Nguyên Vụ trưởng của Ban Tổ chức Trung ương: Khi sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy, cán bộ phải như "con dao pha"

Nguyễn Hoà Thứ sáu, ngày 29/11/2024 14:00 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương - đánh giá, việc tinh giản tổ chức bộ máy chưa gắn với đổi mới, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ nên hiệu quả chưa cao.
Bình luận 0

Tinh giản tổ chức bộ máy phải gắn với đổi mới, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ

Bày tỏ quan điểm tại tọa đàm "Sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy: Cuộc cách mạnh để vươn mình", do báo Dân Việt tổ chức (chiều 28/11), ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương - chia sẻ, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chúng ta thời gian qua đã làm nhiều, không có nhiệm kỳ nào không làm, nhưng làm chưa quyết liệt, chưa mạnh mẽ, giờ phải làm mạnh mẽ quyết liệt hơn nữa, đồng bộ hơn.

Trước làm ở dưới, giờ làm ở cả dưới cả trên, giờ làm ở nhiều lĩnh vực. Theo ông Nguyễn Đức Hà, Tổng Bí thư Tô Lâm nói mang tính cách mạng là ở chỗ đó, vì cách mạng là phải triệt để, phải quyết liệt, là phải có sự hy sinh, dũng cảm mới thành công được.

"Cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy là chúng ta tiếp tục đẩy mạnh việc này vì trước đây chúng ta làm chưa đồng bộ, chưa toàn diện, chưa mạnh mẽ, chưa quyết liệt thì giờ ta làm mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn, đem lại hiệu quả cao hơn" - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhìn nhận.

Bàn về kết quả của việc tinh gọn tổ chức bộ máy trong thời gian vừa qua, ông Hà cho biết, khi Ban Chấp hành Trung ương khoá XII có Nghị quyết số 18, nghị quyết đã được chỉ đạo khá mạnh mẽ, người đứng đầu chỉ đạo rất quyết liệt.

Sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy: "Cán bộ phải như con dao pha" - Ảnh 1.

Trong những phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay. Ảnh: ĐX

Vị nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhận định, công bằng mà nói, sau vài ba năm sơ kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, rõ ràng chúng ta có đạt được một số chuyển biến, đạt được một số kết quả tích cực như giảm tầng nấc (bỏ tổng cục, giảm được nhiều cục, vụ, viện…), giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm biên chế.

Khi đã giảm được biên chế tức là đã giảm chi thường xuyên, có điều kiện để tăng chi cho phát triển.

"Nghị quyết 18 của Trung ương có kết quả, nhưng nghiêm túc xem xét thì thấy cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Chúng ta mong muốn nhiều hơn, nhưng mới đạt được như vậy vì một số vấn đề" – ông Hà nói.

Thứ nhất, theo ông Hà, khi chúng ta chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết 18 cũng chưa thật đồng bộ, chưa thật toàn diện. Lúc đó đặt vấn đề làm tổ chức bên trong, còn bên ngoài, cái lớn chưa động chạm, chưa làm; chưa đồng bộ giữa các lĩnh vực, giữa khối Đảng, khối Nhà nước, khối đoàn thể và các hội, đoàn thể. Nếu cùng một lúc chúng ta triển khai thực hiện nhiều việc quá thì sợ không đến nơi đến chốn, ôm đồm, hiệu quả thấp nên ta làm có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ hai, ông Hà đề cập đến yếu tố con người. Khi sắp xếp sẽ động chạm, cán bộ tâm tư, ảnh hưởng đến quyền lợi, ảnh hưởng đến vị trí, việc làm.

"3 vụ nhập làm 1, 3 vụ trưởng giờ còn có 1. Mỗi vụ đang có 5 vụ phó, giờ 3 vụ nhập lại thì chỉ cho 5 vụ phó, có nghĩa là 10 cán bộ không còn là vụ phó nữa, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, đến nhiều thứ. Tình trạng nghe ngóng, trông chờ, ngành này xem ngành kia làm sao, cấp dưới xem cấp trên làm thế nào, lĩnh vực này xem lĩnh vực kia làm sao, thế nên có tâm lý chờ đợi, có tâm lý dựa dẫm, có tâm lý xem cấp trên thế nào nên chậm trễ, mất thời cơ" – ông Hà lấy ví dụ.

Chia sẻ quan điểm về việc tinh gọn bộ máy thực hiện đồng bộ gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, đi cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, ông Hà cho rằng đây là một mặt yếu hay mặt hạn chế mà mấy năm vừa qua thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương chưa đạt được. Đó là có giảm được đầu mối, tầng nấc, tổ chức, lãnh đạo, biên chế nhưng cả việc giảm về tổ chức cũng như biên chế mới dừng lại ở tính cơ học, cũng có kết quả nhưng còn hạn chế.

Sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy: "Cán bộ phải như con dao pha" - Ảnh 2.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà đánh giá, việc tinh giản tổ chức bộ máy chưa gắn với đổi mới, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ nên hiệu quả chưa cao. Ảnh: Khổng Chí

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà lấy ví dụ: Trước 2 vụ, 3 vụ nhập 1 thì giảm 2 đầu mối, cũng giảm được lãnh đạo, giảm được một số cán bộ, nhân viên…, nhưng vấn đề yêu cầu tinh giản bộ máy phải gắn liền với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc thì còn hạn chế… Bởi vì có nhiều trường hợp xảy ra, cũng có thể có những người có năng lực, tài giỏi nhưng thôi, xin sang cơ quan khác, từ đó mất chất xám, mất nguồn lực, mất trí tuệ. Hoặc chỗ này, chỗ kia, cấp này cấp kia, lĩnh vực này lĩnh vực kia, có chỗ đáng lẽ người giảm thì không giảm được vì mắc, vì khó, lại đi giảm người làm tốt, cái đó là có, thực tiễn là có.

"Nhìn chung việc tinh giản tổ chức bộ máy chưa gắn với đổi mới, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ nên hiệu quả chưa cao. Để đạt được mục tiêu một việc một cơ quan làm hoặc một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm, còn một người có thể làm được nhiều việc nhưng có một việc chính. Có nghĩa là người cán bộ phải như con dao pha, giỏi một việc nhưng có thể làm được nhiều việc khác. Để cán bộ giỏi một nghề nhưng thạo nhiều lĩnh vực khác thì không tự dưng mà có, phải qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thực tiễn. Có thể nói việc đào tạo của ta còn mang nặng lý thuyết" – ông Hà nêu quan điểm.

"Lãng phí vô hình chính là liên quan đến tổ chức bộ máy"

Cũng theo nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, trong thực tiễn có trường hợp cán bộ làm tốt nhưng nói ấp a ấp úng, không diễn đạt được cho người khác hiểu, nhưng cũng có người nói được nhưng làm lại dở.

Ông Hà cũng đánh giá cao và cho rằng chủ trương xác định vị trí việc làm mà chúng ta đã, đang làm là rất cần thiết. Bởi từ việc xác định vị trí việc làm sẽ biết được cục này cần bao người, vụ này cần bao người; việc này, việc kia cần bao người, từ đó mới ra biên chế. Tuy nhiên, ông Hà cũng nhìn nhận việc xác định vị trí việc làm là khó, phức tạp.

Sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy: "Cán bộ phải như con dao pha" - Ảnh 3.

Bàn về "Kỷ nguyên vươn mình", ông Nguyễn Đức Hà chia sẻ, Đại hội XIII xác định, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, đến năm 2045 đất nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Nếu đi theo tốc độ này, năm 2045 chúng ta khó đạt được mục tiêu, vì vậy chúng ta phải bật dậy, vươn mình. Nói cách khác, vừa qua chúng ta nuôi ý chí, khát vọng thì giờ phải hành động. Ảnh: ĐX

"Công tác cán bộ rất nhiều khâu liên quan đến nhau, cuối cùng nguồn lực chính quyết định chất lượng hoạt động của bộ máy chính là cán bộ. Tôi thấy chúng ta vừa qua làm chưa được mạnh, chưa được tốt, đúng là có một số vấn đề phải xem xét lại. Ví dụ đúng là chúng ta vừa chạy vừa xếp hàng, có nghĩa là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa căn cứ thực tế để chúng ta điều chỉnh là đúng, nhưng nếu cứ thận trọng quá, chắc chắn quá để đến mức độ trì trệ thì tôi cho rằng cũng phải khắc phục" – ông Hà bày tỏ.

Mặt khác, chia sẻ với Dân Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng Nguyễn Đức Hà cho biết, vừa qua cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm rất nhấn mạnh đến vấn đề lãng phí.

Theo ông Hà, lâu nay chúng ta mới nhìn thấy chủ yếu cái lãng phí hữu hình, còn lãng phí vô hình chúng ta chưa nhìn thấy. Lãng phí vô hình chính là liên quan đến tổ chức bộ máy.

"Trì trệ, chậm, mất thời cơ, lãng phí thời gian, lãng phí nguồn lực, lãng phí chất xám. Cuối cùng 70% chi nuôi bộ máy thì làm sao có điều kiện chi cho đầu tư phát triển. Chi ít thì làm sao phát triển nhanh, bền vững, vươn mình. Vấn đề đặt ra thời điểm này là rất cần thiết, rất bức thiết như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh" – ông Hà nói.

Bàn về "Kỷ nguyên vươn mình", ông Nguyễn Đức Hà liên tưởng lại vấn đề này có một sự kế thừa, phát triển, liền mạch. Ông Hà phân tích, Đại hội XIII, đại hội tổng kết 35 năm đổi mới đã đi đến kết luận: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Đại hội XIII xác định, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, đến năm 2045 đất nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Theo ông Hà, nếu đi theo tốc độ này, năm 2045 chúng ta khó đạt được mục tiêu vì vậy chúng ta phải bật dậy, vươn mình. Nói cách khác, vừa qua chúng ta nuôi ý chí, khát vọng thì giờ phải hành động. Trên cơ sở tổng kết 40 năm đổi mới chúng ta đã có nguồn lực, kinh nghiệm. Chúng ta nung nấu khát vọng vươn lên, khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh hạnh phúc, giờ mọi điều kiện đã cho phép. 

Về quan hệ đối ngoại, vị nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhìn nhận có thể nói "ta ngồi mâm 10", vị thế của chúng ta trên trường quốc tế rất khác.

Cũng theo ông Hà, đặc biệt có lẽ chính việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy là có sự thống nhất rất cao của Bộ Chính trị; dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, tức là ý Đảng, lòng dân, thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận của xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem