Giữa chiến dịch "đốt lò" của Đảng đang diễn ra hết sức quyết liệt, ngay sau khi nhậm chức, Tổng Bí thư Tô Lâm lại đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về một quốc nạn khác, cũng không kém phần gây nguy hại cho đất nước - "căn bệnh" lãng phí.
Lâu nay, lãng phí là vấn đề không mới, được nhắc tên rất nhiều, nhưng chỉ ở mức độ là một "căn bệnh" tiêu hoang, xài phí mãn tính, chưa đúng với bản chất là một "căn bệnh" nan y trầm trọng, âm ỉ kéo dài, trì hoãn cơ hội và kéo tuột sự phồn thịnh của dân tộc.
Chưa có hình phạt đủ sức răn đe, gắn với sinh mệnh chính trị của người đứng đầu chịu trách nhiệm cho sự lãng phí đó. Thế nên họ nạn lãng phí vẫn cứ diễn ra, âm ỉ và dai dẳng.
Một ví von về nghịch lý vô cùng tận, tham nhũng bị kết vào tội phạm, nhưng rất ít trường hợp lãng phí bị xử lý hình sự, dù lãng phí và tham nhũng đều song hành gây nguy hại cho đất nước.
Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Bối cảnh lúc này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã "chỉ mặt, điểm tên" và kiên quyết xử lý dứt điểm vấn nạn lãng phí, với tinh thần là đạo đức, là văn minh, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực. Đây cũng là quyết sách mà Nhân dân, rất chờ đợi.
Đề cập vấn đề lãng phí tại phiên họp tổ Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nói: "Tôi cũng rất bức xúc, nhiều người bức xúc".
"Dân hỏi mình không trả lời được. Ai cũng nói mảnh đất đó là vàng, quý lắm, bao nhiêu tiền nhưng sao đứng im, chục năm vẫn để cỏ mọc, vậy ai chịu trách nhiệm? Nhà nước cấp thế nào mà để lãng phí, nếu doanh nghiệp không làm phải thu theo quy định chứ tại sao lại để vậy? Vướng chỗ nào tháo gỡ đi, phải có người chịu trách nhiệm", Tổng Bí thư nêu và khẳng định: "Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, tiền của của Nhân dân".
Tổng Bí thư chỉ đích danh dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM, trải qua hai nhiệm kỳ, tiền Nhà nước bỏ ra rồi nhưng nhân dân TP.HCM vẫn phải chịu ngập lụt. Nếu để thế nữa là vi phạm, dù không tham ô, tham nhũng nhưng tội lãng phí.
Tổng Bí thư còn "điểm tên" hai dự án bệnh viện ở Hà Nam (Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Việt Đức cơ sở 2), được Nhà nước bỏ tiền ra xây gần chục năm rồi vẫn "treo", không đưa vào sử dụng, rất lãng phí.
Đầu tư công không hiệu quả là một phần của lãng phí, ví dụ mà Tổng Bí thư nêu ra là điển hình, nhưng lại không hiếm gặp khi vấn nạn này đang âm ỉ, nhức nhối trải dài khắp đất nước.
Ở địa phương nơi tôi đang sống là Bình Định, dù lãng phí diễn ra ở quy mô nhỏ nhưng để lại những sự bức xúc lớn. Thu ngân sách hằng năm không đủ chi, Bình Định phải xin viện trợ từ vốn Trung ương, khó ai có thể nghĩ, hàng chục tỷ đồng tiền thuế, mồ hôi của Nhân dân đã bị "ném" lãng phí xuống biển, bởi công trình đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan (do UBND huyện Hoài Nhơn - nay là thị xã, làm chủ đầu tư có tổng vốn gần 80 tỷ đồng, Công ty TNHH Tân Lập trúng thầu) thi công từ tháng 8/2015 và bàn giao vào tháng 9/2016.
Nhưng tuổi thọ công trình vỏn vẹn chỉ tính bằng ngày, đến tháng 12/2016 kè chắn sóng lại bị chính sóng đánh tan tác, giờ chỉ còn đống vỡ vụn. Thủ phạm có sự góp công, do lỗi "cẩu thả" chủ quan của loạt đơn vị từ tư vấn thiết kế, thẩm định, thi công đến giám sát, quản lý dự án.
Thời điểm hình thành dự án Khu đô thị Hồ Phú Hòa (320ha, tổng vốn 5.000 tỷ đồng), một số cựu lãnh đạo tỉnh Bình Định đã lên tiếng phản đối, can ngăn vì cho rằng không hợp lý, nhưng dự án vẫn triển khai và đến nay 1 thập kỷ vẫn lâm cảnh "đắp chiếu", gây bất bình.
Bình Định dự tính dùng một phần Khu đô thị này giao nhà đầu tư liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Thành An làm dự án bất động sản, nhằm hoàn vốn 2 dự án BT (Đường Điện Biên Phủ nối dài 465 tỷ đồng và Cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa 578,4 tỷ đồng).
Nhưng tháng 8/2019, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều sai phạm tại cả ba dự án BT và hoàn vốn BT. Từ đó đến nay, Khu đô thị lâm cảnh bỏ hoang và lãng phí "đất vàng".
May mắn, thực tế không có 1 văn bản nào UBND tỉnh Bình Định giao đất cho nhà đầu tư để thanh toán hoàn trả dự án BT, thiệt hại sai phạm là không có, bởi nếu giao đất thì rất khó "sửa sai" và có nguy cơ mất cán bộ.
Để tránh thất thoát, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định chấm dứt hợp đồng nguyên tắc hai dự án BT. Với dự án Hồ Phú Hòa, sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhưng 1 thập kỷ dự án "đứng bánh" im lìm…dân cứ chờ!
Nhìn sang các tỉnh, thành lớn khác cũng đang xảy ra tình trạng lãng phí "đất vàng" mà báo chí đã nêu thời gian qua. Như Đà Nẵng với loạt dự án bỏ hoang: Khu phức hợp Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp trên đường Như Nguyệt 2.500 tỷ đồng, Dự án Aria Đà Nẵng hơn 700 tỷ đồng, 9ha "đất vàng" được quy hoạch làm dự án Da Nang New City ở trung tâm quận Liên Chiểu bị bỏ hoang, dự án Golden Hills City rộng 381ha, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng dở dang, bị Thanh tra Chính phủ vạch sai phạm...
Hay như Hải Phòng với Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế 100 tỷ đồng tiền ngân sách, hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp hay Hà Nội với Dự án công viên - hồ điều hòa 1.600 tỷ đồng bỏ hoang hơn một thập kỷ qua; hàng loạt dự án bất động sản "đóng băng" nhiều năm nay mà số lượng không đếm xuể...
"Đất vàng" bỏ hoang còn xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành ven biển và rất nhiều địa phương trên cả nước.
Chưa hết, với phong trào sính đồ sộ, thích hoành tráng, tư duy nhiệm kỳ không để "thua chịkém em", không ít tỉnh thành, Bộ ngành đua đòi xin đầu tư dự án "chục tỷ nọ, trăm tỷ kia", để rồi bốn mùa xuân hạ thu đông, chỉ tụ tập nhìn nhau vài lần.
Ở tầm vĩ mô quốc gia, không khỏi giật mình trước con số biết nói, nhan nhản vấn nạn lãng phí "đất vàng" tại đô thị lớn. Báo cáo kết quả tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 của Bộ Tài chính cho hay, tại 30 tỉnh, thành phố diện tích đất đã giao nhưng sử dụng không đúng mục đích là 61.280ha. Đến giữa năm 2024, cả nước còn 63.400 cơ sở nhà, đất công chưa được phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý.
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, toàn quốc còn 404/908 dự án, công trình không đưa hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích là 18.308/28.155ha chưa được xử lý.
Đất vàng bị bỏ hoang, dự án "trùm mền", công trình "đắp chiếu" trải dài trên phạm vi quốc gia là mối nguy hại đáng báo động, nhưng đến nay chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ. Đau xót hơn, khi chính sách, tiền bạc, công trình, đất đai… bị lãng phí, đều là mồ hôi, nước mắt và niềm tin của Nhân dân.
Bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt.
Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm…
Tổng Bí thư còn cho rằng, bộ máy cồng kềnh đang gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển. Hiện ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động.
Nếu điều hành ngân sách như vậy, sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Đây là vấn đề vô cùng sốt ruột. Để giải quyết, Tổng Bí thư yêu cầu, triển khai ngay "cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy", theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở".
"Nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức, đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung", Tổng Bí thư nêu.
Soi vào thực tiễn, ngoài lãng phí "nổi" là những biểu hiện dễ nhìn thấy, thì lãng phí "chìm" về bộ máy điều hành, cơ chế, chính sách, yếu tố con người, mà Tổng Bí thư nhắc đến, mang lại góc nhìn mới mẻ, với quan điểm đầy cương quyết, thẳng thắn, trước việc khó, việc nhạy cảm. Gióng lên "hồi chuông" cảnh tỉnh "căn bệnh" lãng phí đang ngấm ngầm, thẩm thấu và lan toả ở chốn công quyền.
Thực tế, lãng phí cơ hội của đất nước do "thể chế, con người" nguy hại vô cùng, dân tộc sẽ đánh mất thời kỳ "dân số vàng, chất xám nhân tài", bệ phóng vươn mình thoát khỏi lạc hậu.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã công bố "khoanh vùng" 9 dự án trong lĩnh vực xây dựng, 22 dự án lĩnh vực điện lực, công nghiệp than khoáng sản, 15 dự án lĩnh vực giao thông, 7 dự án lĩnh vực giáo dục, văn hóa - thể thao - du lịch, 4 dự án lĩnh vực nông nghiệp, cần xử lý chống lãng phí.
Trước mắt, chỉ đạo xử lý với hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 (tại Hà Nam), dự án chống ngập do triều cường TP.HCM, các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối vận hành.
Phòng chống lãng phí - cuộc chiến chống "giặc nội xâm" cam go, phức tạp, có vị trí tương đương phòng chống tham nhũng tiêu cực, để xây dựng Đảng ta vững mạnh.
Và, ngay lúc này, chiến dịch "đốt lò" phòng chống tham nhũng, lãng phí đã bước vào giai đoạn bước ngoặt, và quyết liệt chưa từng có!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.