Dân Việt

Cặp đôi sản phẩm bảo hiểm chỉ số thời tiết và thiệt hại cây lúa: Lá chắn "kép" cho lúa gạo ĐBSCL

PVKT 26/11/2024 14:49 GMT+7
Bảo hiểm Agribank sẽ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phục vụ cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 2 sản phẩm: Bảo hiểm chỉ số thời tiết và bảo hiểm thiệt hại cây lúa.

Ông Quách Tá Khang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank), chia sẻ rằng để triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Agribank trong khuôn khổ Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030" theo Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm Agribank sẽ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm thiết thực, đồng hành cùng nông dân trong hành trình phát triển sản xuất bền vững. Các sản phẩm này được thiết kế nhằm đáp ứng sát nhu cầu thực tế và giảm thiểu tối đa các rủi ro trong canh tác.

Một là, bảo hiểm chỉ số thời tiết sẽ mang đến hỗ trợ tài chính cho bà con nông dân khi dư thừa lượng mưa tại địa điểm bảo hiểm với phương án khai thác và bồi thường số, giảm thiểu thủ tục và tiết kiệm thời gian, đảm bảo nhanh chóng và thuận tiện cho bà con nông dân tham gia bảo hiểm.

Hai là, bảo hiểm thiệt hại cây lúa sẽ bảo vệ tối ưu mùa vụ canh tác trước những rủi ro thiên tai như mưa lớn, lũ lụt, bão, áp thấp nhiệt đới, xâm nhập mặn, hạn hán, mưa đá, sương muối, động đất và nhiều rủi ro khác. Đáng chú ý, nông dân có thể linh hoạt lựa chọn một trong bốn nhóm rủi ro phù hợp với điều kiện tài chính và nhu cầu thực tế của mình.

Bảo hiểm nông nghiệp: Lời cam kết từ Bảo hiểm Agribank cho nền nông nghiệp bền vững - Ảnh 1.

Ông Quách Tá Khang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank).

Cũng theo ông Khang, để giảm thiểu rủi ro trong khu vực nông nghiệp, đặc biệt là trước những tác động ngày càng khắc nghiệt của thiên tai, cần phải tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm trong cộng đồng nông dân và doanh nghiệp. Một giải pháp hiệu quả chính là kết hợp bảo hiểm với tín dụng, tạo sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các bên. Theo đó, việc triển khai bảo hiểm đi kèm với các gói tín dụng nông nghiệp không chỉ giúp bảo vệ vốn vay của Agribank mà còn mang lại sự an tâm cho nông dân trong việc vay vốn và tái đầu tư sản xuất.

Ngoài ra, ông Khang đề xuất rằng, để khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm, các cơ quan chức năng và các đối tác liên quan cần xây dựng cơ chế hỗ trợ, từ giảm chi phí tham gia bảo hiểm cho đến việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của bảo hiểm trong bảo vệ tài sản và nguồn vốn sản xuất.

Cụ thể, ông cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có cơ chế đặc thù để phát triển bảo hiểm nông nghiệp tại khu vực nông thôn, nơi mà sự phân tán trong sản xuất là rất lớn.

"Chúng tôi cũng mong muốn có sự phối hợp tốt hơn giữa các bên liên quan, từ Nhà nước, ngân hàng đến các doanh nghiệp bảo hiểm và người sản xuất", ông Khang nhấn mạnh.

Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Khang kiến nghị cần cho phép thực hiện bán gói sản phẩm tín dụng kết hợp bảo hiểm để bảo vệ tối đa nguồn vốn tín dụng và giúp nông dân có khả năng thanh toán khoản vay khi gặp rủi ro.

“Bảo hiểm cây lúa hiện nay đã được thị trường tái bảo hiểm quốc tế chấp thuận triển khai, gắn liền với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Là một chương trình trọng điểm quốc gia, Đề án này hứa hẹn sẽ đưa bảo hiểm cây lúa đi vào thực tiễn, nhờ vào sự quyết liệt và cam kết mạnh mẽ từ Agribank và Bảo hiểm Agribank", đại diện Bảo hiểm Agribank chia sẻ.

Vừa qua, tại Hội nghị Tái bảo hiểm Quốc tế Singapore lần thứ 20 (SIRC), các nhà tái bảo hiểm quốc tế đã khẳng định sẵn sàng chia sẻ rủi ro với Bảo hiểm Agribank. Cam kết này thể hiện rõ qua việc thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đã được xác lập trong hợp đồng tái bảo hiểm, đồng thời góp phần củng cố sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên.

Trong bối cảnh ngành sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là từ những tác động ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, các nhà tái bảo hiểm quốc tế nhận thức rõ cả thách thức lẫn tiềm năng lớn của bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam. Các nhà tái bảo hiểm đã thể hiện sự sẵn sàng đồng hành cùng Bảo hiểm Agribank trong nhiều khía cạnh: từ thiết kế sản phẩm phù hợp với thực tế địa phương, xây dựng chính sách bán hàng, đến việc triển khai các giải pháp bồi thường linh hoạt và nhanh chóng. Những hỗ trợ này không chỉ giúp Bảo hiểm Agribank nâng cao hiệu quả triển khai các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp mà còn tạo tiền đề để thương hiệu này vươn xa hơn trên thị trường bảo hiểm quốc tế.

Bảo hiểm Agribank cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển các sản phẩm bảo hiểm phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, góp phần bảo vệ tối đa cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân. Chúng tôi mong muốn cùng các đối tác, cơ quan chức năng triển khai thành công các chính sách tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp, góp phần thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nhắc đến khu vực nông nghiệp và vai trò của bảo hiểm, không thể bỏ qua những thiệt hại nghiêm trọng mà bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra.

Theo ông Quách Tá Khang, cơn bão này không chỉ để lại hậu quả nặng nề đối với đời sống người dân mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ ngành sản xuất nông nghiệp. Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp, thiệt hại đã lên đến gần 30.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% trong tổng thiệt hại kinh tế do bão số 3, ước tính vào khoảng 81.000 tỷ đồng.

Bảo hiểm nông nghiệp: Lời cam kết từ Bảo hiểm Agribank cho nền nông nghiệp bền vững - Ảnh 2.

Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030"

Đặc biệt, vai trò của Agribank – ngân hàng chủ lực cung cấp tín dụng cho khu vực nông nghiệp – đã bị thử thách mạnh mẽ trước sức tàn phá của bão. Tính đến nay, hơn 28.200 khách hàng vay vốn tại Agribank đã chịu ảnh hưởng từ bão, với tổng dư nợ thiệt hại vượt mức 40.000 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại trực tiếp được dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tỷ lệ khách hàng tham gia bảo hiểm trong số này lại rất thấp, khiến việc bảo vệ tài sản và vốn vay chưa thực sự hiệu quả.

Cụ thể hơn, trong 512 khách hàng doanh nghiệp chịu thiệt hại với tổng dư nợ thiệt hại khoảng 6.195 tỷ đồng, chỉ có 155 khách hàng tham gia bảo hiểm, dẫn đến số tiền bồi thường chỉ đạt 120 tỷ đồng. Con số này tương đương với việc chỉ khoảng 0,65% dư nợ thiệt hại của Agribank được bảo vệ qua bảo hiểm, một tỷ lệ quá khiêm tốn. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh tỷ lệ tham gia bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ để bảo vệ vốn vay mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành.

Bảo hiểm nông nghiệp: Lời cam kết từ Bảo hiểm Agribank cho nền nông nghiệp bền vững - Ảnh 3.

Bảo hiểm Agribank giúp nông dân an tâm sản xuất, tăng thu nhập.

Trong bối cảnh thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, bảo hiểm ngày càng chứng minh vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ tài sản, nguồn lực sản xuất và sự an tâm cho người nông dân. Bảo hiểm Agribank đã và đang nỗ lực đồng hành cùng bà con nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan, nhất là trong những giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Khi xảy ra thiên tai, Bảo hiểm Agribank đã kích hoạt ngay các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp, đặt mục tiêu giải quyết nhanh chóng và hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại. Quy trình bồi thường được rút gọn, gồm ba bước rõ ràng: tiếp cận hiện trường và giám định tổn thất, lập phương án tạm ứng bồi thường, và hoàn tất hồ sơ để chi trả chính thức. Điểm đặc biệt là công ty đã chủ động chi trả tạm ứng trước khi hoàn tất hồ sơ, giúp khách hàng kịp thời sử dụng tiền bồi thường để khôi phục sản xuất và sửa chữa tài sản bị ảnh hưởng.

Đồng thời, Agribank cũng triển khai 15 tổ công tác đặc biệt đến các "điểm nóng" của thiên tai. Những tổ này đã phối hợp chặt chẽ với chi nhánh Agribank tại địa phương và chính quyền sở tại để rà soát thiệt hại, liên hệ trực tiếp với từng khách hàng tham gia bảo hiểm, và triển khai nhanh các thủ tục bồi thường. Mục tiêu không chỉ là đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời mà còn khẳng định cam kết đồng hành bền vững cùng người dân trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Đây chính là nỗ lực nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho khách hàng, đồng thời tạo niềm tin mạnh mẽ vào các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.