Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ lần này có phạm vi tác động rộng, phức tạp, nhạy cảm

PV Chủ nhật, ngày 01/12/2024 07:15 AM (GMT+7)
Đánh giá việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ lần này có phạm vi tác động rộng, là việc phức tạp, nhạy cảm, Thủ tướng nêu rõ quá trình thực hiện thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động quyết liệt.
Bình luận 0

Chiều 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW - Ảnh: VGP

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thành viên Ban Chỉ đạo.

img

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình phát biểu - Ảnh: VGP

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định số 1403/QĐ-TTg ngày 16/11/2024 thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

img

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu - Ảnh: VGP

Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số quan điểm về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đó là bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị trong quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết 18, tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

img

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu - Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và của Bộ Chính trị; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan; kế thừa những thành tựu, tiếp tục đổi mới Chính phủ đồng bộ với đổi mới Quốc hội, cơ quan tư pháp trên quan điểm xây dựng Chính phủ dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, sáng tạo, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

img

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu - Ảnh: VGP

Đánh giá việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ lần này có phạm vi tác động rộng, là việc phức tạp, nhạy cảm, Thủ tướng nêu rõ quá trình thực hiện thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động quyết liệt, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó với thời hạn cụ thể; phải đoàn kết, thống nhất rất cao, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

img

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu - Ảnh: VGP

Tại phiên họp, Thủ tướng đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan và các Phó Thủ tướng chỉ đạo theo các lĩnh vực phụ trách. Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch triển khai; có đề cương chung hướng dẫn việc tổng kết. Các bộ ngành thành lập ban chỉ đạo/tổ công tác để thực hiện chỉ đạo của các cấp và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

img

Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan và các Phó Thủ tướng chỉ đạo theo các lĩnh vực phụ trách - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu phải nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách đối với các đối tượng chịu tác động, đồng thời cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác nhân sự, bố trí cán bộ cùng chính sách phù hợp để đảm bảo triển khai phương án đồng bộ, hiệu quả, không để ảnh hưởng các nhiệm vụ chính trị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem