Dân Việt

Tinh gọn, sáp nhập bộ máy: Không lo "chảy máu" chất xám từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân

Vân Anh 03/12/2024 19:00 GMT+7
Đứng trước vấn đề lo ngại rằng trong quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy, những người tài, người làm được việc lại "chảy" ra bên ngoài, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định "Những người có kỹ năng, có tâm huyết thật sự không bao giờ sợ thừa".

Chia sẻ với Dân Việt về chủ đề "Sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy: Cuộc cách mạng để vươn mình", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, trước kia, xu hướng của rất nhiều doanh nghiệp là kéo các vị công chức, quan chức có chức vụ, có ảnh hưởng lớn ở các bộ các ngành về làm việc cho mình. 

Sở dĩ từng có "trào lưu" này là vì trong vô vàn công việc các doanh nghiệp cần đến ý kiến của các bộ, và kênh nhanh nhất là việc họ sở hữu con người đã từng làm việc ở các bộ, đã từng có vị trí ở bộ đó để có được các mối quan hệ cần thiết, không phải chỉ đối với bộ đó mà còn với các bộ khác. 

Việc có được một người từng là lãnh đạo của các bộ về hưu về làm việc cho doanh nghiệp sẽ giúp cho các doanh nghiệp tư nhân rất nhiều trong việc tạo dựng mối quan hệ cũng như rành đường đi nước bước của cơ quan quản lý...

Tuy nhiên, theo bà Lan "đó là chuyện của một thời". Càng ngày các doanh nghiệp càng thấy rõ việc đó có tính hiệu quả không cao. Vì sau này các kênh làm việc với Nhà nước có rất nhiều kênh, phức tạp hơn rất nhiều.

Sắp xếp tinh gọn bộ máy, liệu những người tài, người làm được việc có "chảy" ra bên ngoài? - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định "Những người có kỹ năng, có tâm huyết thật sự không bao giờ sợ thừa" trong quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy. Ảnh: Khổng Chí

Bà Phạm Chi Lan cho biết, các doanh nghiệp hiện tại họ phải làm việc liên quan đến 50 luật khác nhau. Nếu thực hiện đúng các quy định của 50 luật cũng vẫn có nguy cơ vi phạm một văn bản thứ 51 nào đó. Khi gặp phải những vấn đề như vậy thì một vài cán bộ quan chức cũng không thể giải quyết nổi. Đó là thực tế của câu chuyện các vị quan chức Nhà nước về đầu quân, làm việc cho các doanh nghiệp.

Hơn nữa hiện tại hệ thống quản trị doanh nghiệp yêu cầu chuyên môn hơn, phức tạp hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp phải theo chuẩn chung của quốc tế viết tắt tiếng Anh là ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp). 

Quản trị doanh nghiệp hiện tại trở thành công việc quan trọng số 1. Nếu không quản trị tốt thì không làm tốt được công việc môi trường, công việc xã hội. Để làm tốt công việc quản trị đó yêu cầu tính chuyên nghiệp cao chứ không phải chỉ có chức vụ và có một số uy tín trong xã hội là có thể làm được.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, đối với các cơ quan nhà nước cũng vậy, cần phải tính đến vấn đề tinh gọn và hiệu năng của bộ máy tương tự như các doanh nghiệp đang làm. Nghĩa là cần những người làm việc rất chuyên nghiệp trong phần việc của mình. 

Cụ thể, với từng vị trí công việc của cán bộ nhà nước,  đòi hỏi phải có những người có "chức nghiệp thực tại". Nghĩa là anh được đào tạo chuyên môn đòi hỏi anh phải rất am hiểu về công việc đó để làm về lĩnh vực đó. Chỉ một người nhưng người đó có đủ năng lực, có chức nghiệp thực tài làm việc bằng cả 10 người không đủ năng lực, quanh quẩn nhìn nhau, dẫm đạp lên nhau, chồng chéo nhau, thậm chí đấu đá nhau tùm lum, làm tê liệt cả bộ máy. Cần người tinh gọn, có chuyên môn là ở chỗ đó.

"Tôi tin những người thực sự được đào tạo có chuyên môn tốt vẫn được bộ máy giữ lại. Bởi vì khi chúng ta tinh gọn, chúng ta không thể để những người tài, người giỏi thực sự ra đi mà lại giữ lại những người không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Tôi rất trông chờ trong đợt tinh gọn này chúng ta sẽ làm lại chuẩn mực cán bộ cho thật rõ", bà Lan cho biết.

Sắp xếp tinh gọn bộ máy, liệu những người tài, người làm được việc có "chảy" ra bên ngoài? - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: TTXVN. Ảnh: TTXVN

Với những người bị dư thừa trong quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy, sáp nhập các cơ quan, đơn vị, tổ chức, theo bà Lan trong thời gian tới còn rất nhiều cơ hội và khả năng để phát triển, làm việc và cống hiến.

"Đất nước ta còn cần rất nhiều mảng, chuyên ngành khách nhau để phát triển. Hiện nay các ngành dịch vụ cũng đang còn rất nhiều dư địa để phát triển. Chúng ta còn thiếu thốn quá nhiều: Từ dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe đến các công việc về quản trị môi trường, quản trị xã hội còn rất nhiều mảng... nhà nước còn bỏ trống nhiều hoặc làm ở một mức độ nhất định nào đó", bà Lan dẫn chứng.

"Những cán bộ nhà nước nếu có năng lực, có tâm muốn làm việc thì thật sự không thiếu công việc để làm. Chỉ sợ không muốn làm hoặc muốn làm việc dễ mà được đãi ngộ nhiều thì mới khó. Những người có kỹ năng, có tâm huyết thật sự với sự phát triển của đất nước thì không bao giờ sợ thừa. Làm ở đâu họ cũng có thể cống hiến cho xã hội, cho đất nước, không cứ là khu vực Nhà nước hay tư nhân", bà Lan khẳng định.

Đồng thời, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh, mỗi con người trong bộ máy cần có tinh thần học liên tục, học cả đời.

Bà khẳng định: "Trí tuệ nhân tạo hiện nay thay thế được cho rất nhiều công việc khác nhau nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho con người. Con người muốn làm việc với nó thì phải học, phải không ngừng nâng cao nâng lực của bản thân để đáp ứng với yêu cầu thời đại. Đối với bộ máy nhà nước cũng vậy, trên tinh thần đó cần tổ chức đào tạo suốt đời cho cán bộ. Cán bộ cũng cần có thái độ học tập suốt đời".