"Dấu ấn" nhiệm kỳ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng hiện thực hoá sứ mệnh của Bộ GTVT
"Dấu ấn" nhiệm kỳ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng hiện thực hoá sứ mệnh của Bộ GTVT
Thế Anh
Thứ sáu, ngày 29/11/2024 14:15 PM (GMT+7)
Dù còn nhiều lời hứa đang "nợ" người dân, với "núi" công việc cần hoàn thiện để đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong nhiệm kỳ của mình trên cương vị Tư lệnh ngành GTVT, ông Nguyễn Văn Thắng đã có những dấu ấn không nhỏ trong quá trình hoàn thành sứ mệnh của Bộ GTVT.
Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, "hiện đại hoá đất nước"
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trong quá trình làm việc tại Bộ Giao thông vận tải, ông Thắng đã để lại nhiều kết quả đáng khích lệ, tao ra "dấu ấn" đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngược dòng thời gian, vào ngày 21/10/2022, Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, thay cho ông Nguyễn Văn Thể (khi đó, ông Thể đang là đương kim Tư lệnh ngành GTVT).
Thời điểm đó, khi ông Nguyễn Văn Thắng ngồi vào "ghế nóng" Tư lệnh ngành GTVT cũng là thời điểm ngành giao thông đang có nhiều nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra.
Để làm tốt nhiệm vụ với tầm nhìn và sứ mệnh của Bộ GTVT đang "gánh vác" đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tư lệnh ngành GTVT đã triển khai chủ trương thành hành động, "dám nghĩ, dám làm" hơn là đặt sự thận trọng, an toàn lên trên hết.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Thắng được người dân đặt kỳ vọng vào ông với kinh nghiệm từng tham gia hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực ngân hàng đến điều hành chính quyền ở tỉnh Quảng Ninh, rồi tham gia lãnh đạo Đảng ở tỉnh Điện Biên sẽ "thổi một luồng gió mới" điều hành hiệu quả, đưa ngành giao thông thực sự có bước phát triển đột phá.
Trong những năm qua, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng đặc biệt quan tâm chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực đầu tư, trong đó có dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, sân bay quốc tế Long Thành. Tiếp đó, là dự án đường sắt tốc độ cao đang được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Dưới chỉ lãnh đạo, chỉ đạo của ông Thắng với sự quyết tâm của cả hệ thống ngành GTVT đã đem lại thành quả là diện mạo giao thông đang từng bước thay đổi, đã làm thay đổi nhiều địa phương, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, "hiện đại hoá đất nước".
Còn nhớ ngày đầu nhận chức Bộ trưởng GTVT, ông Thắng chia sẻ tới báo chí, quyết tâm hoàn thành tốt các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm người đứng đầu sẵn sàng bắt tay vào công việc cụ thể.
Đúng với tinh thần trách nhiệm của mình, tiếp nối các công việc từ người tiền nhiệm của mình để lại, ông Thắng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, tư duy đổi mới cách làm với mục tiêu "Giao thông đi trước mở đường", "ở đâu khó ở đó có giao thông" đã đưa nhiều dự án giao thông về đích tạo nên đột phá trong những năm qua.
Cần phải kể đến là nhiệm vụ hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Trong năm 2022, là năm đầu tiên ông Thắng ngồi ghế Tư lệnh ngành GTVT, Bộ GTVT đã rốt ráo phối hợp, làm ngày làm đêm đạt được nhiều kết quả nổi bật, hoàn thành cả "núi" công việc: Trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia; Đảm bảo điều kiện khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với tỷ lệ GPMB được bàn giao đạt tới 70% chỉ trong 1 năm (thay vì mất 3 - 4 năm so với các dự án trước).
Ngoài các dự án khởi công mới, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã cơ bản đưa vào thông xe kỹ thuật đúng kế hoạch.
Đặc biệt, để triển khai được các dự án, năm 2022, Bộ GTVT đã cùng các Bộ, ngành, địa phương huy động được "tiền tươi thóc thật" từ 5 nguồn vốn quan trọng: Vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, vốn từ tăng thu giảm chi, vốn ngân sách địa phương và vốn ngoài ngân sách.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao ngành GTVT: "Nếu nhiệm kỳ trước, các nguồn vốn được huy động cho hạ tầng giao thông chỉ đạt 136.000 tỷ đồng thì nhiệm kỳ này, con số huy động được là gần 500.000 tỷ đồng".
Ấn tượng với kết quả xây dựng quy hoạch chuyên ngành của Bộ GTVT, khi đó, Thủ tướng cho rằng, Bộ GTVT là một trong những Bộ có nhiều quy hoạch chuyên ngành nhưng các quy hoạch được hoàn thành rất sớm, 4/5 quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt. Đây là điều ít Bộ, ngành nào làm được.
Hoàn thành nhiều dự án trọng điểm quốc gia
Trong nhiệm kỳ của mình, dấu ấn của ông Thắng được thể hiện rõ hơn khi hàng loạt 11 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 hoàn thành đi vào khai thác nối liên thông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên 2.021 km, tạo nên hình hài tuyến cao tốc "xương sống" của đất nước.
Cùng đó, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển ngành GTVT đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia trong cùng một ngày (ngày 1/1/2023).
Cụ thể, 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 - 2025) dài 729 km, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km) được áp dụng hình thức chỉ định thầu được triển khai thi công, đến nay, có 7 dự án dự kiến sẽ hoàn thành giữa năm sau, số còn lại được đẩy tiến độ để phấn đấu thông xe cuối năm 2025.
Cùng với dự án cao tốc Bắc - Nam, các dự án sân bay Long Thành, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đã được chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Bộ GTVT đáp ứng tiến độ đề ra.
Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành, kể từ khởi công ngày 5/1/2021, đến nay sau hơn 1.400 ngày triển khai xây dựng dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 gồm 4 dự án thành phần đã đạt và vượt tiến độ.
Cùng đó, Ngành GTVT triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng nhiều sân bay hiện hữu như: Xây dựng nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Phú Bài (Huế),... sân bay Nội Bài.
Đáng chú ý, năm 2023, Bộ GTVT xác lập kỷ lục về giải ngân vốn đầu tư công khi được giao 114.000 tỷ đồng.
Trong đó, số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao vượt rất nhiều so với kế hoạch xây dựng của Bộ GTVT (khoảng 71 nghìn tỷ đồng), lớn nhất từ trước tới nay và gấp 1,7 lần năm 2022; gấp 2,2 lần năm 2021, với khoảng 94.161 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT được giao nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hơn 19,9 nghìn tỷ đồng để phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực.
Đến cuối nhiệm kỳ của mình tại Bộ GTVT, ông Thắng đã hoàn thành các bước nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Đây là dự án được ấp ủ trong nhiều nhiệm kỳ trôi qua, Bộ GTVT đã mất tới 18 năm nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Thực tế, năm 2011, Bộ GTVT đã trình cấp có thẩm quyền, nhưng tại thời điểm ấy có một số băn khoăn.
Những vướng mắc lớn nhất khiến dự án đường sắt tốc độ cao trầy trật nhiều năm nay chưa được thông qua là lựa chọn tốc độ, quy mô vốn đầu tư và phương án huy động vốn, áp lực lên ngân sách ra sao...
Đến nay, đã được ông Thắng thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày giải đáp các thắc mắc của Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội ngày 20/11 vừa qua về chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam...
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã tập trung được nguồn lực nâng cấp, cải tạo hạ tầng đường sắt quốc gia hiện hữu. Ngoài ra, còn có nhiều chính sách của ngành GTVT được sửa đổi đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển ngành GTVT...
Ông Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1973, quê Hà Nội, trình độ Tiến sĩ Tài chính lý thuyết tiền tệ. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, đại biểu Quốc hội khóa 14, 15.
Quá trình công tác: Ông Thắng từng kinh qua nhiều vị trí công tác tại ngành ngân hàng, trong đó có vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đoạn 2011 - 2014.
Đến tháng 7/2018, Bộ Chính trị đã luân chuyển, chỉ định ông Thắng tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Sau đó, ông giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Đến tháng 10/2020, Bộ Chính trị chỉ định ông Thắng tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên và được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên trong 2 năm.
Tháng 10/2022, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm ông giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Ngày 28/11/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính đối với ông Nguyễn Văn Thắng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.