Nuôi biển ở Việt Nam như mỏ vàng, nhưng để khai thác, vì sao chúng ta phải nhìn thẳng sự thật?
Nuôi biển ở Việt Nam như "mỏ vàng", nhưng để "khai thác", vì sao "chúng ta phải nhìn thẳng sự thật"?
Minh Ngọc
Thứ bảy, ngày 06/04/2024 10:00 AM (GMT+7)
“Nuôi biển là nuôi dưỡng đại dương, nuôi chính con người hôm nay và thế hệ mai sau, từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cấu trúc lại ngành hàng và ngư dân, HTX, doanh nghiệp” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chia sẻ.
Sáng 1/4, tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì.
Ra biển phải đi cùng nhau, đẩy mạnh liên kết
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, không ai tưởng tượng được, chỉ trong hơn 1 năm, Quảng Ninh có thể chuyển đổi hơn 1 triệu chiếc phao xốp trên biển thành phao nhựa thân thiện với môi trường. Hai năm, Quảng Ninh có 125 HTX nuôi trồng thủy sản được thành lập mới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước khi làm gì thì chúng ta phải hình dung được không gian giá trị, "sứ mệnh của việc mình làm". Nếu nuôi biển chỉ nói về nuôi cá, nuôi tôm, nuôi mực… thì không phải. Nuôi biển là nuôi hệ sinh thái biển, nuôi giá trị biển, kể cả giá trị hữu hình và vô hình từ biển.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết, nuôi biển nằm trong tổng thể 3 trụ cột phát triển kinh tế thủy sản, đó là: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển…, nó vừa là kinh tế độc lập, tạo ra sự hài hòa trong kinh tế biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
"Hôm qua tôi gặp nhiều doanh nghiệp, mặc dù phải mất 6 năm mới được cấp phép nuôi biển nhưng họ rất quyết tâm mặc dù gặp nhiều khó khăn để nuôi biển. Mỗi người trong hệ thống nuôi biển, hệ sinh thái có bền vững hay không là do những người tham gia vào hệ sinh thái đó. Nếu bỏ qua vai trò của người dân, cộng đồng thì chúng ta sẽ thất bại" - ông Hoan nói.
"Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn về nuôi biển; phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy nuôi biển đa loài hơn. Nếu như trước đây nuôi biển với hạn hẹp với chỉ con tôm, cá, mực… giá trị ở tầng thấp thì giờ đây có rong tảo biển, san hô, sá sùng… ở tầng cao hơn. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, khoa học công nghệ về nuôi trồng và nuôi biển công nghệ cao kèm theo chế biến sâu".
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn STP đề xuất tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch đối với sản phẩm rong sụn để nuôi biển theo hướng đa giá trị. Thứ hai, có sự phối hợp giữa doanh nghiệp với các HTX.
"7 năm qua, STP đi tìm kiếm sự phối hợp, liên kết với các HTX nhưng chưa tìm được tiếng nói chung, đó là một hành trình dài, vất vả" - bà Hải Bình nói.
Còn Giám đốc HTX nuôi trai Đảo Ngọc (Quảng Ninh) - chị Ngô Thị Vui cho rằng, người nuôi biển cũng thấm thía và hiểu được rằng, "đi ra biển phải đi cùng nhau, đoàn kết, liên kết, không có cạnh tranh dưới mặt nước thì trên bờ mới bán được sản phẩm".
Chị Vui mong muốn có quy hoạch riêng vùng nước cho con trai lấy ngọc bởi đây là giống nuôi nên cần có môi trường biển an toàn, trong sạch không giống như các con khác bởi nó kén nước.
Gửi kiến nghị đến Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, ông Trần Văn Bảo - Giám đốc HTX thủy sản Thắng Lợi (huyện Vân Đồn) cho biết, một quá trình dài những người nuôi biển ở Quảng Ninh mong mỏi có cơ chế, chính sách được nhà nước cấp phép, giao mặt nước ổn định để yên tâm đầu tư sản xuất.
Đến nay, mong mỏi này đang thành hiện thực. Tuy nhiên, đặc thù của vùng biển tại Vân Đồn, các hòn đảo trên vịnh Bái Tử Long liên kết với nhau tạo thành các vũng, vịnh kín gió, đồng thời cũng kín luôn sóng điện thoại.
"Người nuôi biển đặt lồng bè ngoài khơi không có sóng điện thoại để liên lạc nên rất khó khăn trong việc đi tìm người mua, tìm tàu thu mua cá. Vân Đồn cũng chưa có cảng cá để tiêu thụ sản phẩm" - ông Bảo nói.
Từ đây, ông Bảo mong muốn có một cảng cá có đủ tiêu chuẩn để bà con sản xuất ra có nơi mua bán, tiêu thụ bền vững.
"Hạ tầng nuôi biển cần có nguồn điện. Các HTX mong được địa phương có cơ chế chính sách bởi khi được giao mặt nước ổn định, lâu dài, nghĩa là người dân có "đất" để canh tác nên bà con sẵn sàng góp tiền để xây dựng đường điện, từ đó có nguồn năng lượng để sản xuất. Hiện tại, người nuôi vẫn chạy máy phát điện, chi phí rất lớn và không đáp ứng được yêu cầu nuôi trồng quy mô lớn, gây ô nhiễm môi trường do dầu thải xả ra" - ông Bảo chia sẻ.
Giải đáp các kiến nghị của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Cao Tường Huy cho biết, tỉnh luôn có những chỉ đạo sát sao và xác định ngành thủy sản là trụ cột kinh tế số 1 của địa phương. Tỉnh đã có kế hoạch, chiến lược để phát triển ngành hàng thủy sản đồng bộ ở các khâu. "Quảng Ninh có dư địa nuôi biển, có tiềm năng nuôi biển, nếu không có chiến lược bền vững thì sẽ có lỗi với tương lai" - ông nói.
"Về kiến nghị của người dân về vùng lõm sóng điện thoại, tôi sẽ có sẽ có ý kiến ngay với các nhà mạng để triển khai lắp đặt. Đối với cảng cá, tỉnh đã có chủ trương xây dựng đảm bảo theo các tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ. Đối với hệ thống điện, chúng ta sẽ linh hoạt trong việc khai thác các tài nguyên như điện năng lượng mặt trời..." - ông Huy cho biết.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sau hội nghị này, Bộ NNPTNT sẽ nhanh chóng tổng hợp tất cả những khó khăn, vướng mắc đang làm chậm mục tiêu phát triển nuôi biển để cùng với các bộ, ngành kiến nghị Chính phủ.
"Tôi đọc tất cả các bài báo những ngày gần đây, từ cộng đồng, doanh nghiệp, người dân, địa phương đều có nhiều kiến nghị, gửi gắm. Chúng ta không khuyến khích bà con nuôi biển trong khi còn quá nhiều hàng rào trên biển. Chúng ta phải nhìn thẳng sự thật là còn nhiều vấn đề" - Bộ trưởng Hoan nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.