Những ví dụ sinh động về sự "hi sinh"
Chia sẻ với Dân Việt với chủ đề " Sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy: Cuộc cách mạnh để vươn mình", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải cho biết, ở thời điểm hiện tại cải cách bộ máy thực sự là cuộc cách mạng hết sức cần thiết và đúng lúc.
"Khi cả thế giới đang chuyển động mạnh, đất nước ta cũng đang chuyển động mạnh theo 2 chuyển đổi mà chúng ta đã nhấn mạnh từ một vài năm nay là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thì yêu cầu về quản trị lên cao hơn bao giờ hết", bà Phạm Chi Lan khẳng định.
"Một bộ máy đã hình thành nhiều năm nay thực sự đã đến lúc cần phải cải cách. Nếu thời đại mới là thời đại để Việt Nam vươn mình thì đó chính là cuộc cách mạng trong sự phát triển của đất nước chúng ta. Và cuộc cách mạng đó đòi hỏi một cuộc cách mạng tương ứng về mặt tổ chức cán bộ. Đó phải là một cuộc cách mạng toàn diện, từ trung ương đến địa phương, ở tất cả các ngành nghề", bà Lan nói.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên chúng ta thực hiện cải cách, tinh gọn bộ máy, cũng theo bà Lan chia sẻ. Trước đây, trong thời gian làm thành viên trong Tổ tư vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Thủ tướng Phan Văn Khải, hoặc gần hơn là thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao phó công việc cải cách hành chính cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà được tham gia đóng góp công sức vào việc cải cách, cải tổ.
Bà nhận ra rằng muốn sắp xếp được các bộ ngành thì việc đầu tiên những người chỉ đạo của Chính phủ cụ thể là Thủ tướng và các Phó thủ tướng phải có sự phân tích, định hình cho rõ xác định chính xác chức năng của bộ nào không còn phù hợp để duy trì làm bộ riêng nữa, chức năng nào cần phải ráp lại giữa các bộ để có thể tinh gọn lại thành một bộ thì có hiệu quả hơn so với việc có nhiều bộ.
Đó chính là xuất phát từ nhu cầu của sự phát triển, nhu cầu của nền kinh tế, nhu cầu của hệ thống quản trị của nhà nước, của bộ máy chính phủ. Không thể có quá nhiều bộ làm những công việc trùng lặp với nhau, hoặc đó là những công việc hết sức liên quan với nhau.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra ví dụ, Việt Nam từng có thời riêng ngành công nghiệp có rất nhiều bộ như: Bộ Điện than, Bộ Cơ khí luyện kim, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công nghiệp nặng... Công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ cũng rất gắn với nhau. Muốn phát triển các ngành công nghiệp nhẹ thì phải có các ngành như sắt, thép, cơ khí hay các ngành luyện kim, những ngành đầu vào cho các ngành công nghiệp nhẹ... Nói chung các ngành này đều có sự gắn kết với nhau rất chặt chẽ.
Khi phân chia ra quá nhiều bộ trách nhiệm các bộ chia ra, công việc của bộ này chồng chéo công việc bộ khác gây ra sự lãng phí, nếu tập trung lại thì sẽ hỗ trợ nhau phát triển.
Đó là những tồn tại trong thời kỳ đầu của đổi mới, chưa khai thác được hết các nguồn lực trong nước mặc dù tài nguyên còn rất nhiều. Về mặt con người chưa được đào tạo, chưa có nhân lực mới, vẫn phải dùng nguồn nhân lực cũ đã từng được đào tạo theo hệ thống kế hoạch hóa tập trung, lại tiếp tục điều hành trong nền kinh tế thị trường.
Yêu cầu đặt ra khi đó là chính con người, những người đứng đầu các ngành, các Bộ phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm, cách thức quản trị cho phù hợp với thể chế mới. Thời đó, theo bà Lan đánh giá các vị Bộ trưởng của các bộ là những người rất tâm huyết vì công việc chung.
"Tôi thật sự cảm phục nhiều người, một trong số đó là ông Nguyễn Quang Hà - Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Ông Hà là một người rất giỏi về chuyên môn, về lâm nghiệp nhưng ông đã rất vui vẻ để nhập vào bộ Nông nghiệp. Từ vị trí Bộ trưởng ông Hà xuống làm Thứ trưởng, nhưng ông vẫn làm việc rất đàng hoàng, cần mẫn, đâu vào đấy, tôn trọng Bộ trưởng mới", bà Lan dẫn chứng.
Từ đó, bà Lan chỉ ra rằng: Khi lãnh đạo các Bộ thực sự tâm huyết vì cái chung cũng như có sự hiểu biết để thấy sáp nhập, tinh gọn là thực sự cần thiết thì họ sẵn sàng chấp nhận có thể lui lại đằng sau một chút, tiếp tục thực hiện công việc của mình thì vẫn nhận được sự tôn trọng tuyệt đối của những người cùng làm việc không khác gì khi ông còn đương chức Bộ trưởng. Thậm chí, hiệu quả công việc của ông cao hơn rất nhiều, đóng góp chung cả cả một ngành lớn chứ không phải chỉ một mảng nhỏ.
Để đất nước vươn mình, nền kinh tế phải nhảy vọt
Bà Lan cho biết trong thời gian vừa qua, bộ máy có sự trì trệ nhất định. Bộ máy rất to nhưng không hoạt động được hiệu quả gây mất thời gian và lãng phí là cực kỳ lớn. Do đó chúng ra mất không ít thời cơ để phát triển.
Trong hai năm gần đây, số lượng doanh nghiệp bị ngừng hoạt động, phải giải thể là rất lớn. Dù số doanh nghiệp đăng ký mới cũng có tăng lên nhưng chưa biết bao giờ mới hoạt động được, bao giờ mới ra được sản phẩm, tạo được công ăn việc làm, có tiền thuế để nộp cho nhà nước... và họ có bền vững hay không? Những doanh nghiệp đã hình thành, đã từng nộp thuế, đã đóng góp nhiều cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhiều người mà bây giờ ngừng hoạt động là có thể đẩy hàng trăm thậm chí hàng nghìn người lao động vào cảnh mất việc làm.
Bà Lan chỉ ra rằng việc các doanh nghiệp bị mất thời cơ một trong số những nguyên nhân đó là do chúng ta có nhiều thủ tục rườm rà, môi trường kinh doanh còn quá nhiều trở ngại.
Để đất nước vươn mình, việc đầu tiên là kinh tế phải nổi trội, nhảy vọt. Bởi khi thước đo sức mạnh tương quan giữa các nước với nhau người ta dựa rất nhiều vào lợi ích kinh tế. Nếu chúng ta chứng minh được Việt Nam là một mảnh đất có tiềm năng kinh tế rất lớn cho phát triển thì người ta sẵn sàng đầu tư vào. Nhưng nếu người ta không thấy được việc đó, hoặc không chờ được cơ hội đó thì sẽ không hấp dẫn thu hút được nước ngoài.
"Tôi thực sự trông chờ thời gian còn lại của đại hội lần này, chúng ta giải quyết dứt điểm việc sắp xếp lại bộ máy cán bộ, từ trung ương đến địa phương. Có quá nhiều tỉnh thành như hiện nay thì tài mấy cũng không thể làm được. Dù có ít bộ đi thì 63 tỉnh thành vẫn là 63 bộ máy ở các tầng nấc, việc tinh giản vẫn chưa được bao nhiêu", bà Lan dứt khoát.
"Việc không sáp nhập lại các cơ quan và các địa phương với nhau khiến chúng ta lãng phí về thời gian, công sức vì phải nuôi bộ máy quá lớn, làm chúng ta sử dụng không hiệu quả các tài nguyên, nguồn lực hoặc các dự án đầu tư", bà Lan mong muốn.
"Một trong những căn bệnh lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam mà chúng tôi nhận ra khi tham gia làm Báo cáo Việt Nam 2035 thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận ra là 'Nhà nước Việt Nam vừa bị phân mảnh lại vừa bị thị trường hóa'. Phân mảnh thể hiện rất rõ ở việc quyền lực bị phân bổ quá nhiều nơi, hệ thống nhà nước quá lớn. Nước ta tài nguyên ít, nguồn lực có hạn, chính vì vậy càng phân mảnh thì càng làm tiêu tán tài nguyên. Với bộ máy cồng kềnh lại phân mảnh như hiện nay, chúng ta có gì để cất cánh được? Chính vì vậy, tôi mong tới đây, nếu có một bộ máy gọn nhẹ nhưng tinh, với những người thật giỏi để làm còn hơn một bộ máy đông người nhưng nhàng nhàng, không có các cá nhân thật sự xuất sắc để làm những việc thật đích đáng trong vai trò của họ", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết.
"Chúng ta chưa nên mừng vội"
Trong những năm vừa qua, báo chí nước ngoài thường ca ngợi khi nhìn vào các chỉ số của nền kinh tế Việt Nam nhưng phân tích, mổ xẻ kỹ càng thì "chúng ta chưa nên vội mừng". Bà Lan chỉ ra rằng trong GDP của Việt Nam có tới hơn 20% đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài.
Xuất khẩu của Việt Nam cũng được khen ngợi rất nhiều. Việt Nam là một trong những nền kinh tế xuất khẩu lớn trên thế giới nhưng trong đó có tới hơn 75% là nằm trong tay đầu tư nước ngoài. Công nghiệp hoá của Việt Nam cũng đã được đẩy lên. Hiện nay, tỉ trọng của hàng có hàm lượng công nghệ cao hơn trong sản phẩm xuất khẩu của chúng ta càng ngày càng tăng lên. Nhưng trong ngành công nghiệp chế tạo là ngành gia tăng nhiều nhất và quan trọng nhất của công nghiệp hóa thì cũng có đến 55% nằm trong tay đầu tư nước ngoài.
Riêng về công nghệ cao, một mình Samsung chiếm tới 25% xuất khẩu. Phần đóng góp thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài còn rất lớn.
"Trong thâm tâm tôi vẫn rất buồn vì nội lực trong nền kinh tế chúng ta. Điều tôi mong đợi nhất là đến năm 2045 chúng ta đạt được mục tiêu trở thành một nước thu nhập cao nhưng phần đóng góp chủ yếu là của người Việt Nam, là đầu tư bằng chính nội lực chúng ta. Chúng ta không bị lệ thuộc hay dựa quá nhiều vào doanh nghiệp đầu tư của nước ngoài", bà Lan bày tỏ.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đánh giá, Việt Nam có một lợi thế rất lớn về vị thế quốc tế, về những chính sách đối ngoại và chiến lược ngoại giao.
Việt Nam thời gian qua hội nhập sâu rộng, có nhiều đối tác chiến lược, toàn diện. Đánh giá công bằng thì trong khu vực không nhiều nước có được vị thế như Việt Nam. Về mặt kinh tế, việc tham giá các hiệp định thương mại tự do so với các nước trong khu vực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore.
Thế giới luôn có những cạnh tranh lẫn nhau, thậm chí là những cạnh tranh rất khốc liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác rất quan trọng của Việt Nam, một bên là về xuất khẩu, một bên là về nhập khẩu.
"Rõ ràng chúng ta đã có cách của mình trong việc giữ quan hệ một cách chừng mực với các đối tác chiến lược, chủ lực. Chúng ta cũng chơi với rất nhiều các cường quốc khác, không bị phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ ai hay bất cứ lĩnh vực nào, đó chính là chiến lược đối ngoại khôn ngoan của ta", bà Lan đánh giá.
"Kỷ nguyên vươn mình là nói tới sự vươn mình của cả đất nước, của cả dân tộc. Lợi ích mang lại phải cho cả dân tộc, cho tất cả công dân Việt Nam sống trên mảnh đất này. Làm sao có được công bằng, sự chia sẻ cao nhất giữa mọi người, đó chính là cái đích chúng ta mong muốn trong giai đoạn tới. Tôi luôn tin chắc rằng, chúng ta sẽ làm rõ hơn các tiêu chí để Việt Nam "vươn mình", bà Lan tin tưởng.
Bà Lan cũng nhận định, tiềm năng và sức mạnh của dân hay trong doanh nghiệp còn rất lớn, đủ để chúng ta có thể vươn mình được. Điều quan trọng là chúng ta có được một cơ chế tốt, phá vỡ được điểm nghẽn của điểm nghẽn như Tổng Bí Thư Tô Lâm nói là thể chế, ắt sẽ khơi dậy được những nguồn lực, những sức mạnh đó, và chúng ta chắc chắn vươn mình lên bằng chính nội lực của chúng ta.