Biến cây dại trên rừng thành cây trồng ai thấy cũng thích
Tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Thủy sản Nha Trang vào năm 2008, anh Nguyễn Ngọc Quỳnh (SN 1979, quê tỉnh Bắc Giang) mang theo trong mình nhiều ước mơ.
Sau một thời gian bôn ba ở nhiều tỉnh, thành, năm 2012, anh tìm đến thôn 12 (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) để lập nghiệp.
Ngay khi đặt chân đến xã Vụ Bổn, anh đã theo chân người dân địa phương lên núi để khám phá vẻ đẹp của đại ngàn Đắk Lắk và thỏa mãn tình yêu với thiên nhiên. Thế nhưng, lúc bấy giờ ở nơi đây chỉ còn những quả đồi trơ trọc, bị đốt cháy xém.
Trong một lần đi khám phá các quả đồi, anh tình cờ phát hiện một cây dại, có hoa và nụ màu vàng, thân to bằng bắp chân, cao khoảng 3m.
"Tôi đã hỏi người dân, không ai biết tên cây, nhưng họ nhớ rằng trước đây cây dại này mọc rất nhiều trong rừng và được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như: Lấy lá cho dê ăn, hay nấu nước tắm cho trẻ bị ghẻ lở, mụn nhọt, thậm chí nấu nước uống, làm canh ăn...", anh Quỳnh nhớ lại.
Những cây trà hoa vàng được anh Nguyễn Ngọc Quỳnh (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) bảo tồn cẩn thận.
Thấy cây trà hoa vàng có nhiều hoa, ban đầu, anh Quỳnh cho rằng có thể dùng làm cây cảnh. Do đó, anh đã thuê 6 người dân địa phương lên rừng đào cây dại nói trên về trồng để làm đẹp cho không gian của gia đình và muốn giữ lại chút đại ngàn còn sót lại.
Nhờ sự chăm sóc của anh, cây phát triển xanh tốt và nở hoa sum suê, thu hút sự quan tâm của người dân xung quanh.
"Ai đến nhìn thấy cây này cũng đều thấy thích thú, hỏi thăm. Thậm chí, nhiều người dân địa phương còn xin lá cây về làm thuốc", anh Quỳnh nói.
Để trải nghiệm những tác dụng mà người dân "tiết lộ" về cây dại này, anh Quỳnh đã lấy lá nấu nước uống thì không gây cồn cào ruột khi đói, cũng không gây mất ngủ. Anh còn dùng hoa của cây này ngâm mật ong để trị ho thì thấy có tác dụng...
Nhận thấy đây có thể là một loại dược liệu quý, anh Quỳnh bắt đầu lặn lội vào các cánh rừng chưa bị chặt phá để tìm kiếm thêm những cây dại nói trên về trồng.
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc sau khi di thực từ trên rừng về nhà nên cây bị chết nhiều. Thời gian đó, anh phải đối diện với không ít lời phán xét của mọi người và bị cho là gàn dở, làm chuyện ngược đời.
Không bỏ cuộc, anh nuôi trùn quế dưới đất để giúp cây tái sinh và phát triển tốt hơn. "Trùn quế không chỉ làm cho đất trở nên tơi xốp mà còn phân hủy các loại rác mục, tạo ra phân bón tự nhiên cho cây trồng. Nhờ đó, cây có thể hấp thụ dinh dưỡng một cách hiệu quả hơn", anh Quỳnh chia sẻ.
Những điều bất ngờ về cây trà quý
Một ngày nọ, anh Quỳnh tình cờ chụp hình cây dại mà anh di thực từ trên rừng về và đăng tải lên mạng xã hội, mong muốn tìm hiểu nguồn gốc của loại cây này. Sự kiên trì của anh được đền đáp khi Tiến sĩ Lương Văn Dũng, Trường Đại học Đà Lạt liên hệ với anh để tìm hiểu về cây dại này.
Năm 2020, nhóm nghiên cứu đã đến xã Vụ Bổn để khảo sát, thu thập mẫu cây, lá, hoa trà hoa vàng đưa về phân tích.
Những bông hoa rực rỡ của cây trà hoa vàng thu hái cẩn thận trong vườn rừng của gia đình anh Nguyễn Ngọc Quỳnh (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).
Kết quả nghiên cứu đã mang lại tin vui lớn cho anh Quỳnh. Năm 2022, cây dại mà anh phát hiện được công nhận là một loài trà hoa vàng mới, mang tên khoa học Camellia Quynhii, hay còn gọi là Trà Quỳnh.
Thông tin này được công bố trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Đà Lạt, mở ra một chương mới trong hành trình bảo tồn loài trà đặc hữu bản địa Đắk Lắk.
Đến nay, anh đã di thực thành công khoảng 3.000 gốc trà hoa vàng về trồng trên diện tích 2ha, với tổng chi phí lên đến 600-700 triệu đồng để bảo tồn và phục vụ chế biến. Từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, anh thu hoạch lá trà hoa vàng để chế biến thành trà túi lọc, góp phần làm phong phú thêm giá trị của loại trà quý này trong đời sống cộng đồng.
Theo anh Quỳnh, để làm ra sản phẩm trà túi lọc từ cây trà hoa vàng, anh phải trải qua 11 công đoạn. Trong đó, quá trình hái lá trà hoa vàng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận để tránh việc gãy cành. Mỗi lá trà phải được lựa chọn kỹ càng, chỉ hái những lá già từ các cây lâu năm. Sau khi hái, lá trà được rửa sạch, xử lý bằng nước muối và để ráo.
Tiếp theo, lá được ủ lên men, phơi khô trong bóng mát, cắt lát, rồi xao lên trước khi ủ tiếp. Trong quá trình chế biến, việc xử lý nấm mốc cũng rất quan trọng. Sau đó, lá trà được xao lại, nghiền nhuyễn và đóng gói thành phẩm.
Cuối năm 2023, sản phẩm Trà Quỳnh - một loại trà túi lọc làm từ 100% trà hoa vàng của anh Quỳnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Anh cho biết, hàng năm anh bán ra thị trường từ vài chục kilôgam đến 1 tạ trà túi lọc làm từ trà hoa vàng, bán với giá khoảng 2 triệu đồng/kg.
Theo anh Quỳnh, cây trà hoa vàng có thể trồng xen canh với các loại cây khác, tạo ra một hệ sinh thái đa dạng, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, người dân vẫn chưa chú trọng đến loại trà quý này, dẫn đến nguồn nguyên liệu để chế biến trà túi lọc từ cây trà hoa vàng còn hạn chế.
Anh Quỳnh còn nhấn mạnh rằng, nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra trong lá và hoa của trà hoa vàng chứa hơn 30% hoạt chất có khả năng ức chế và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, để khai thác được những thành phần quý giá này, cần có máy móc và thiết bị hiện đại để tách chiết các hoạt chất.
Do đó, anh mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để chế biến sâu nhiều sản phẩm từ trà hoa vàng nhằm phục vụ cộng đồng, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn, cho hay tại địa phương, chỉ mới có một mình anh Quỳnh bảo tồn cây trà hoa vàng. Sản phẩm trà túi lọc làm từ trà hoa vàng cũng là sản phẩm OCOP duy nhất của địa phương đến thời điểm hiện nay.