Dân Việt

Bộ trưởng Bộ Công an: Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp

Gia Bình 26/11/2024 09:33 GMT+7
Tội phạm về môi trường giảm nhưng số vụ trật tự xã hội năm qua tăng 12% còn các vụ án tham nhũng, chức vụ được phát hiện, điều tra tăng hơn 20%. Trong khi đó, công tác phòng ngừa tội phạm được đánh giá là “chưa mang lại hiệu quả cao”.

Các số liệu được nêu tại Báo cáo Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 của Chính phủ, do Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tại Quốc hội sáng 26/11.

Báo cáo thể hiện, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ phạm tội tăng 12,53%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt 83,48%; trong đó án rất nghiêm trọng (khung hình phạt từ 7 – 15 năm) đạt 95,15%, án đặc biệt nghiêm trọng (khung tối đa tử hình) đạt 97,08%.

Số vụ phạm tội gia tăng, công tác phòng ngừa chưa đạt hiệu quả cao - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo, sáng 26/11.

Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực ở hầu hết địa phương. Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý nhiều hơn 20,55%; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế ít hơn 2,4%, còn số vụ buôn lậu nhiều hơn 8,25%.

Báo cáo cũng thể hiện, tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây ma túy lớn, xuyên quốc gia, các tụ điểm ma túy; chuyển hóa các địa bàn phức tạp về ma túy tại cơ sở. Số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, xử lý nhiều hơn 2,49%.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật; khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội.

Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm xảy ra trên nhiều lĩnh vực, địa bàn. Số vụ phạm tội về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm được phát hiện, xử lý ít hơn 53,46%.

Báo cáo chỉ rõ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác phòng ngừa tội phạm "chưa mang lại hiệu quả cao". Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam tuy giảm nhưng vẫn còn một số trường hợp phải xử lý hình sự.

Trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, số vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ tăng, xảy ra một số vụ làm nhiều người chết, bị thương... Vi phạm hành chính còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực.

Giải cứu 1.500 công dân từ Myanmar

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục gia tăng; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đề cao; các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đồng thời, cần phân bổ ngân sách, bảo đảm kinh phí xây dựng lực lượng công an nhân dân.

Báo cáo cũng thể hiện, việc chấp hành pháp luật được cơ quan điều tra các cấp thực hiện nghiêm, từ xử lý tội phạm, công tác bắt, giam, giữ; các yêu cầu, nhiệm vụ về công tác điều tra, xử lý tội phạm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác điều tra tội phạm. Công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, số vụ việc, vụ án tạm đình chỉ tính đến cuối kỳ thống kê vẫn còn ở mức cao. Các cơ sở giam, giữ thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam.

Về hợp tác quốc tế, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp, tham mưu, tổ chức hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế, các tỉnh giáp biên về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người; phòng, chống ma túy. Thực hiện công tác bảo hộ công dân, giải cứu gần 1.500 công dân từ Myanmar về nước.