Dân Việt

Thanh Hóa: Xây dựng thôn thông minh, kéo gần khoảng cách nông thôn - thành thị

Hữu Dụng 02/12/2024 15:16 GMT+7
Triển khai mô hình "Thôn thông minh" là một trong những yêu cầu để đạt mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM kiểu mẫu tại Thanh Hóa. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cũng là tiền đề để hướng tới mô hình xã NTM thông minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, kéo gần hơn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.

Những thôn, xã đi trước, đón đầu

Tại Thanh Hóa, để được công nhận huyện NTM nâng cao, mỗi huyện phải có ít nhất 1 xã đạt chuẩn NTM thông minh. Do vậy, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, các địa phương đã sớm lựa chọn, hướng dẫn các xã triển khai thực hiện các tiêu chí xã thông minh.

Thanh Hóa: Xây dựng thôn thông minh, kéo gần khoảng cách nông thôn - thành thị - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa dự chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư thôn 1, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn.

Năm 2022, sau khi được công nhận xã NTM kiểu mẫu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vân Sơn (huyện Triệu Sơn) tiếp tục triển khai các giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực để xây dựng xã NTM thông minh bền vững. Từ quyết tâm đó, Vân Sơn đã huy động được 1,1 tỷ đồng để thực hiện chuyển đổi số và chọn thôn 8 để xây dựng mô hình thôn thông minh.

Đến nay, 100% các hộ dân trong thôn đã sử dụng điện thoại thông minh; trên 90% hộ đã lắp mạng internet cáp quang, mạng 3G/4G; 206/206 hộ dân tham gia các nhóm zalo thôn để tương tác, tiếp nhận thông tin của thôn, của xã một cách nhanh chóng, chính xác và thuận tiện. Hệ thống camera an ninh đã phủ khắp thôn, xóm và các điểm sinh hoạt cộng đồng.

Ngoài ra, các hộ dân đã lắp đặt 87 mắt camera an ninh tại gia đình; nhà văn hóa thôn được lắp đặt ti vi màn hình lớn kết nối wifi tốc độ cao phục vụ các hội nghị trực tuyến, tra cứu, nắm bắt thông tin. Bên cạnh đó, thôn còn ứng dụng công nghệ để quản lý, điều chỉnh bật tắt điện chiếu sáng công cộng và hệ thống thông tin tuyên truyền đến với người dân... Hiện tại, có trên 72% người dân trong độ tuổi lao động tại thôn 8 có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu; 100% nhà ở trong thôn được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số... Với kết quả này, năm 2023, thôn 8 đã được công nhận thôn thông minh.

Đến thôn 4, thôn thông minh đầu tiên của xã NTM kiểu mẫu Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa), ngoài cảnh quan sạch đẹp, ai cũng ấn tượng bởi mức độ số hóa lan tỏa rất nhanh trong cuộc sống người dân nơi đây. Hiện nay, toàn bộ hệ thống camera an ninh trong thôn 4 đã phủ khắp từng ngõ ngách, từ trục đường chính cho đến từng hộ dân. Tại nhà văn hóa thôn rộng 50m2, đã được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao phục vụ học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn... Tình hình giao thông, an ninh trật tự trong thôn cán bộ đều nắm được qua hệ thống camera. Đến nay, tỷ lệ sử dụng mạng wifi của các hộ dân đạt hơn 90%.

Trước đây, khi thông báo về các sự kiện, hội họp, cán bộ thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long (huyện Yên Định) thường sử dụng loa truyền thanh hoặc giấy mời. Tuy nhiên, do một số nơi, người dân sống không tập trung nên không nắm bắt thông tin kịp thời. Giờ đây, với ứng dụng Zalo, người dân địa phương đã nhận được thông tin mọi lúc, mọi nơi.

Thanh Hóa: Xây dựng thôn thông minh, kéo gần khoảng cách nông thôn - thành thị - Ảnh 2.

Xã NTM kiểu mẫu Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngoài cảnh quan sạch đẹp, ai cũng ấn tượng bởi mức độ số hóa lan tỏa rất nhanh trong cuộc sống người dân nơi đây

Bà Nguyễn Thị Dinh, Bí thư Chi bộ thôn Tân Ngữ 2 cho biết: Hiện nhóm Zalo của thôn đã có 203 thành viên trên 283 hộ tham gia, tương tác rất tốt. "Đối với mô hình camera an ninh, lãnh đạo thôn đã họp với các tổ an ninh xã hội để lắp camera ở các ngõ xóm, nhờ đó, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo rất tốt", bà Dinh nói.

Chuyển đổi số là tiền đề quan trọng

Trên cơ sở quy định của Bộ NNPTNT, Sở TTTT tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 11 nội dung tiêu chí hướng dẫn các xã thực hiện tiêu chí xã thông minh như: Có tối thiểu 25% số thôn thông minh; 100% văn bản đến và văn bản đi được xử lý, ký số trên môi trường mạng; Xã có hệ thống phòng họp trực tuyến kết nối đến thôn; sử dụng nền tảng số để chỉ đạo, điều hành; 80% người dân trong độ tuổi lao động có điện thoại thông minh, tài khoản thanh toán điện tử; có hệ thống camera giám sát an ninh trật tự.

Hiện nay, hầu hết các thôn được chọn xây dựng thôn thông minh trên địa bàn Thanh Hóa đều đã thành lập trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội Zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện. Cùng với sự hỗ trợ của xã, các thôn đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến trục đường chính...

Thanh Hóa: Xây dựng thôn thông minh, kéo gần khoảng cách nông thôn - thành thị - Ảnh 3.

Hệ thống camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến trục đường chính ở các xã của tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, các địa phương cũng quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức cho người dân nhằm thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh; kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nên tảng điện tử, nhất là các sản phẩm OCOP.

Ông Ngô Văn Thận, Chủ tịch MTTQ xã Định Long (huyện Yên Định) cho biết: Trong quá trình xây dựng xã NTM thông minh, MTTQ xã đã triển khai mô hình lập tổ xung kích đến tận các thôn để hướng dẫn người dân nhập các dữ liệu, nhận được sự đồng tình và ủng hộ rất lớn.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thiệu Hóa cho biết: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã và đang tích cực triển khai xây dựng thôn thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số, với tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 99%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên 99%. "Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện, đã từng bước ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, mở rộng thị trường; nhiều phương thức kinh doanh, dịch vụ, ngành nghề mới xuất hiện góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân...", ông Hòa nói.

Ông Hoàng Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết: Ngay từ đầu năm 2023, huyện đã giao nhiệm vụ cho các địa phương tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về CĐS; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng thí điểm mô hình CĐS phù hợp với điều kiện thực tế. Kết quả là, đến nay, toàn huyện đã có 4 xã hoàn thành CĐS. Cùng với đó, người dân trong huyện đã từng bước tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, chính quyền 2 cấp đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.

Thanh Hóa: Xây dựng thôn thông minh, kéo gần khoảng cách nông thôn - thành thị - Ảnh 4.

Một góc xã NTM kiểu mẫu Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

"Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng NTM tại Hà Trung đã giúp thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã. Qua đó, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Đây cũng tiền đề để địa phương hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh", Phó Chủ tịch UBND Hà Trung khẳng định.

Theo Văn phòng điều phối xây dựng NTM Thanh Hóa, tính đến cuối tháng 11/2024, toàn tỉnh có 3 xã đã đạt NTM thông minh là xã Định Hưng, Định Long (huyện Yên Định) và xã Tây Hồ (huyện Thọ Xuân). Đây là những mô hình điểm để nhân ra diện rộng việc xây dựng các xã thông minh, góp phần xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh.