Sáng 2/12, tại Hồ Tràm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 (VLF 2024) diễn ra ngày thứ hai, cũng là ngày chính trong chương trình.
Khoảng 500 đại biểu cùng tham dự với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại VLF 2024. Sự kiện mang chủ đề: "Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics".
"Tôi đặt vị trí của ngành logistics trong tổng thể thế giới hiện nay để chúng ta tiếp tục phát triển ngành… Ngoài ra, chúng ta cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của logistics", Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cách suy nghĩ để thực hiện: "Sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển".
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bà Rịa - Vũng Tàu: Tỉnh phải đi đầu trong quá trình phát triển logistics của cả đất nước trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra hàng loạt điểm nghẽn trong logistics tại Việt Nam. Đơn cử, chi phí ngành chiếm tới khoảng 18% của GDP Việt Nam trong khi mức trung bình thế giới là 10-11%.
Những vấn đề khác phải đương đầu bao gồm thị trường của ngành logistics còn nhỏ, ngành vẫn thiếu nguồn nhân lực, điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng và vật chất (phát triển cơ sở hạ tầng chưa đủ). Thủ tướng dẫn chứng: lượng cảng cạn (ICD) tại Việt Nam còn rất nhỏ, sắp tới phải tăng cường xây dựng các cảng cạn ở nhiều vùng, nhiều tỉnh.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải nhìn thẳng vào sự thật như vậy để suy nghĩ và tìm ra giải pháp. Giải pháp số 1 hiện nay là giảm chi phí của ngành (18% GDP) xuống còn khoảng 15%. Thứ hai, thúc đẩy quy mô của ngành phát triển hơn nữa, từ tỷ lệ đóng góp vào nền kinh tế khoảng 10% hiện nay lên 15%, và phải phấn đấu cao hơn.
Giải pháp thứ 3 từ Thủ tướng là ngành logistics, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu, phải tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 16% hiện nay lên 20%.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành phải tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của logistics trong nền kinh tế quốc gia; tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng logistics như phát triển đường sắt tốc độ cao, các tuyến hàng hải, dịch vụ hàng không…
Thủ tướng yêu cầu ngành tăng cường phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực cao; tiếp tục hiện đại hóa ngành; xây dựng và phát triển các khu thương mại tự do để kết nối các khu thương mại tự do của thế giới; và kết nối chặt chẽ các phương thức giao thông trên toàn quốc.
Cùng dự với Thủ tướng tại VLF 2024 còn có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh; Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh.
Vào ngày 1/12, ngày đầu tiên của diễn đàn, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại các cảng, trung tâm logistics lớn ở Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực lân cận cho các đại biểu.
Các địa điểm cho chuyến đi thực tế này gồm cảng Gemalink trong hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải tại thị xã Phú Mỹ thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tháng 6/2024, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được Ngân hàng Thế giới và hãng xếp hạng quốc tế S&P Global xếp thứ 7 thế giới về chỉ số hoạt động cảng container (CPPI - Container Port Performance Index). Vị trí này trên cả Yokohama Nhật Bản (thứ 9), Hồng Kông (thứ 15) và Singapore (đứng 17). Vào năm 2023, Cái Mép - Thị Vải đứng thứ 12.
Cảng Gemalink được thiết kế là cảng thông minh, giúp Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường logistics quốc tế cạnh tranh khốc liệt. Cuối tháng 3/2023, Cảng Gemalink đón siêu tàu container lớn nhất thế giới có tên OOCL Spain của hãng tàu OOCL với sức chở 24.188 TEU (tương đương 24.188 container loại 20 feet) trên chuyến hành trình đầu tiên kết nối Á-Âu. Sự kiện "đình đám" này càng ghi tên Gemalink và cụm Cái Mép - Thị Vải đậm thêm lên bản đồ hàng hải của các hãng tàu quốc tế.
Tại Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2- năm 2024 diễn ra tại TP.HCM ngày 31/10, ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc Gemalink, mô tả kích thước của siêu tàu container này: "Chiều dài 400m, nghĩa là gấp 4 lần mặt sân bóng đá của sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Tàu cao tới 22 tầng. Thiết kế thông minh của cảng chúng tôi bảo đảm để làm hàng cho con tàu".
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải gồm các cảng quốc tế như Gemalink của Gemadept ("đại gia" ngành logistics Việt Nam), cảng CMIT, TCIT, TCCT, cảng SP-PSA, cảng SITV và cảng container Cái Mép. Trong đó, cảng CMIT lần đầu tiên đón chiếc tàu container lớn nhất thế giới vào tháng 10/2020 đến làm hàng; đó là tàu Margrethe Maersk quốc tịch Đan Mạch với chiều dài gần 400m và sức chở lên đến 18.340 container loại 20 feet.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của tập đoàn đầu tư VinaCapital, cho biết Gemadept đã có kế hoạch tăng gấp đôi số cầu cảng tại cảng Gemalink trong cụm Cái Mép - Thị Vải trong năm 2025. Theo ông Kokalari, tổng công suất của cả cụm dự kiến sẽ tăng hơn 10% vào năm tới.
Trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều thành tích trong việc thu hút FDI, phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, đóng vai trò dẫn dắt trong liên kết vùng của Đông Nam bộ. Nhờ nguồn thu ngân sách từ dầu khí, đầu tư phát triển công nghiệp, kinh tế cảng biển và dịch vụ, tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực với cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ và là một trong những đô thị dẫn đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người.
Đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng về du lịch, tài chính, cảng biển và logistics.
Theo Nghị quyết số 24 ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị và Quyết định số 370 ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng việc "hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”.
Quyết định số 200 ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng giao nhiệm vụ “hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác, tiếp thị và mở rộng nguồn hàng, nâng cao lưu lượng hàng hóa tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, đưa cụm cảng trở thành đầu mối thu gom và trung chuyển hàng hóa trong khu vực”.
Vì vậy, việc sớm thành lập khu thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là đòn đẩy quan trọng góp phần hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo sự cộng hưởng nhằm khơi dậy các tiềm năng sẵn có của tỉnh.
Chủ đề “Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics” của VLF 2024 cũng truyền đi thông điệp ủng hộ việc sớm thành lập khu thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thời gian qua, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu về các khu thương mại tự do trên thế giới. Đây là một loại hình khu kinh tế có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics. Hiện tại, Việt Nam chưa có khu thương mại tự do. Vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã được Quốc hội thông qua cơ chế thí điểm thành lập khu thương mại tự do, là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.