Nằm ở nơi cực Nam Tổ quốc, Cà Mau là miền đất trù phú với rừng già, biển khơi và sông ngòi. Hệ sinh thái đa dạng cùng với sự khéo léo, sáng tạo của người dân địa phương đã tạo nên một nền văn hoá ẩm thực riêng biệt, khiến những du khách từng thưởng thức đều không khỏi vương vấn nhớ thương. Cà Mau đã dệt nên một nền văn hoá ẩm thực bình dị mà đầy sức hút, thể hiện sự giao thoa văn hoá với những món ăn pha trộn thú vị, trong đó phải kể đến đặc sản làm từ đuông chà là.
Tại Cà Mau – bên bờ sông Báy Háp có một vùng đất lành sở hữu rất nhiều cây chà là. Trong cây có những con đuông béo ngậy mà người ta coi là đặc sản dân dã của ẩm thực vùng này. Chúng vốn là loài côn trùng nhưng không hề bị xa lánh, tiêu diệt. Đuông chà là được sánh ngang hoặc ở tầm cao hơn so với đuông dừa ở xứ Bến Tre.
Nếu đuông dừa Bến Tre đã góp phần tô điểm đặc trưng ẩm thực của xứ dừa, thì đuông chà là có thể coi là điểm nhấn độc đáo trong bức tranh ẩm thực Cà Mau. Tuy xuất thân là côn trùng nhưng đuông chà là lại được người người săn tìm, người người mong có cơ hội thưởng thức. Loài côn trùng này rất hiếm và quý đến nỗi mỗi cây chà là may mắn chỉ có một con duy nhất, mà những cây chà là này lại mọc hoang trong cánh rừng ngập mặn. Tất cả hoàn toàn tự nhiên, không thể nuôi cấy như đuông dừa.
Đuông chà là một loại côn trùng sống trong các cổ hũ non của cây chà là, một loài cây có thân giống như dừa hoặc cau. Đây là một loại đuông đặc biệt, xuất hiện do quá trình sinh sản của loài bọ cánh cứng như kiến dương hoặc bọ rầy. Vào mùa sinh sản từ khoảng tháng 10 đến tháng 2 âm lịch, bọ tìm lỗ trên các ngọn cây chà là để đẻ trứng. Trứng lớn lên qua thời kỳ ấu trùng và sau đó trở thành đuông.
Suốt thời gian phát triển, đuông sẽ ăn chất dinh dưỡng từ ngọn cây và trở nên to lớn, có kích thước bằng ngón tay út, khoác một lớp vỏ màu trắng muốt. Điều đặc biệt là thân của đuông chà là không có lông tơ và không có phần ruột đen như nhiều loại đuông khác.
Con trưởng thành của loài này có kích thước khá lớn, có khi bằng ngón trỏ hoặc ngón chân cái. Nhờ vào những đặc điểm này, người mua có thể dễ dàng phân biệt được đuông chà là với các loài đuông khác, chẳng hạn như đuông dừa.
Giá đuông chà là Cà Mau cao gấp 3-4 lần đuông dừa, chừng 65.000 đồng/con.
Người dân địa phương cho biết phải là những cây chà là mọc hoang trong rừng ngập mặn mới có đuông, vì thế số lượng rất hiếm. Khách muốn mua phải đặt hàng trước. Để khai thác được chúng, người dân phải lội vào rừng ngập mặn tìm khu có cây chà là dại.
Dựa vào vốn nghề họ sẽ chọn khóm cây có đuông non để bắt. Chà là dại có nhiều gai, sống thành từng khóm nên phải thật cẩn thận vạch tìm nhánh có đuông. Tìm được rồi thì dùng dao đón cả bắp thân cây mang về. Khi nào ăn thì rạch thân lấy đuông đem chế biến. Vì cách khai thác kỹ càng nên đuông chà là Cà Mau luôn tươi ngon, đảm bảo giá trị dinh dưỡng cao.
Thực chất đuông chà là là loài gây hại cho cây trồng, hút hết chất dinh dưỡng từ ngọn cây để lớn lên. Nhưng chính đuông chà là lại được người dân tận dụng, khai thác và trở thành một món ăn đặc sản thơm ngon, nhiều dinh dưỡng. Loài này nhìn rùng mình nhưng nếu vượt qua được nỗi sợ, những người ăn thử đuông chà là đều gật gù khen ngợi về độ béo ngậy, thơm ngon.
Tuy giá cả đắt đỏ, đối với những người sành ăn, đây là món ăn không thể bỏ qua. Có nhiều cách thưởng thức đuông chà là Cà Mau như bỏ luôn vào miệng nhấm nháp, hoặc ăn kiểu dân dã như cho cho nó tắm nước mắm.
Những người sành ăn thường thích cách ăn nguyên thủy: cầm con đuông lên ngắt đầu bỏ luôn vào miệng bởi hương vị đuông được bảo toàn 100% cho đến khi vào ruột.
Kiểu ăn dân dã là cho đuông chà là lội sông rồi đánh chén. Có nghĩa là đuông chà là tẩm nước mắm. Món ăn này khiến người ăn vừa kích thích vừa lo lắng. Cho mấy con đuông béo mầm vào trong chén nước mắm nhĩ rồi gắp từng con lên miệng. Cắn một miếng, sữa chảy ra thấm vào vị mặn của nước mắm giúp khử mùi tanh, người ăn dễ ăn hơn.
Ngoài ra, đuông chà là Cà Mau còn được sử dụng để nướng trên than hồng và cuốn với xà lách, rau thơm chấm mắm me. Hoặc đổi vị bằng cách nấu cháo, hấp xôi. Mỗi kiểu chế biến đều mang đến một hương vị và cách thưởng thức độc đáo.
Để tận hưởng hương vị đặc biệt của đuông chà là Cà Mau, người ta có thể làm đuông cho sạch rồi phủ lên thân chúng một lớp áo từ trứng gà, bột năng, bột mì, muối. Sau đó bỏ vào chảo dầu nóng, đảo với bơ cho vàng và vớt ra để ráo và thưởng thức. Vị ngon của món ăn này không những thơm ngon mà còn làm say đắm bất cứ ai nếm thử, chỉ có thể cảm nhận được khi thưởng thức trực tiếp.
Du khách có lẽ sẽ rất thú vị với món ăn gọi là "đuông lội sông", vì những con đuông vàng rụm đang "lững lờ" trôi trong bát nước mắm trông thật ngồ ngộ. Thực ra đây là tên gọi khác của món đuông tẩm nước mắm. Khi bạn đưa lên miệng cắn, vị ngọt bùi béo ngậy của con đuông tan ra thật ngon lành và giống như bạn đang ăn pho mát thơm béo.
Khi ăn đuông lăn bột chiên hay nướng, nên đi kèm theo với rượu trắng chát nhẹ, không phải là rượu đế với nồng độ cao. Thưởng thức món ăn "siêu hạng" này cần nhấm nháp từng tí một thì du khách sẽ cảm nhận được vị thơm ngon béo ngậy của những con đuông béo ú no tròn và thơm lừng mùi sữa riêng biệt.
Nhờ hương vị có một không hai, nhiều người không ngại ngần phong cho đuông chà là cái danh đặc sản ẩm thực Cà Mau. Sự hiếm có của đuông chà là khiến việc săn tìm và thưởng thức chúng trở thành một trải nghiệm không thể bỏ qua đối với những người yêu thực phẩm và muốn khám phá những hương vị mới mẻ.