Thanh Hóa: Vật nuôi mới, cây trồng mới, động vật hoang dã giúp nông dân Như Thanh có thu nhập tốt
Thanh Hóa: Vật nuôi mới, cây trồng mới, cách làm mới giúp nông dân huyện Như Thanh tăng thu nhập
Hữu Dụng - Lương Hà
Chủ nhật, ngày 01/12/2024 07:00 AM (GMT+7)
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" thời gian qua đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên các cấp hội nông dân huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa) cùng tham gia, tạo ra nhiều phong trào sôi nổi.
Qua phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" của Hội Nông dân huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Với quyết tâm củng cố và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, các cấp Hội Nông dân huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa) đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai các đợt thi đua, các cuộc vận động, các hoạt động của Hội. Đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, đa dạng hóa mô hình hoạt động, hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp hội viên, nông dân; mở rộng đối tượng kết nạp hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ hội.
Thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo lợi ích thiết thực, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với hội viên, nông dân. Với phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã tập trung xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các hoạt động công tác Hội; tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hoạt động của Hội.
Qua đó, đã xuất hiện nhiều điển hình trong phát triển kinh tế như: Mô hình nuôi nhung hươu của gia đình anh Lê Văn Lâm, ở thôn Đồng Sình, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa) hiện gia đình anh đang luôn khoảng 50 hươu.
Năm 2021, anh đã đến các trang trại lớn để tìm hiểu và học cách nuôi hươu. Theo anh Lê Văn Lâm cho biết, để nuôi hươu đạt hiệu quả thì người nuôi phải chứ trọng đến nguồn thức ăn đảm bảo đầy đủ.
"Hươu sao là loài động vật hoang dã nên sức đề kháng cao, ít bệnh, dễ thích nghi với mọi điều kiện khí hậu. Khẩu phần ăn của hươu sao cũng đơn giản, mỗi ngày chỉ ăn 2 lần sáng và chiều. Đặc biệt, giai đoạn hươu lên nhung thì bồi bổ thức ăn có hàm lượng tinh bột cao để nhung đạt trọng lượng cao, bán được giá. Hươu nuôi khoảng 2 năm là cho nhung, nhưng do hươu còn tơ nên nhung nhỏ. Phải từ 5 - 7 tuổi, hươu đạt độ tuổi trưởng thành mới cho nhung to và chất lượng", anh Lâm nói về kỹ thuật chăm sóc hươu.
Hiện với giá bán nhung hươu tươi giao động từ 10 - 18 triệu đồng/kg. Ngoài việc bán nhung hươu tươi, anh Lâm còn phối giống, cho hươu sinh sản để bán giống. Sau 3 - 4 tháng, hươu có thể xuất bán với giá từ 10 - 15 triệu đồng/con (hươu đực) và từ 8 - 10 triệu đồng/con (hươu cái). Mỗi năm, anh Lâm xuất bán trên 10 hươu giống ra thị trường.
Ngoài mô hình nuôi hươu sao lấy nhung của gia đình anh Lê Văn Lâm, ở khu Xuân Điền, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, gia đình anh Lê Duy Vinh cũng là một trong những điển hình làm kinh tế của địa phương. Hiện anh Vinh đang chọn trồng hoa, cây cảnh làm hướng phát triển kinh tế của gia đình.
Hiện tại vườn của anh Lê Duy Vinh có hơn 300 gốc hoa giấy, 700 gốc hoa mẫu đơn, 1.000 gốc hoa nguyệt quế, 1.500 gốc mai vạn phúc và còn nhiều loại hoa khác như: Hoa phát tài, trầu bà thanh xuân, cây đại đế, cây phú quý .... Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, mô hình này giúp cho gia đình anh Vinh có thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Nguồn cây cảnh anh Lê Duy Vinh còn đi khắp các tỉnh thành chọn mua các loại cây cảnh có gia trị cao, từ vài chục triệu đồng đến cả 100 triệu đồng/cây.
Ngoài những mô hình kinh tế trên, huyện Như Thanh cũng có nhiều mô hình phát triển kinh tế điển hình khác của hội viên nông dân án mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: mô hình nuôi dúi của hội viên Lê Đình Sỹ ở thôn Đồng Hơn, mô hình trồng bí đao áp dụng công nghệ cao của hộ gia đình Quách Thị Huyên, thôn Trạch Khang xã Xuân Khang; Mô hình trang trại tổng hợp (nuôi lợn, gà Lạc thủy, trồng rau an toàn, nuôi ong lấy mật, trồng cây ăn quả) của hội viên Nguyễn Danh Hoàng thôn Bái gạo 2, xã Mậu Lâm; mô hình trồng bưởi đạt tiêu chuẩn Vietgap của hộ hội viên Nguyễn Phú Trinh ở thôn Hải Tân, xã Hải Long…
Tạo sức thi đua, đoàn kết xây dựng phong trào hội
Có thể khẳng định, hoạt động hỗ trợ nông dân và các phong trào thi đua "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" của Hội Nông dân huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã có sức hút và tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân, qua đó góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân ở huyện Như Thanh cũng đã chủ động, tích cực tham gia thực hiện mô hình khác như: "Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại khu dân cư", mô hình "Thu gom xử lý rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng rộng" góp phần cùng huyện xây dựng NTM được triển khai rộng khắp, tập trung hoạt động nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên nông dân trong việc tham gia phong trào xây dựng NTM.
Vận động hội viên, nông dân hiến 0.8 ha đất; cải tạo, xây dựng được 75 cầu, cống dân sinh, trị giá 121 triệu đồng; xây dựng được 0,65 km trục đường nội đồng, trị giá 351 triệu đồng; 304 bể gom rác thải sinh hoạt; 536 hộ cải tạo, làm mới hàng rào bao quanh nhà ở khu dân cư.
Cùng với đó, các cấp hội đã tổ chức 78 buổi tuyên truyền cho 7.481 lượt người. Công tác tuyên truyền có nhiều đổi mới đặc biệt trong sử dụng các nền tảng số. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong công tác xây dựng Hội và phong trào nông dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền tạo nên sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nông dân với cấp ủy đảng, chính quyền.
Ngoài ra các cấp Hội Nông dân huyện Như Thanh còn phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 385 tấn phân bón trả chậm; tổ chức lễ bàn giao gà giống và vật tư hỗ trợ dự án "Liên kết nuôi gà ri lai an toàn theo chuỗi giá trị" cho 134 gia đình hội viên nông dân tại 2 xã Thanh Kỳ và Xuân Thái với 13.400 con gà 15 ngày tuổi; 39,798 tấn cám; 134 lít chế phẩm xử lý chuồng trại và 268 kg men tiêu hóa; trực tiếp vận động, hướng dẫn xây dựng thành lập mới 4 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, 9 tổ tự quản bảo vệ môi trường, 3 tổ hợp tác; vận động hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng 83/100 mô hình kinh tế hộ…
Qua đó, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" của Hội Nông dân huyện Như Thanh đã được đổi mới, đi vào chiều sâu. Ngày càng có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi quy mô lớn, phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Như Thanh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về "đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới"; Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp; tập trung, thu hút hội viên tham gia các hoạt động Hội và phong trào thi đua do Hội phát động nhằm tăng cường khối đại đoàn kết, nâng cao vai trò chủ thể của nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng tổ chức Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Thanh Hóa ngày càng vững mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.