Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà chúng ta đã đề ra như: Đến năm 2030, Việt Nam ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; để khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một trong nhiều việc cần làm tiên quyết, ngay trước mắt là tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
Trước thực trạng đất nước tuy có phát triển nhưng chậm, "nhìn ra thế giới mà thấy rất sốt ruột" - Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra: "Tuy tốc độ tăng trưởng cao, song nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn hiện hữu, nguy cơ kinh tế Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khó tiệm cận với các nước đang phát triển”...
Sáng qua, 1/12, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã giới thiệu phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở các ban Đảng, cơ quan Chính phủ và Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức chính trị, xã hội... Điều này một lần nữa thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng ta trong việc tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị.
Trước đó, theo thông tin từ Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, trong 15 năm trở lại đây, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ tăng 1.600 USD, trong khi Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc tăng lần lượt là 3.600 USD, 6.500 USD và 16.000 USD.
Nếu như xét về quy mô, tổng GDP của Việt Nam chỉ tăng 160 tỷ USD, trong khi Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc đã tăng tương ứng là 270, 200, 700 và 850 tỷ USD.
Điều này cho thấy thực tế, mặc dù GDP của nước ta nằm trong số cao của thế giới, nhưng số tuyệt đối này rất nhỏ và khoảng cách của Việt Nam so với các nước vẫn còn xa. Đó là chưa nói đến dấu hiệu tốc độ tăng trưởng của nước ta có dấu hiệu chững lại...
Một quốc gia hay một nền kinh tế mà dành đến 70% ngân sách chi thường xuyên, trong đó phần lớn để trả lương cho bộ máy cán bộ công chức cồng kềnh, chỉ còn lại 30% chi cho đầu tư phát triển thì đi ngược lại với xu thế phát triển của thế giới. Đây là mấu chốt của vấn đề vì sao chúng ta cần mạnh mẽ, quyết liệt tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giảm những công chức hưởng lương từ ngân sách.
Song, tinh gọn bộ máy trong thời điểm hiện nay chắc chắn là vấn đề hết sức nan giải nếu như mỗi công chức nhà nước không chấp nhận hy sinh quyền lực, hy sinh chế độ đãi ngộ của cá nhân...
Mới đây, khi đề cập tới sự cải tổ bộ máy, tinh gọn biên chế sắp tới, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nhận xét rằng: "Đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự phát triển của đất nước".
Tôi cho rằng, để có thể chấp nhận hy sinh cả một quá trình cống hiến lâu dài thật sự không hề dễ dàng với mỗi cá nhân chúng ta. Quyền lực thực ra là một thứ ma lực mà nói nó nhẹ tựa lông hồng, không quan trọng e rằng chưa toàn diện và chưa bao quát.
Chỉ một dẫn chứng rất đơn giản thế này thôi: Ở một bộ nọ, do thực hiện Nghị quyết 18 khoá 12, cấp Tổng cục bị giải thể để thành cấp Cục. Có vài chục vị lãnh đạo đã bị "hạ cấp" - Tổng cục trưởng thì xuống làm Cục trưởng, Cục trưởng xuống làm Trưởng phòng.
Vị trí lãnh đạo cấp Cục là phải cố gắng gần như một đời mới có được và nhiều người xem đây như một tiêu chuẩn của người thành công, có chỗ đứng trong xã hội. Vậy mà đến khi sắp nghỉ hưu, họ chỉ còn là cán bộ cấp phòng, chức thấp nhất của cơ quan bộ. Nếu bảo không tâm tư e rằng không thật lòng.
Đã vậy, bộ máy lãnh đạo cũng vì thế mà "dồn toa". Người đang phấn đấu, đang trong diện "quy hoạch" cũng do vậy mà thành mong manh hơn, khó hy vọng thăng tiến hơn...
Đòi hỏi sự hy sinh của cán bộ, Đảng viên - điều đó quả thật không hề dễ. Nếu người có quyền lực trong tay lại lợi dụng quyền lực để trục lợi, vun vén cá nhân sẽ lại càng khó gấp bội so với người sống trong sạch, làm việc công minh, không biết, không muốn vụ lợi. Đứng trước nguy cơ bị mất quyền lực, số người này dễ sinh mất đoàn kết, đấu đá nội bộ để giành lợi thế cho cá nhân hay ê kíp của mình.
Vì thế, cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy tới đây sẽ là một dịp để thử thách phẩm chất, đạo đức của người Đảng viên trung kiên, biết nghĩ đến quyền lợi tối thượng của Đảng và chế độ để hy sinh lợi ích cá nhân một cách thanh thản, nhẹ nhàng nhất vì đại cục.
Nhà thơ Tố Hữu năm 1946 đã viết bài thơ "Trăng trối", trong đó có đoạn: "Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa/ Bao khổ ấy, thôi cần chi nói nữa/ Bạn đời ơi! Ta đã hiểu nhau rồi”.
Nếu như người đảng viên chủ động nhận thức được, biết vì lợi ích chung của Đảng, họ sẽ thanh thản chấp nhận sự bố trí, phân công của tổ chức khi Đảng, Nhà nước tái cơ cấu, kiện toàn bộ máy tinh gọn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn.
Nếu như người lãnh đạo làm việc công tâm, không lợi dụng chức vụ quyền hạn để vun vén cá nhân, có lẽ việc phải rời bỏ vị trí lãnh đạo khi tinh gọn cũng không có gì quá to tát.
Hãy nhớ, chính trong bài thơ "Trăng trối", Tố Hữu cũng đã viết đoạn cuối: "Hãy đón nó, bạn đời ơi, đón nó!/ Đường tranh đấu không một giờ thoái bộ/ Sống đã vì cách mạng, anh em ta/ Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà!/ Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng/ Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng/ Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành/ Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh/ Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng".
Còn với cuộc cách mạng về tổ chức sắp tới, nó đâu đến mức phải "vui vẻ chết "! Chúng ta vẫn tồn tại và lạc quan đi về phía trước. Người nào không chấp nhận cuộc cải tổ này, xin hãy đứng sang một bên!
Với việc giải quyết dôi dư cán bộ và bố trí công tác khác, có thể người xuống chức hoặc không còn chức, nên chăng Đảng, Nhà nước cần ban hành những chính sách cụ thể, công bằng để động viên người bị thiệt thòi. Đó cũng là việc cần làm và để tránh những tâm tư, những thắc mắc nảy sinh. Song, cho dù chính sách như thế nào thì vẫn cần một sự hi sinh vì sự nghiệp chung...
Cuộc cách mạng như vũ bão về công nghệ số trên toàn thế giới mà ta chứng kiến đã và đang diễn ra. Nó sẽ giúp chúng ta tinh gọn bộ máy thuận lợi hơn, dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây nhiều năm. Nó sẽ biến cái không thể thành có thể chỉ trong một cú nhấn phím. Và việc tinh gọn bộ máy lúc này cũng vì thế được coi là tất yếu. Đó cũng là một thuận lợi để chúng ta thực hiện thành công một chủ trương cực lớn nói trên.
Điều gì đến rồi sẽ đến. Toàn Đảng ta cần tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm với một mong muốn chung, cao cả của người Đảng viên, đó là được phụng sự Đất nước, phụng sự Nhân dân và phụng sự Đảng quang vinh.
Như vậy sự đoàn kết trong Đảng và hy sinh lợi ích cá nhân trong quá trình tinh gọn bộ máy tổ chức cũng là tất yếu và rất đáng trân trọng.