TIN NÓNG 24H QUA: 2 vợ chồng tử vong bất thường tại nhà riêng; xe máy lao xuống mương, 4 người chết
TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: 2 vợ chồng tử vong bất thường tại nhà riêng; xe máy lao xuống mương, 4 người chết
A.Đ (T/H)
Thứ ba, ngày 26/11/2024 06:00 AM (GMT+7)
2 vợ chồng tử vong bất thường tại nhà riêng, trên người nhiều thương tích; xe máy lao xuống mương, 4 người cùng một nhà ở Hà Nội thiệt mạng; luật sư xin miễn trách nhiệm hình sự tội đưa hối lộ với bà chủ Xuyên Việt Oil... là những tin nóng 24 giờ qua.
2 vợ chồng tử vong bất thường tại nhà riêng, trên người nhiều thương tích
Người dân phát hiện 2 vợ chồng tử vong bất thường tại nhà riêng ở xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), trên người có nhiều vết thương. Công an tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc điều tra, làm rõ.
Theo đó, người dân địa phương phát hiện vợ chồng ông N.Đ.H. (SN 1962) và bà N.T.T. (SN 1968) tử vong ở khu vực giếng nước của gia đình tại thôn Vĩnh Xuân (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Theo người dân địa phương, bà T. bị mất ngủ, có dấu hiệu trầm cảm, vừa đi điều trị về. Gia đình ông T. - bà H. có 4 người con nhưng đã có gia đình riêng và đi làm ăn xa nên chỉ có 2 vợ chồng ở với nhau.
Nhận được thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp các cơ quan chức năng và Công an huyện Can Lộc có mặt tại hiện trường, tổ chức phong toả, khám nghiệm, hoàn tất công tác khám nghiệm tử thi vợ chồng ông H. phục vụ công tác điều tra.
Hiện, nguyên nhân vụ việc đang được điều tra, làm rõ.
Xe máy lao xuống mương, 4 người cùng một nhà ở Hà Nội thiệt mạng
Sáng 25/11, lãnh đạo UBND xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc 4 người trong một gia đình tử vong dưới mương nước.
Theo thông tin ban đầu, đêm 24/11, người dân phát hiện một xe máy và 4 người dưới mương nước gần Trường Tiểu học Đồng Lạc. Mương nước này rộng khoảng 4m, sâu 3m, với mực nước ngập hơn 1m.
Lãnh đạo xã cho biết, các nạn nhân đều thuộc một gia đình, bao gồm một phụ nữ khoảng 40 tuổi, một nam thanh niên và hai trẻ em.
Hiện trường nơi phát hiện 4 người dưới mương nước. Ảnh: Đ.X.
"Ba nạn nhân đã tử vong tại chỗ. Đến sáng 25/11, một trẻ em được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi," vị lãnh đạo cho hay.
Cơ quan chức năng nhận định ban đầu, đây là vụ tai nạn giao thông tự gây ra. Có khả năng người điều khiển xe máy đã mất lái, lao xuống mương nước.
Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ và củng cố hồ sơ để xác định nguyên nhân chính xác của vụ việc.
Luật sư xin miễn trách nhiệm hình sự tội đưa hối lộ với bà chủ Xuyên Việt Oil
Chiều 25/11, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, và các đồng phạm. Tâm điểm của phiên tòa là phần tranh luận giữa đại diện Viện Kiểm sát (VKS) và các luật sư bào chữa.
Hồ sơ vụ án cho thấy, bà Mai Thị Hồng Hạnh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm quy định quản lý quỹ Bình ổn giá và thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 1.463 tỷ đồng. Trong đó, thất thoát từ quỹ Bình ổn giá là 219 tỷ đồng và từ thuế bảo vệ môi trường là 1.244 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan công tố xác định bà Hạnh đã 22 lần đưa hối lộ cho nhiều cán bộ, công chức với tổng số tiền hơn 31,6 tỷ đồng.
Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh. Ảnh: Xuân Huy.
Đại diện VKS nhận định các cáo buộc đối với bà Hạnh là chính xác, không oan sai. Hành vi của bị cáo được đánh giá là đặc biệt nguy hiểm, với vai trò chủ mưu trong vụ án. Từ đó, VKS đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bà Hạnh mức án 30 năm tù về tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Bào chữa cho bà Hạnh, luật sư Lê Hồng Nguyên, đề xuất HĐXX cân nhắc kỹ trong việc kết tội thân chủ.
Về tội Đưa hối lộ, luật sư cho rằng bà Hạnh đã tự nguyện khai báo trước khi bị phát hiện, thuộc trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Để củng cố quan điểm, luật sư dẫn chứng trường hợp cựu Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn, người từng đưa 5,2 triệu USD hối lộ nhưng được miễn trách nhiệm.
Ngoài ra, các luật sư khác đại diện cho bà Hạnh cũng trình bày các tình tiết giảm nhẹ, như xuất thân từ gia đình có công với cách mạng và những đóng góp của bị cáo trong quá trình công tác.
Trong vụ án, ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bị cáo buộc nhận hối lộ 13,8 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ để trục lợi hơn 22 tỷ đồng. VKS đề nghị mức án 28-29 năm tù dành cho ông Thọ.
Luật sư bào chữa cho ông Thọ nhận định mức án đề nghị là quá nghiêm khắc, chưa xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ. Ảnh: Xuân Huy.
Người bào chữa cho rằng ông Thọ nhận tiền nhưng không can thiệp trái pháp luật, cũng như không yêu cầu, gợi ý hay ép buộc bà Hạnh đưa tiền. Luật sư nhấn mạnh hành vi của ông Thọ không trực tiếp dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước.
Bên cạnh đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét những đóng góp của ông Thọ trong quá trình công tác để giảm nhẹ hình phạt.
Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư khác.
Phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: Bà Trương Mỹ Lan bị VKS tiếp tục đề nghị mức án tử hình
Ngày 25/11, tại TAND Cấp cao TP.HCM tiếp tục diễn ra phiên xét xử phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1.
Theo đại diện VKS, quan điểm đối đáp về nhiều nội dung tranh luận mà bà Trương Mỹ Lan và các luật sư đã nêu ra trong quá trình bào chữa những ngày làm việc vừa qua.
VKS ghi nhận sự chuyển biến trong nhận thức của bị cáo và tích cực trong việc khắc phục hậu quả, song, hậu quả của vụ án là đặc biệt lớn, có án tử hình đối với Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan. Do đó, VKS cho rằng việc xem xét hình phạt tử hình cho bị cáo sẽ được xem xét trong giai đoạn thi hành án.
Nêu quan điểm luận tội, VKS cho hay: "Bị cáo Trương Mỹ Lan phải tích cực phối hợp với SCB và các cơ quan tố tụng để làm sao bán được tài sản, thu hồi được tiền nhanh nhất thì Chủ tịch nước sẽ xem xét".
VKS đưa ra quan điểm đối đáp với từng nội dung, quan điểm của các luật sư của bà Lan đưa ra trước đó. Cụ thể, đối với quan điểm cho rằng bị cáo Lan chỉ thực hiện một hành vi xuyên suốt nhưng tách ra xử lý về 2 tội là bất lợi, theo VKS việc nhập cả hai giai đoạn theo đề nghị của luật sư sẽ làm số liệu tăng lên, gây bất lợi cho bà Lan.
Theo VKS, căn cứ vào hồ sơ và kết quả thẩm vấn công khai, cho thấy bị cáo Lan là người sở hữu gần như tuyệt đối cổ phần của SCB, chi phối mọi hoạt động của ngân hàng. Bị cáo đã bố trí và chỉ đạo những người có vai trò chủ chốt để rút tiền SCB dùng vào mục đích cá nhân.
Qua số liệu thể hiện, từ năm 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Hành vi trong giai đoạn này của bà Lan là phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Do Bộ luật Hình sự 2015 có sự thay đổi về đường lối xử lý đối với các sai phạm xảy ra tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018 (Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) nên hành vi này của bà Lan phạm tội Tham ô tài sản.
Trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng, trong đó, có 483.000 tỷ đồng nợ gốc. Theo VKS, trong số các khoản vay này thì các khoản vay của bà Lan chiếm đến 84%, đều thuộc nợ xấu nhóm 5.
Theo VKS, kết quả xác minh tại Sở Kế hoạch Đầu tư cũng xác định, các pháp nhân được dùng để lập hồ sơ vay vốn đều mới thành lập. Phương án vay vốn cũng đươc lập khống, tài sản cũng được nâng khống giá trị. Trong các khoản giải ngân, xác định số tiền để trả nợ các khoản vay cũ từ trước năm 2012 là 57.000 tỷ đồng, sử dụng nội bộ là 5.200 tỷ đồng, còn lại chuyển ra khỏi ngân hàng thông qua các cá nhân, tổ chức rút tiền mặt...
Do đó, hành vi của bị cáo Lan có dấu hiện tham ô tài sản, nhưng do là ngân hàng thương mại cổ phần SCB không có vốn của Nhà nước. Hành vi của bị cáo xảy ra trước thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực (1/1/2018) không xử lý về tội tham ô tài sản là có lợi cho bị cáo.
VKS cho rằng, bị cáo Lan đã rút tiền của SCB dùng để đầu tư các dự án bất động sản, trả nợ cá nhân. Hành vi chiếm đoạt của bị cáo còn thể hiện ở việc chỉ đạo đồng phạm vận chuyển một số tiền mặt 108.000 tỷ đồng và 14 triệu USD từ ngân hàng về chỗ ở sử dụng mục đích cá nhân.
"Hành vi của bị cáo và các đồng phạm gây thiệt hại cho SCB khoản tiền gốc và lãi đặc biệt lớn, nên VKS truy tố về tội Tham ô tài sản là phù hợp với quy dịnh của pháp luật. Như đã phân tích, hành vi của bị cáo xuyên suốt, nếu nhập 2 giai đoạn làm một số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt sẽ tăng lên, gây bất lợi cho bị cáo", VKS nêu quan điểm.
Đối với quan điểm của luật sư cho rằng bà Lan rút tiền chủ yếu để đảo nợ khoản vay cũ, tiền không ra khỏi ngân hàng, theo VKS như đã công bố số liệu đối với số tiền của 1.284 khoản vay thì ngoài tiền giải ngân để đảo nợ, bị cáo còn sử dụng vào mục đích cá nhân đã nêu. Đối với việc đảo nợ, các bị cáo đã thực hiện rút tiền ra khỏi ngân hàng, sau đó chuyển lòng vòng tạo thành nguồn tiền mới. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã hoàn thành từ lúc rút tiền ra khỏi SCB...
Trong vụ án, VKS cho rằng, trong 1.169 mã tài sản liên quan đến bị cáo Lan và nhờ người khác đứng tên thì chỉ có 60 tài sản mua trước 2012. Còn lại 94% số tài sản trên mua sau khi tham gia tái cơ cấu SCB. Các bị cáo khác nguyên là lãnh đạo, nhân viên Vạn Thịnh Phát cũng thừa nhận tập đoàn không có hoạt động kinh doanh đáng kể. Lời khai của các bị cáo cho thấy bị cáo Lan dùng tiền rút từ SCB để chi cho việc mua lại các dự án, đầu tư, chi cho người được nhờ đứng tên. Như vậy, bị cáo Lan không chỉ sử dụng tiền vay để đảo nợ mà dùng nhiều mục đích khác nhau khi tiền ra hỏi ngân hàng.
Đối với các tình tiết giảm nhẹ mới của bà Lan, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm chưa đáp ứng đủ điều kiện để giảm án tử hình theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, nêu quan điểm giải quyết đơn kháng cáo của bà Lan, VKS ghi nhận thêm tình tiết thành khẩn khai báo, cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại...; đề nghị HĐXX giảm nhẹ từ 20 năm xuống 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, VKS giữ nguyên quan điểm của tòa sơ thẩm, xác định bà Lan có vai trò cầm đầu, phạm tội mang tính chất tinh vi... nên dù có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ vẫn chưa đủ để giảm nhẹ đối với 2 tội còn lại. Từ đó, VKS đề nghị y án tử hình về tội Tham ô tài sản và 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; tổng hợp hình phạt bà Lan phải chịu là tử hình.
Bỏ trốn ra nước ngoài, "sếp" vẫn được 3 công ty nộp tiền khắc phục hậu quả
Ngày 25/11, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng, truy tố 38 bị can trong vụ án mua bán hóa đơn xảy ra tại Công ty TNHH Thành An Hà Nội, Công ty TNHH thiết bị y tế Danh, Công ty TNHH thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan. Trong đó, có 6 người bị cáo buộc phạm tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" gồm Nguyễn Thị Hòa, giám sát kế toán của 3 doanh nghiệp nói trên (đang bỏ trốn); Nguyễn Đăng Thuyết, Tổng giám đốc Công ty Thành An (đang bỏ trốn); Bùi Thị Mai Hương, Kế toán trưởng Công ty Thiết bị y tế Danh…
Ngoài ra, có 32 người bị đề nghị truy tố về tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" theo khoản 1, khoản 2 Điều 203 với khung hình tiền hoặc phạt tù tối đa 5 năm.
Các bị can Nguyễn Đăng Thuyết và Nguyễn Thị Hòa vẫn đang bỏ trốn, bị đề nghị xử vắng mặt.
Cáo trạng thể hiện, tại ba Công ty Thành An, Danh, Tràng Thi đều lập hai hệ thống sổ sách kế toán có tên là "NỘI BỘ" và "THUẾ", được sử dụng trên phần mềm kế toán FAST để theo dõi thu, chi.
Hệ thống nội bộ được 3 doanh nghiệp dùng chung, phản ánh các số liệu thực tế liên quan đến hoạt động kinh doanh từ năm 2017 – 2022. Từ ngày 30/6/2022 đến nay, mỗi công ty sử dụng riêng một hệ thống sổ sách kế toán nội bộ để hạch toán riêng hoạt động kinh doanh của mình.
Còn hệ thống sổ kế toán thuế phản ánh các số liệu, chứng từ, các báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để kê khai, quyết toán thuế, tại mỗi Công ty có hệ thống sổ sách quyết toán riêng với cơ quan thuế.
Bộ phận công nghệ thông tin của Công ty Thành An tạo mật khẩu User để truy thông trên cập phần mềm cho Ban Giám đốc Công ty và nhân viên Phòng Kế toán. Phòng Kế toán và Kế toán trưởng phân quyền truy cập cho các nhân viên trong mẫu kế toán được truy cập theo phân công từng mảng công việc.
Căn cứ tài liệu do Cục Thuế thành phố Hà Nội cung cấp và tài liệu trích xuất từ hệ thống phần mềm FAST của ba công ty, cơ quan tố tụng xác định trong cùng một kỳ kế toán, Công ty Thành An, Danh, Tràng Thi đã lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính có số liệu không đồng nhất, trong đó số liệu về tổng tài sản, tổng nguồn vốn, tổng lợi nhuận trước thuế trong các năm từ 2017 đến hết năm 2022 có sự chênh lệch rất lớn, phản ánh không đúng thực tế về hoạt động kinh doanh và số liệu kế toán.
Cụ thể, chênh lệch về tổng tài sản và nguồn vốn 4.286 tỷ đồng; chênh lệch về lợi nhuận trước thuế 2.092 tỷ đồng.
Giám định Cục Thuế TP.Hà Nội cho thấy, các Công ty Thành An, Công ty Danh, Công ty Tràng Thi đã sử dụng 19.167 số hóa đơn khống để kê khai khấu trừ thuế GTGT hàng hóa dịch vụ mua vào dẫn đến làm giảm tiền thuế GTGT phải nộp, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 62 tỷ đồng.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp của 3 doanh nghiệp nói trên cũng dùng hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo), được mua từ các công ty và của các hộ kinh doanh để hạch toán kế toán khi làm báo cáo tài chính, hạch toán chi phí xác định số thuế phải nộp, gây thiệt hại hơn 680 tỷ đồng.
Tổng số tiền ngân sách Nhà nước bị thiệt hại là 743 tỷ đồng (thuế GTGT là 62 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp 680 tỷ đồng).
Quá trình điều tra, nhóm bị can thuộc 3 doanh nghiệp nói trên khẳng định bị can Nguyễn Đăng Thuyết là chủ sở hữu và trực tiếp điều hành Công ty Thành An, Danh, Tràng Thi. Ông ta trực tiếp chỉ đạo 3 công ty lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính theo dõi trên phần mềm FAST với mục đích trốn thuế.
Ông Thuyến trước đây bị xử vắng mặt, nhận án 30 tháng tù trong vụ án Công ty AIC vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Đồng Nai. Đến nay, vị này vẫn bỏ trốn nhưng được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ là được nộp tiền khắc phục hậu quả.
Cụ thể, các bị can trong vụ đã nộp tổng cộng hơn 23 tỷ đồng vào tài khoản điều tra. Các công ty Danh, Tràng An, Tràng Thi có văn bản đề nghị dùng toàn bộ tiền trong tài khoản của mình, gồm hơn 61 tỷ đồng cùng 207.579 USD để khắc phục hậu quả vụ án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.