Tối 29/11, triển lãm tranh chủ đề "Khoảnh khắc mùa thu" đã khai trương tại Painting Castle (TP.HCM) do ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh tổ chức, nhằm tôn vinh nghệ thuật hội họa Việt Nam. Triển lãm trưng bày hàng loạt tác phẩm quý của các danh họa: Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu, Đỗ Xuân Doãn và họa sĩ Lê Võ Tuân.
Ông Phan Minh Thông thường được độc giả, giới doanh nhân biết đến với biệt danh "vua tiêu" - một trong những nhà xuất khẩu hạt tiêu, cà phê hàng đầu Việt Nam. Ông Thông cũng đã nhiều lần chia sẻ với báo chí về niềm say mê sưu tập tranh Việt Nam, nhưng bất cứ ai đến thăm phòng tranh của ông cũng không khỏi bất ngờ, choáng ngợp trước những bộ sưu tập tranh đồ sộ và có giá trị đặc biệt.
Chia sẻ tại buổi triển lãm, ông Thông cho biết, việc tổ chức triển lãm này không chỉ thể hiện niềm đam mê, tâm huyết của một nhà sưu tập mà ông còn mong muốn đưa hội hoạ đến gần hơn với công chúng, với những người yêu tranh. Triển lãm lần này mang ý nghĩa đặc biệt, phản ánh những dấu mốc quan trọng của năm 2024, một năm đầy biến đổi và hy vọng, với 5 điểm nhấn.
Đó là những khoảnh khắc của sự thay đổi toàn cầu: Năm 2024 được ghi nhận là năm thế giới đứng trước cơ hội hiếm hoi để chấm dứt chiến tranh, mở ra một chương mới của hòa bình và phát triển bền vững.
Khoảnh khắc thành công của ngành nông nghiệp: Năm 2024 cũng là năm giá cà phê Việt Nam vươn lên đỉnh cao trên thị trường quốc tế, khẳng định giá trị và tiềm năng của nông sản nước ta. Những biến động của thị trường cà phê năm 2024 cũng giống như những nét vẽ đầy màu sắc trên canvas.
Khoảnh khắc của mô hình ESG trong nông nghiệp: Mô hình phát triển bền vững dựa trên ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) không chỉ được lan tỏa mạnh mẽ mà còn trở thành thực tế sống động trong ngành nông nghiệp Việt Nam, tạo ra những tác động tích cực cho cả nông dân và người tiêu dùng.
Khoảnh khắc nông nghiệp lên ngôi: Ngành nông nghiệp được chú trọng đúng với tầm quan trọng và phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, cấp thiết mang tính toàn cầu lan tỏa khắp thế giới.
Khoảnh khắc nghệ thuật: Đặc biệt, triển lãm là dịp hiếm hoi quy tụ các tác phẩm tranh của ba cố họa sĩ có tầm ảnh hưởng đối với nền mỹ thuật Việt Nam là Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu, Đỗ Xuân Doãn. Bên cạnh đó, triển lãm còn có sự hiện diện của họa sĩ Lê Võ Tuân. Đây là cơ hội để nhà sưu tập cũng như những người làm hội hoạ chia sẻ các giá trị mỹ thuật đến công chúng, bạn bè, đối tác và khách hàng, những người yêu mến nghệ thuật và trân trọng cái đẹp.
Về lí do chọn tranh của các danh hoạ để trưng bày, ông Phan Minh Thông cho biết, điều này không chỉ xuất phát từ tình yêu nghệ thuật mà còn là từ sự trân trọng cá nhân của nhà sưu tập dành cho các danh họa, họa sĩ. Mỗi người mang một phong cách, một ngôn ngữ biểu đạt riêng, nhưng đều thể hiện vẻ đẹp đỉnh cao của Hội họa Việt Nam.
Trong đó, danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm là biểu tượng của sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, gắn liền với những giá trị văn hóa dân tộc. Danh hoạ Trần Lưu Hậu là một bậc thầy về sắc màu và cảm xúc, mỗi tác phẩm là một chuyến hành trình thị giác đầy xúc cảm. Danh hoạ Đỗ Xuân Doãn là người kể chuyện bằng nét cọ tinh tế và ngôn ngữ hội họa giàu chất thơ; bố cục độc đáo và phong cách thoải mái, thường gắn kết vẻ đẹpcủa thiên nhiên và con người.
Trong khi đó, hoạ sĩ Lê Võ Tuân đại diện cho sức trẻ, sáng tạo với góc nhìn mới mẻ về các vấn đề đương đại. Tất cả các yếu tố này kết hợp để tạo nên một triển lãm "Khoảnh khắc mùa thu" không chỉ đậm chất nghệ thuật mà còn là lời nhắn gửi về sự trân trọng và nâng niu giá trị văn hoá Việt Nam.
Hành trình nhiều thử thách của "vua tiêu" Phan Minh Thông trong thế giới hội họa
Là một doanh nhân thành công trong xuất khẩu nông sản vươn tầm thế giới, được mệnh danh là "vua tiêu", nhưng với hội họa ông Phan Minh Thông lại xuất hiện với vai trò của một nhà sưu tập đầy đam mê. Từ những ngày đầu tiên bước vào thế giới mỹ thuật, ông nhận ra rằng việc chơi tranh không chỉ đơn thuần là mua sắm mà còn là hành trình khám phá giá trị văn hóa, giáo dục thẩm mỹ và kết nối cảm xúc.
"Chơi tranh là một nghệ thuật. Đó không phải chỉ đơn giản mua tranh về để tô điểm cho ngôi nhà hay văn phòng, mà còn thể hiện cá tính, tâm hồn và tri thức của người sở hữu", ông Thông cho biết.
Trong vai trò nhà tổ chức triển lãm và người sưu tập, ông Thông cũng thử sức với việc bán tranh, một lĩnh vực mà ông gọi là "khắc nghiệt và tinh tế". Theo ông, bán tranh đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa, nghệ thuật và cả khả năng giao tiếp tinh tế để truyền tải được giá trị của mỗi bức tranh đến người mua.
"Bán tranh không đơn giản như bán hàng tiêu dùng cao cấp, nó đòi hỏi người bán phải làm cầu nối giữa giá trị nghệ thuật và cảm xúc của khách hàng", ông Thông chia sẻ.
Có mặt tại triển lãm, nữ đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, chủ phòng tranh Lotus Gallery (TP.HCM) chia sẻ: Những năm 1965 về trước, nói chuyện người Việt Nam mua tranh thì không khác gì nói người Việt Nam đến khung tranh không mua được. Ăn không đủ, mặc không đủ, nói gì mua tranh? Mua tranh để làm gì khi mà tiền nuôi con ăn học còn không có? Đặc biệt, trong thời gian ở Pháp 2 năm, điều mà bà Phượng nhận thấy ở rất nhiều khách nước ngoài khi nói về Việt Nam, đó là một sự thương hại về đất nước Việt Nam nghèo đói, thiếu ăn sau chiến tranh.
"Sự thương hại đó đã thôi thúc tôi về nước và quyết định mở một phòng tranh. Tôi không chọn tranh của hoạ sĩ nổi tiếng, dù quen biết nhiều, mà đi tìm hoạ sĩ chưa ai biết, chưa bước ra khỏi đất nước Việt Nam, đó là hoạ sĩ Đỗ Xuân Doãn. Anh Doãn đã để lại cho tôi rất nhiều bộ sưu tập, và tôi đã mang tranh của anh Doãn cũng như rất nhiều hoạ sĩ khác của Việt Nam ra nước ngoài triển lãm. Người nước ngoài khi xem tranh đều không khỏi ngỡ ngàng về một đất nước Việt Nam hoàn toàn khác sau chiến tranh" - bà Phượng kể.
Ông Thông cũng chia sẻ, những quản lý cấp cao của các doanh nghiệp, công ty châu Âu, Mỹ thường sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là tranh. Vì vậy, khi thấy những văn phòng có các bức tranh đẹp, họ sẽ nghĩ rằng văn hóa và tư duy của một doanh nghiệp ở đẳng cấp khác. Lúc đó, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là chuyện làm ăn.
Đặc biệt, tại các phòng làm việc của trụ sở Tập đoàn Phúc Sinh đều treo rất nhiều tranh đẹp, không khác gì một gallery tầm cỡ, thậm chí đã trở thành "bản sắc" văn hoá của Phúc Sinh. Theo đó, phòng trưng bày tranh không chỉ có giá trị về mặt tinh thần mà còn giúp ích cho doanh nghiệp của ông Thông trong công việc kinh doanh.
Trong hơn 1 thập kỷ sưu tầm và giới thiệu tranh Việt Nam, ông Thông nhận ra rằng khó khăn lớn nhất nằm ở nhận thức của nhiều người Việt về hội họa. Thật vui mừng là khi đất nước phát triển hơn thì hội hòa đã dần được quan tâm và chú trọng.
"Tầng lớp các nhà sưu tập hội họa đã nhiều hơn và lớn mạnh từng ngày. Những người quan tâm đến nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng đang làm cho ngành này bắt đầu nở rộ và phát triển. Bằng triển lãm này, chúng tôi muốn chia sẻ các giá trị văn hoá tinh thần đến với bạn bè đối tác và công chúng, những người yêu nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng những khoảnh khắc của cuộc sống" - ông Phan Minh Thông nhận định.
Cùng ý kiến này, đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng cho biết: Hạnh phúc và may mắn là Việt Nam ngày càng có nhiều nhà sưu tập tranh, họ giữ lại cho mình các bộ tranh đẹp và giúp cho người khác tìm tới niềm đam mê tranh. Đó là "kho báu" vô giá để lại cho con cháu, để khách hàng nước ngoài khi đến xem đều thấy rằng Việt Nam đang phát triển rất nhanh sau chiến tranh, song vẫn giữ được những bản sắc, giá trị văn hoá hàng nghìn năm của đất nước.
Theo bà Phượng, việc các doanh nhân thành đạt sở hữu và chia sẻ bộ sưu tập nghệ thuật không chỉ là thước đo văn hóa của một quốc gia, mà còn là cách họ đóng góp vào việc nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng. Triển lãm "Khoảnh khắc mùa thu" của ông Phan Minh Thông chính là minh chứng sống động cho triết lý này.