100%) đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2025 thành phố hoàn thành nông thôn mới".
Để thực hiện được mục tiêu trên, trong năm 2024 Phú Quốc tập trung giữ vững và nâng chất 6 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, từ nay đến cuối năm xét công nhận xã Thổ Châu đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu năm 2025 xét công nhận xã Gành Dầu đạt chuẩn NTM nâng cao.