Dân Việt

Làm chuồng tầng nuôi đàn động vật hoang dã to dài trông phát ớn, chàng nông dân Tuyên Quang bán 700.000 đồng/kg

Thành Nho 26/11/2024 08:42 GMT+7
Nuôi rắn hổ mang cho thu nhập cao, con động vật này ít dịch bệnh và đặc biệt không cần diện tích lớn là ưu điểm của mô hình nuôi rắn hổ mang bành thương phẩm của anh Đinh Văn Linh, tổ dân phố Ngòi Nẻ, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang). Anh Linh bán rắn hổ mang giá 600.000-700.000 đồng/kg.

Thu nhập cao, rắn ít dịch bệnh và đặc biệt không cần diện tích lớn là ưu điểm của mô hình nuôi rắn hổ mang bành thương phẩm. 

Những năm qua, nhờ sự táo bạo, mạnh dạn thanh niên Đinh Văn Linh, tổ dân phố Ngòi Nẻ, thị trấn Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) đã đầu tư, phát triển mô hình nuôi rắn này. Từ mô hình nuôi rắn hổ ma ng đã giúp gia đình anh thu lãi trên 250 triệu đồng mỗi năm.

Trước khi bắt tay vào nuôi 150 con rắn hổ mang giống, anh Linh đã tìm hiểu kỹ thuật nuôi rắn hổ mang qua các trang mạng xã hội và trực tiếp tham quan một số nơi nuôi rắn của địa phương.

Qua đó, anh nắm bắt cách làm chuồng trại nuôi rắn hổ, điều kiện thích nghi, quá trình sinh trưởng, sinh sản của vật nuôi. 

Anh Linh chia sẻ, tuy là động vật hoang dã, nhưng rắn hổ mang bành rất dễ nuôi, ít bệnh, khâu chăm sóc đơn giản so với các vật nuôi khác. 

Thức ăn chủ yếu của rắn hổ mang bành là gà, vịt con rất dễ thu mua và đặc biệt, rắn chỉ ăn trong mấy tháng trong năm, còn mùa đông rắn ngủ đông nên rắn không ăn, người nuôi không tốn chi phí. Đến nay, chuồng trại của anh đã phát triển lên 700 lồng với gần 700 con rắn hổ mang bành lớn, nhỏ các loại.

img

Mô hình nuôi rắn hổ mang bành thương phẩm của anh Đinh Văn Linh, nông dân thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Tuy là động vật hoang dã, nhưng rắn hổ mang bành theo anh Linh là dễ nuôi.

Sau một năm nuôi, trọng lượng của mỗi con rắn hổ mang bành từ 2 - 3kg và bắt đầu sinh sản, trung bình mỗi con rắn cái đẻ được 25 đến 30 trứng. 

Gia đình anh vừa có thể cho trứng rắn hổ mang vào máy ấp trứng vừa bán trứng rắn cho các thị trường. 

Cứ thế, tính từ năm 2019 đến năm 2024, anh Linh đã xuất bán hàng nghìn con rắn hổ mang bành thương phẩm với giá rắn hổ mang từ 600.000 đến 700.000 đồng/kg, thu lãi trên 250 triệu đồng. 

Ngoài ra, anh còn bán hàng trăm con rắn hổ mang giống cho người dân có nhu cầu nuôi loài động vật hoang dã này.

Chia sẻ về cách chữa trị bệnh cho rắn hổ mang bành ở một số bệnh thường gặp, anh Linh cho biết: Loại rắn hổ mang bành nuôi nhốt thường hay bị bệnh đường ruột và bệnh ngoài da. 

Để phòng tránh bệnh này thì nguồn thức ăn cho rắn phải bảo quản kỹ và sạch, thức ăn phải tươi, không bị hỏng. Còn nếu rắn bị mắc bệnh đường ruột, để chữa trị hiệu quả thì người nuôi có thể cho rắn uống men tiêu hóa dùng cho người, sẽ khỏi.

Không chỉ nỗ lực, chí thú làm ăn, anh Đinh Văn Linh còn nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào do đoàn thanh niên thị trấn phát động. 

Sau khi thực hiện thành công mô hình nuôi rắn hổ mang bành, anh Linh đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho hội viên thanh niên. 

Qua đó tuyên truyền, khuyến khích hội viên trong chi hội nói riêng, người dân nói chung đẩy mạnh việc cải tạo, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, đem lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Phát triển mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương là điều rất quan trọng và mô hình nuôi rắn hổ manh bành-nuôi động vật hoang dã thành công của anh Đinh Văn Linh là động lực để các hộ gia đình khác học tập, từ đó phát triển kinh tế gia đình.