Dân Việt

Những nhiệm vụ "nóng" đón chờ tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Vũ Khoa 30/11/2024 06:30 GMT+7
Ngay sau khi tiếp nhận "ghế nóng", Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ phải lập tức triển khai một số nhiệm vụ cần có kết quả đánh giá ngay trong năm tới.

Ngày 28/11, Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng giữ chức Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026 với 100% đại biểu có mặt tán thành. Hai năm qua, ông Thắng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Trở thành người đứng đầu của Bộ Tài chính - cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm quản lý nhà nước về các lĩnh vực tài chính, ngân sách, hải quan, thuế, phí, nợ công, tài chính doanh nghiệp, tài sản công, kiểm toán độc lập, chứng khoán và bảo hiểm... Trách nhiệm người đứng đầu của tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng sẽ là rất nặng nề. Trong đó có một số nhiệm vụ cấp bách cần người đứng đầu Bộ Tài chính thực hiện ngay khi tiếp nhận vị trí.

Những nhiệm vụ "nóng" đón chờ tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng- Ảnh 1.

Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VGP

Vừa tinh giản, vừa xây dựng chính sách tài khoá bền vững

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu việc hiện tiền lương, chi thường xuyên đang chiếm gần 70% chi ngân sách. Theo Tổng Bí thư, nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Tổng Bí thư đề cao sự cần thiết của việc tinh giản bộ máy để cơ cấu hiệu quả nguồn ngân sách.

Trước đó, vào chiều tối 28/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao quyết định bổ nhiệm và giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phải thực hiện Nghị quyết 18 về tinh giản biên chế, bộ máy.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu tại Hội nghị công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 26/11 tại Cần Thơ, hiện cả nước có khoảng 2,5 triệu người hưởng lương ngân sách nhà nước. Chính phủ rất trăn trở khi hơn 70% ngân sách chi để sử dụng nuôi bộ máy. Chủ trương tinh gọn bộ máy thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn và cảm hứng này phải được truyền đi từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, địa phương đến các thành phần xã hội, người dân.

Như vậy, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực tài chính, ngân sách, Bộ Tài chính cần xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính nhằm tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết số 27. Đồng thời hình thành một cơ cấu ngân sách hợp lý nhằm giảm áp lực bội chi ngân sách, và đảm bảo bền vững tài khóa. Cũng như hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về tự chủ tài chính đối với các cơ quan hành chính.

Hiện tại, Bộ đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó quy định cụ thể về tạo nguồn thực hiện chính sách tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp năm 2025. Theo dự kiến, Thông tư này sẽ có hiệu lực trong tháng 12/2024 và áp dụng đối với năm ngân sách 2025. 

"Giải cứu" Bảo hiểm nông nghiệp

Phát biểu giải trình cuối phiên thảo luận về Tình hình kinh tế xã hội năm 2024 và dự báo năm 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã chia sẻ câu chuyện liên quan của ngành nông nghiệp về bài học kinh nghiệm sau khi đối phó với siêu bão Yagi tàn phá đến 30% diện tích lãnh thổ. Trong đó, Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh, sau cơn bão Yagi, Bộ đã lập tức bắt tay vào cuộc thiết kế lại dự thảo, trình Bộ Tài chính để sửa đổi Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp.

Vai trò của bảo hiểm nông nghiệp đã được khẳng định tại nhiều quốc gia. Việt Nam cũng dần nhận thức được tầm quan trọng này, đặc biệt là khi có thiên tai, thảm họa xảy ra như bão số 3 vừa qua, khu vực tam nông hứng chịu tổn thất nặng nề mà không nhận được sự phân tán, chia sẻ từ bảo hiểm rủi ro.

Số liệu báo cáo từ Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã chỉ ra rằng, đối với bảo hiểm nông nghiệp tự nguyện không hỗ trợ phí từ ngân sách, hiện có 19/32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đủ điều kiện được cấp phép triển khai nghiệp vụ này. Năm 2023, doanh thu từ bảo hiểm nông nghiệp đạt con số khiêm tốn 42,6 tỷ đồng, chiếm 0,06% tổng doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ.

Bộ Tài chính, cơ quan đóng vai trò quan trọng xây dựng các chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm. Ngày 27/02/2023, Chính phủ có Nghị quyết số 26/NQ-CP, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài chính được giao là cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, trình Chính phủ trong năm 2025.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm đã thông tin tới Dân Việt. Theo quy định tại Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp sẽ được triển khai áp dụng đến hết 31/12/2025.

Như vậy, trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian qua, ngay trong năm tới, Bộ Tài chính sẽ phải có phương án thực sự phù hợp với thực tiễn để sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2018/NĐ-CP, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm cũng như tạo lối đi đủ lớn để thay đổi bộ mặt đã tồn tại suốt chục năm ròng rã đối với Bảo hiểm nông nghiệp.

Những nhiệm vụ "nóng" đón chờ tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng- Ảnh 2.

Bảo hiểm nông nghiệp cần được "giải cứu".

Tận dụng dư địa trái phiếu xanh nhằm theo đuổi NetZero

Phát triển thị trường trái phiếu xanh là một trong các nhiệm vụ đặt ra tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017. Theo đó, khung pháp lý cho phát hành TPCP xanh, TPCQĐP xanh và TPDN xanh đã được quy định tại cấp Luật và Nghị định.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Cụ thể, ngày 20/10/2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương; ngày 17/11/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2021/TT-BTC hướng dẫn chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ của trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán…

Như vậy, tài chính xanh đang dần trở thành công cụ không thể thiếu để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển bền vững, hướng mục tiêu NetZero. Song thực tế, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong tiếp cận các kênh tín dụng trong đó có trái phiếu xanh.

Thống kê giai đoạn 2016 – 2020 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, Việt Nam có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh với tổng giá trị 284 triệu đô la. Đến giai đoạn 2019-2023, giá trị trái phiếu xanh được nâng thành 1,16 tỷ đô la; và 1,4 tỷ đô la tính đến tháng 6/2024.

Theo Ngân hàng Thế giới, để đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần 368 - 380 tỷ đô la (tương đương 6,8% GDP mỗi năm) từ nay đến năm 2040.

Còn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặc dù tín dụng xanh tăng trưởng bình quân khoảng 22%/năm từ năm 2017 đến nay, nhưng tính đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng xanh mới đạt 620.984 tỷ đồng, chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, còn cách khá xa mục tiêu 10% vào cuối năm 2025.

Thực trạng này cho thấy thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng. Với trách nhiệm là cơ quan hướng dẫn, tiếp nhận báo cáo danh mục dự án sử dụng nguồn vốn xanh từ các địa phương, Bộ Tài chính cần phải là cơ quan đầu mối để đẩy mạnh ưu thế, cũng như hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc để tận dụng dư địa nhằm tiến gần mục tiêu đã đề ra ngay trong năm sau.

Kiểm soát doanh nghiệp "ma" thao túng thị trường trái phiếu

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh cung ứng vốn trung dài hạn hiệu quả cho các doanh nghiệp. Do đó, cần tiếp tục phát triển thị trường TPDN theo hướng ổn định, lành mạnh theo đúng chủ trương của Nhà nước về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng.

Theo báo cáo của VBMA,sự tăng trưởng mạnh của thị trường TPDN Việt Nam chủ yếu đến từ trái phiếu của các doanh nghiệp không thuộc sở hữu của Nhà nước. Đây là một nhân tố tiền ẩn rủi ro cho các nhà đầu tư đối với kênh TPDN.

Về sản phẩm, hàng hóa, trên thị trường TPDN có các sản phẩm từ 1 năm đến trên 15 năm. Trong đó, kỳ hạn phát hành phổ biến là 2 năm, 3 năm, 5 năm. Về lãi suất phát hành, hầu hết các doanh nghiệp xác định lãi suất theo phương thức thả nổi căn cứ vào lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các NHTM cộng thêm biên độ từ 2% – 4%/năm.

Về các doanh nghiệp phát hành: Trong giai đoạn 2016-2022, NHTM là nhà phát hành lớn nhất trên thị trường TPDN (theo cả hai phương thức phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng).

Tính riêng trong năm 2023, tỷ lệ phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường TPDN, chiếm lần lượt 58.3% và 22.5% tổng giá trị phát hành. Các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất chỉ chiếm lần lượt 8% và 1.4%.

Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng một số công ty phát hành trái phiếu là công ty con trong "hệ sinh thái" của các tập đoàn bất động sản, hoặc doanh nghiệp "ma" với thời gian hoạt động chưa lâu và chưa có dòng tiền ổn định từ hoạt động kinh doanh.. khiến vấn đề tình hình tài chính, chất lượng tài sản, khả năng tạo dòng tiền, mục đích sử dụng vốn.. trở thành những rủi ro đáng lưu ý. Thống kê của VAMA giá trị trái phiếu không có tài sản đảm bảo trong năm 2023 lên tới 67%.

Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ thị trường hoạt động khá tự do, công tác quản lý chưa chặt chẽ khiến các doanh nghiệp hành động hoàn toàn theo hướng tối ưu lợi ích cho bản thân, dẫn đến hệ thống xuất hiện xu hướng thao túng, lừa đảo.

Do đó, Bộ Tài chính phải phản ứng quyết liệt và tức thì để đưa thị trường về trạng thái ổn định. Hoặc có giải pháp đặc biệt trong trường hợp đặc biệt. Trong đó, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thực tế của doanh nghiệp thông qua công cụ thuế để kịp thời phát đi cảnh báo nếu doanh nghiệp có dấu hiệu "bỏ trốn", hạn chế tình trạng tới khi trái chủ khiếu nại mới vào cuộc.

Mục đích nhằm đảm bảo tính tuân thủ pháp luật trên thị trường TPDN và cần thực hiện ngay, để không xảy ra tê liệt từ nguyên nhân khách quan, dẫn đến sự gián đoạn của thị trường. Bời nếu sự gián đoạn này đủ lâu, việc khôi phục lại sẽ rất khó khăn.