Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải gần đây đã được ZIM, một trong 10 hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay, chọn làm trung tâm trung chuyển của ZIM tại khu vực Đông Nam Á.
Theo thông tin từ ZIM, sản lượng hàng hóa của hãng qua khu vực Cái Mép - Thị Vải đã tăng gấp 5 lần từ năm 2020.
Trong danh sách xếp hạng năm 2024 của Ngân hàng Thế giới World Bank và tổ chức Standard & Poor Market Research về những cảng container hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới, Cái Mép - Thị Vải đứng hạng 7 toàn cầu theo chỉ số CPPI (Container Port Performance Index: chỉ số hoạt động cảng container). Vị trí này trên cả Yokohama Nhật Bản (thứ 9), Hồng Kông (thứ 15), và Singapore (đứng 17).
Tuần thứ 3 trong tháng 7 vừa qua Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) thuộc cụm Cái Mép - Thị Vải đón tàu ZIM FALCON, chuyến tàu đầu tiên trên tuyến ZEX của ZIM.
Đây là tuyến dịch vụ thương mại điện tử tốc hành của ZIM đi bờ Tây nước Mỹ. Nhờ tuyến ZEX, thời gian vận chuyển từ Cái Mép - Thị Vải đến Los Angeles chỉ 18 ngày, là tuyến dịch vụ có thời gian vận chuyển nhanh nhất từ Việt Nam đến Mỹ. Trước đây, hàng container từ Việt Nam đi mất 30 - 45 ngày tùy vào cảng đến.
Hãng ZIM (mã chứng khoán trên sàn New York NYSE: ZIM) tái khởi động tuyến ZEX nối miền Nam Trung Quốc với bờ Tây nước Mỹ vào tháng 11/2023 dựa trên nhu cầu ngày càng tăng của thị trường thương mại điện tử toàn cầu. ZEX được ra mắt lần đầu vào năm 2020 nhưng phải tạm ngưng vì những gián đoạn logistics quốc tế trong thời gian đại dịch Covid.
Và từ năm 2022 đến nay, các liên minh hãng tàu quốc tế đã đưa thêm 17 tuyến dịch vụ mới vào cụm Cái Mép - Thị Vải, nâng tổng số tuyến tàu container tại đó lên 51 tuyến/tuần, theo số liệu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó có 37 tuyến quốc tế, gồm 13 tuyến châu Á, 19 tuyến đi châu Mỹ, 4 tuyến đi châu Âu, 1 tuyến Âu-Mỹ và 14 tuyến nội địa.
Đây được xem là bước phát triển nhảy vọt, chưa từng xảy ra trong suốt 14 năm khai thác của cụm Cái Mép - Thị Vải, nơi chỉ cách TP.HCM khoảng 2 giờ đường bộ.
Cụm này gồm các cảng quốc tế như Gemalink của Gemadept ("đại gia" ngành logistics Việt Nam), cảng CMIT, TCIT, TCCT, cảng SP-PSA, cảng SITV và cảng container Cái Mép. Trong đó, cảng CMIT lần đầu tiên đón chiếc tàu container lớn nhất thế giới vào tháng 10/2020 đến làm hàng; đó là tàu Margrethe Maersk quốc tịch Đan Mạch với chiều dài gần 400m và sức chở lên đến 18.340 container loại 20 feet.
Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa -Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia. Trong đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải giữ vai trò then chốt, cửa ngõ trung chuyển quốc tế lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế.
Trong phương hướng phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, việc tiếp tục phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải được gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á; đó là cửa ngõ ra biển chủ yếu của Đông Nam Bộ.
Việc xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia đã và đang được định hướng rõ ràng thông qua nhiều chính sách. Trong đó, cụm Cái Mép - Thị Vải vốn đang chiếm đến 50% lượng hàng container của khu vực, sẽ tiếp tục tăng công suất vận hành.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của tập đoàn đầu tư VinaCapital, cho biết Gemadept đã có kế hoạch tăng gấp đôi số cầu cảng tại cảng Gemalink trong cụm Cái Mép - Thị Vải trong năm 2025. Theo ông Kokalari, tổng công suất của cả cụm dự kiến sẽ tăng hơn 10% vào năm tới.
Bên cạnh phát triển hệ thống cảng biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của hệ thống cảng biển với các cụm cảng cạn trong hành lang vận tải TP.HCM - Vũng Tàu.
Kế hoạch phát triển cảng cạn của tỉnh bao gồm cụm cảng cạn Mỹ Xuân, Phú Mỹ - Phước Hòa, cảng cạn Phú Mỹ (trong Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3) và cảng cạn Phước Hòa. Trong đó, CTCP Thanh Bình Phú Mỹ khai trương hoạt động của cảng cạn Phú Mỹ (giai đoạn đầu) vào tháng 10/2023, là cảng cạn đầu tiên trong tỉnh.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ thống cảng cạn của tỉnh nằm trên hành lang vận tải TP.HCM - Vũng Tàu với năng lực thông qua hàng hóa đến năm 2030 khoảng từ 530 -750 ngàn TEU/năm (1 TEU tương đương 1 container loại 20 feet).
Đáng chú ý, cụm cảng cạn Phú Mỹ - Phước Hòa, cảng cạn Phú Mỹ và cảng cạn Phước Hòa nằm trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư.
Trong đó, cảng cạn Phú Mỹ kết nối với đường khu công nghiệp, đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, và được quy hoạch với diện tích 30 - 40ha tới năm 2030 và năng lực lực thông qua hàng hóa đạt 300 - 400 ngàn TEU. Tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn bộ cảng cạn này khoảng 1.050-1.400 tỷ đồng.
Cũng theo quy hoạch, cảng cạn Phước Hòa sẽ có phương thức kết nối đa dạng với đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường thủy nối với kênh Rạch Ông và luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải. Ngoài ra, Phước Hòa cũng sẽ kết nối với ga cuối của đường sắt khu vực Cái Mép theo quy hoạch. Tới năm 2030, cảng cạn Phước Hòa sẽ có tổng diện tích từ 15-20ha và năng lực thông qua hàng hóa đạt 150-200 ngàn TEU/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.