Làng cổ Vĩnh Phúc có các giếng cổ hàng ngàn năm, có giếng cổ hình lục giác kỳ lạ
Một làng ở Vĩnh Phúc vẫn còn những giếng cổ xưa thế này, có giếng cổ hình lục giác
Thứ hai, ngày 25/11/2024 23:49 PM (GMT+7)
Tới một giếng làng, trước tầm mắt là bức họa đồng quê, một góc có gắn biển tên “Giếng Dộc” (tổ dân phố Vam Dộc, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), cụ Sinh nói với tôi: “Đấy, giếng cổ này có hàng nghìn năm nay, trước kia là của xóm Dọc vì xóm dọc theo đình...".
Kỷ niệm tuổi thơ cùng những năm tháng cuộc đời gắn với nỗi buồn, niềm vui mỗi người dân Kẻ Cánh là những cây đa, giếng nước, sân đình…
Và dù cuộc sống có đổi thay không ngừng thì họ vẫn luôn giữ gìn những ký ức ấy như giữ hồn quê cho thế hệ con cháu mình.
Tôi đã từng đặt chân tới thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) và quay trở lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn thổn thức, đắm say nơi đây đến lạ. Nếu như bản làng ở xã Lãng Công, xã Quang Yên, huyện Sông Lô là những con đường đất đỏ uốn lượn theo dòng suối và những nếp nhà sàn còn vương mùi cơm nếp nương nồng đượm; nếu như những ngôi nhà mờ ảo sau những làn sương mỏng hòa quyện màu xanh của núi rừng dưới chân Tam Đảo…đã đi vào tâm hồn tôi qua những vệt ký ức, thì những con đường bê tông nhỏ bóng mướt chạy dọc theo những ngôi đình Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh ở huyện Bình Xuyên đã cho tôi những hoài niệm về một thời xa ngái, thời của những bức tường gạch rêu phong, cổ kính; thời của những cánh cổng làng êm đềm ru những giấc mơ tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ, tắm mát dòng sông…
Cứ thế, cứ thế tôi được cụ Phạm Xuân Sinh (71 tuổi), thành viên Ban Quản lý di tích đình Ngọc Canh “dẫn dụ” vào trong miên man những câu chuyện cổ tích nơi đây.
Lần nào cũng thế, khi trở lại xóm Dộc (bây giờ là tổ dân phố Vam Dộc), cụ cũng hăng hái dẫn tôi đi không biết mệt mỏi. Tôi có vẻ ngại ngùng vì làm phiền cụ nhiều, nhưng vẫn như mọi khi, cụ lại cười nói như khẳng định với tôi, đó là niềm tự hào như được dẫn một du khách phương xa đến tìm hiểu về văn hóa làng mình.
Cụ vừa đi, vừa nói rất dứt khoát: “Con đường cô đang đi đây là con đường “ngọc” đấy, bởi nó nối liền giữa 3 làng: Tam Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh, cũng như hệ thống các di tích đình, chùa, miếu… tạo thành một quần thể văn hóa đặc sắc.
Đặc biệt, mỗi làng có một đình uy linh thờ các vị vua tôi nhà Ngô. Vương triều Ngô với chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử (năm 938), kết thúc thời kỳ Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên độc lập mới cho nhà nước Đại Việt.
Giếng Dộc mới được khôi phục trên một miệng giếng cổ tạo nét văn hóa đặc sắc ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ba ngôi đình Tam Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh là các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho hệ thống đình làng Bắc Bộ, không chỉ là niềm tự hào của người dân Kẻ Cánh mà còn là di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá của tỉnh.
Gắn với cụm đình này là những giếng cổ được “ăn” dọc theo đình, tôi sẽ dẫn cô đến thăm những giếng cổ mới được tôn tạo, độc đáo lắm, cô cứ đi cả buổi chắc mới biết hết được các di tích nơi đây”.
Các tên làng, đất ở đây gắn với lịch sử phát triển của người Việt cổ đã từng sinh sống hàng nghìn năm trên mảnh đất này. Kẻ Cánh là tên nôm cổ của Hương Canh, địa danh bắt đầu từ giống lúa địa phương, thứ lúa có hai tia nhọn ở hai bên hạt thóc; người ta gọi hai tia nhọn ấy là Cánh và hạt thóc có tên là Giẻ Cánh, được lấy chữ Cánh làm danh xưng của làng.
Thoạt đầu mới có một làng Hương Canh, dần dần dân số phát triển mới tách thêm một làng nữa. Làng này lấy tên là Ngọc Canh, có thứ lúa Giẻ Cánh hạt gạo đẹp như ngọc. Sau cùng, khi cả hai làng Hương Canh (lúa cánh thơm), Ngọc Canh (lúa cánh đẹp) cư dân đông đúc mới mở rộng sang phía Tây và Tây Bắc thêm một làng nữa, làng này lấy tên là Tiên Canh với nghĩa “lúa Cánh sớm”. Xung quanh 3 làng có 9 cái giếng hình thành cùng với cụm đình Hương Canh cho nguồn nước trong, mát lành quanh năm.
Đi bộ quanh làng, được ngắm những ngôi nhà cao, thấp hoa đổ bên tường đan xen với quán nước nhỏ dựng tạm, có vài cụ ông đang chơi cờ, trên chiếc bàn gỗ nhỏ còn được đặt gói thuốc lào dở, thanh kẹo lạc và những chén trà thơm còn tỏa hương thảng vào chúng tôi…; bên miếu có người phụ nữ trung tuổi đang bưng mâm hoa quả vào trong bái thần…; những mái đình, mái chùa cong lượn rêu phong phủ màu như thách thức với thời gian; khói chiều đã bắt đầu bảng lảng trên những nếp nhà... cứ thế, hình ảnh chiều quê nơi đây càng làm tôi thêm xao lòng. Muốn chậm lại để tận hưởng thêm hồn quê giữa phố thị ồn ã ngoài kia… Tôi như tìm thấy một khoảng trời thanh bình hiếm hoi.
Tới một giếng làng, trước tầm mắt là bức họa đồng quê, một góc có gắn biển tên “Giếng Dộc” (tổ dân phố Vam Dộc, tôn tạo tháng 10 năm Kỷ Hợi 2019), cụ Sinh nói với tôi: “Đấy, giếng này có hàng nghìn năm nay, trước kia là của xóm Dọc vì xóm dọc theo đình, các cụ gọi lái đi là Dộc nên giếng Dộc cũng gắn với chiều dài lịch sử của làng.
Giếng là tuổi thơ, là nguồn sống, là phong tục, lệ làng, là những kỷ niệm … nhiều lắm cô ạ”. Rồi cụ Sinh say xưa nói về chiếc giếng như một câu chuyện cổ tích.
“Khi cụm đình Hương Canh làm xong thì cũng đã có 9 cái giếng quanh 3 làng. Thời đó, dân cư đã ngụ đông nên phải đào nhiều giếng phục vụ nguồn sống bà con trong làng. Lạ thay, đào ở điểm nào là có nước điểm đó, nguồn nước được trời ban nên rất quý, nước trong, ngọt, trong làng nhà nào làm tương là tranh nhau ra lấy sớm.
Khi động thổ đào giếng, vào mạch có nguồn nước và khi cả làng bắt đầu ra gánh nước là có lễ tạ. Giếng nước tốt cũng là long mạch của làng tốt, vì lẽ đó mà nhân dân trong các làng luôn đoàn kết, làm ăn phát đạt. Hai năm 1 lần, lớn bé già trẻ cùng nhau ra thu giếng (dọn dẹp, vệ sinh) để giếng lại trong lành.
Cả làng, ai nấy mỗi người một tay, người dưới giếng, người phía trên cùng bám vào một cái dây thật chặt, khi nghe có tiếng “tung tung” ở trong giếng thì ở trên ra sức kéo lên... cảnh tượng lúc đó rất tưng bừng. Giếng được nạo vét hết bùn và thả muối… nguồn nước lại về trong suốt. Lễ cúng thổ công chúa đất khi này đã xong, người dân trong làng cùng nhau tổ chức thụ lộc, ăn mừng”.
Ông Sinh cũng nhớ lại thời thơ ấu của mình mỗi lần tới giếng, nơi đã cho ông tắm mát tuổi thơ khi nghịch ngợm trốn xuống giếng tắm rồi đu lên; nhiều đôi trai gái đi lấy nước quen nhau… rồi nên duyên vợ chồng.
Ở gần giếng là chiếc cổng làng mà người dân nơi đây vẫn hoài niệm nhớ tên “Cổng tán” bởi ngày xưa đó là điểm hẹn hò của các nam thanh nữ tú, là những câu chuyện về làng quê, mùa lúa, trăng lên… vẫn còn được kể trong những câu chuyện ngày nay.
Còn giếng là còn làng, gìn giữ như một báu vật, nơi lưu giữ bản sắc, văn hóa theo chiều dài lịch sử... người dân nơi đây đã cùng nhau đóng góp, tôn tạo lại giếng cổ.
Dù cuộc sống hiện đại đủ đầy, mỗi nhà đã có một giếng nước hay cũng đã dùng nước máy tiện dụng nhưng chiếc giếng ngày xưa vẫn còn đó, được bảo tồn, lưu giữ để con cháu mai này luôn giữ được hồn quê.
Nhìn nguồn nước xanh mát, lấp lánh giữa nắng chiều, ông Sinh và tôi cùng những cảm xúc vui mừng, ông cho biết thêm: “Từ một chiếc giếng được khôi phục, những chiếc sau lại tiếp tục được tôn tạo… Cứ thế, 4 chiếc giếng đã được nhân dân đóng góp để tôn tạo, số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Trong làng ai nấy đều vui, trẻ em thường ra quanh khu sân giếng vui đùa, người xa quê lâu ngày cũng muốn được về chiêm ngưỡng để thêm những lần được sống lại tuổi thơ, được thấy lại tình làng nghĩa xóm, để thôi thúc tình yêu quê nhà, sống ý nghĩa, nỗ lực và cống hiến, làm giàu cho quê hương.
Chiều muộn, cụ Sinh còn dẫn tôi qua điếm Xóm Mướp tới thăm giếng Mướp cũng mới được khôi phục, vành giếng to đẹp và sâu thẳm nước trong… nhìn đứa bé đang chập chững bước đi cùng người cha bên sân giếng; những bước chân người làng chầm chậm trong chiều đông, tôi thấy, hồn quê đong đầy nơi đây…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.