Dân Việt

Việt Nam sử dụng kinh nghiệm Na Uy để phát triển nuôi biển bền vững, hướng tới kết quả mới

Tường Thụy 28/11/2024 15:34 GMT+7
Việt Nam đã hợp tác thật sự hiệu quả với Na Uy trong việc phát triển ngành nuôi biển bền vững từ những cách làm truyền thống thông qua một dự án hợp tác đào tạo kỹ năng cho nhân lực trong ngành, theo đánh giá từ Đại sứ quán Na Uy.

Thuật ngữ "nuôi biển" được hiểu là nuôi trồng thủy sản trên biển. Trên phạm vi toàn thế giới, Na Uy là một nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu. Đó là lý do Việt Nam hợp tác chặt chẽ với nước Bắc Âu này. Cả Việt Nam và Na Uy cùng quan tâm tới phát triển bền vững nghề cá và ngành thủy sản trong bối cảnh các thách thức toàn cầu đang gia tăng, đặc biệt là biến đổi khí hậu.

Năm 2019, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh khu vực TP.HCM (VCCI-HCM) đã phối hợp cùng Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi biển từ Chi cục Thủy sản các tỉnh, giảng viên chuyên ngành nuôi trồng thuỷ sản, quản lý cấp cao của các doanh nghiệp cùng với sự hướng dẫn về phương pháp của chuyên gia đến từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để xây dựng "Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề" và "Chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề Nuôi biển công nghiệp".

Việt Nam sử dụng kinh nghiệm Na Uy để phát triển nuôi biển bền vững, hướng tới kết quả mới- Ảnh 1.

(Từ trái qua) Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken và Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành tại Lễ Tổng kết chương trình Phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam 2019 – 2024 ở TP.HCM ngày 28/11. Ảnh: Tường Thụy

"Dự án hợp tác này đã tận dụng được những kinh nghiệm từ ngành nuôi biển của Na Uy và điều chỉnh phù hợp với Việt Nam nhờ sự hỗ trợ từ các chuyên gia thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Thủy sản, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực", bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, nhấn mạnh tại Lễ Tổng kết chương trình Phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam (2019 – 2024).

VCCI-HCM cùng Đại sứ quán Na Uy tổ chức buổi lễ tại TP.HCM ngày 28/11 để tổng kết các kết quả của dự án. Đồng thời, "Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề" và "Chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề Nuôi biển công nghiệp" được chuyển giao cho Chi cục Thủy sản các tỉnh.

Việt Nam sử dụng kinh nghiệm Na Uy để phát triển nuôi biển bền vững, hướng tới kết quả mới- Ảnh 2.

Chuyển giao "Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề" và "Chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề Nuôi biển công nghiệp" tại Lễ Tổng kết ngày 28/11 ở TP.HCM. Ảnh: Tường Thụy

Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề, Chương trình đào tạo và Bộ tài liệu gồm 7 nội dung trọng tâm được biên soạn kỹ lưỡng, bám sát thực tế tại các trang trại nuôi biển công nghiệp, đồng thời tích hợp những kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt từ Na Uy.

Không chỉ giới hạn ở việc cung cấp kiến thức lý thuyết, chương trình còn đặt trọng tâm vào thực hành. Bốn học phần chính như là: Thiết lập cơ sở nuôi biển, Kỹ thuật vận hành cơ sở nuôi cá trên biển; Kỹ thuật nuôi và thu hoạch cá trên biển; Bảo trì, đánh giá cơ sở nuôi cá biển công nghiệp.

Đại sứ Na Uy Solbakken cho biết Liên đoàn Giới chủ Na Uy và Liên VCCI đã hợp tác chặt chẽ từ năm 2004. Bà đánh giá: "Chương trình đào tạo cho lĩnh vực nuôi biển và nuôi trồng thủy sản từ 2019 là một kết quả rất thiết thực và kịp thời của sự hợp tác này, hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên chiến lược của cả Na Uy và Việt Nam. Việc chia sẻ tri thức giữa hai nước không chỉ tạo ra kết quả tốt hơn mà còn củng cố mối quan hệ giữa hai bên".

Bà Đại sứ Na Uy cho biết tổng kết giai đoạn 5 năm qua của dự án không phải là đoạn cuối của hợp tác mà lại mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới hơn dựa trên các kinh nghiệm và tri thức nuôi trồng hải sản từ Na Uy. Cũng theo phía Đại sứ quán Na Uy, Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và có trách nhiệm.

Việt Nam sử dụng kinh nghiệm Na Uy để phát triển nuôi biển bền vững, hướng tới kết quả mới- Ảnh 4.

Đại biểu tại buổi tổng kết tìm hiểu các tài liệu về nuôi biển bền vững từ dự án hợp tác đào tạo với Na Uy. Ảnh: Tường Thụy

Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: "Cục Thủy sản đánh giá rất cao "Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề" và "Chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề nuôi biển công nghiệp" cùng với các hoạt động đào tạo, chuyển giao do VCCI chủ trì biên soạn và thực hiện. Trong thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chuẩn hóa Bộ tiêu chuẩn này, hợp tác với các nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực."

Đại diện một học viên từng tham gia khóa học của dự án, anh Nguyễn Thanh Tùng, một người nuôi thủy sản biển tại Kiên Giang, chia sẻ: "Trước đây, tôi chỉ quen với cách nuôi truyền thống bằng bè gỗ, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nhờ khóa học này, tôi đã học được cách vận hành lồng nuôi công nghệ cao, hiểu rõ hơn về kiểm soát dịch bệnh và tối ưu hóa quy trình nuôi. Điều này không chỉ giúp tôi giảm thiểu rủi ro mà còn nâng cao năng suất".

Ông Hoàng Ngọc Bình, đại diện Công ty TNHH Thuỷ sản Australis Việt Nam (doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá chẽm lớn nhất thế giới với sản lượng hàng năm đạt trên 10,000 tấn và đang thực hiện dự án nuôi trồng thuỷ sản thông tin tại khu vực vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) nhấn mạnh: Một trong những điều cần thiết hiện nay là phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng thực hành tốt trình độ chuyên môn cao để có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường thủy sản thế giới.

Ông Bình chia sẻ: "Hy vọng chương trình hợp tác đào tạo này sẽ được đem đến nhiều người hơn nữa, từ những người mới bước vào ngành đến những người đã có kinh nghiệm cần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, góp phần cho việc nâng cao giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, cho cộng đồng cư dân tại các nơi nuôi trồng thủy hải sản, tức có ngành nuôi biển".