Nằm ở phía Tây - Nam của châu thổ sông Mã - sông Chu, vùng đất bán sơn địa Triệu Sơn có tới hơn 11.000 ha đất lúa, trong đó, có khoảng 25.000 hộ dân sản xuất nông nghiệp. Ngoài lợi thế về đất đai màu mỡ, địa phương này còn được ưu đãi khi nằm gần TP Thanh Hóa, đô thị trung tâm của xứ Thanh.
Trong tương lai, khi huyện Đông Sơn sáp nhập vào TP Thanh Hóa, Triệu Sơn được quy hoạch sẽ trở thành vùng phụ cận phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, dịch vụ.
Đón đầu hướng đi này, trong thời gian qua, Triệu Sơn rất chú trọng đến việc xây dựng quy hoạch không gian phát triển kinh tế, xã hội, tạo nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương.
Xác định hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, trong đó, hoàn thiện giao thông nông thôn phải thực hiện đầu tiên. Tháng 7/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn đã ban hành nghị quyết số 12-NQ/HU về tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với việc vận động nhân dân hiến đất mở đường.
Ông Lê Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn cho biết: Sau hơn 20 tháng nghị quyết đi vào cuộc sống, toàn huyện có trên 15.500 hộ tham gia hiến đất với tổng diện tích 48,9ha, từ đó, mở rộng được trên 462 km đường giao thông nông thôn.
Theo thống kê, toàn bộ 254 thôn trong huyện đều có hộ gia đình hiến đất. Không chỉ vậy, các hộ còn tự nguyện phá dỡ nhiều công trình kiến trúc, tường rào để cho những con đường được rộng mở. Đến nay, tổng giá trị đất được hiến để làm đường giao thông khoảng 3.000 tỷ đồng. "Triệu Sơn là một trong số ít huyện ban hành một Nghị quyết riêng biệt về việc hiến đất làm đường.
Điều này thể hiện rõ mục tiêu, quyết tâm của chúng tôi, đề từ đó đưa ra các phương pháp và thực hiện chúng bài bản, rõ ràng", ông Tuấn khẳng định.
Trong quá trình thực hiện nghị quyết 12, trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân đi trước mở đường, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong việc hiến đất tại địa bàn dân cư.
Trong đó, có thể kể đến nhà ông Lê Gia Khoa (trú thôn 1, xã Dân Quyền) đã tự nguyện phá dỡ căn nhà 3 gian với công trình phụ để hiến 135m2 đất nhằm mở ngõ cụt; bà Nguyễn Thị Hằng (trú ở thôn 1, xã Dân Lực) sau khi thấy hiệu quả từ việc hiến đất mở đường từ các thôn lân cận, đã chủ động hiến 93,4m2 đất cho địa phương; ông Võ Văn Giáp (trú thôn 4, xã Thọ Tiến) hiến đất, phá bỏ tường rào, công trình nhà ở trị giá khoảng 200 triệu đồng; ông Phạm Viết Hà (trú thôn 1, xã Minh Sơn) dù hoàn cảnh còn khó khăn nhưng vẫn chủ động phá dỡ 1 gian nhà đang ở và tường rào, hiến gần 60m2 đất trị giá gần 100 triệu đồng; năm 2023, ông Nguyễn Hữu Xuân, một người con của xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), đã tài trợ xây dựng nông thôn mới cho địa phương này với tổng số tiền khoảng 47 tỉ đồng....
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Thanh Hóa: Trong giai đoạn 2021-2023, người dân toàn tỉnh đã hiến gần 1,5 triệu m2 đất (trong đó, đất ở hơn 600 nghìn m2, đất khác gần 900 nghìn m2); di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư (trị giá hơn 57 tỷ đồng); phá dỡ hơn 2.400 công trình (gồm tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh..., trị giá hơn 90 tỷ đồng).
Không chỉ vậy, nhân dân còn đóng góp tiền mặt hơn 640 tỷ đồng và hơn 590.000 ngày công lao động (trị giá khoảng 202 tỷ đồng) để xây dựng lại tường bao, công trình công cộng mới cũng như mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn.
Thực hiện phong trào thi đua này, người dân Triệu Sơn dẫn đầu toàn tỉnh khi đã hiến tới hơn 350.000m2 đất. Từ phong trào chung, nhiều hộ dân đã không tiếc những "tấc vàng, điển hình như gia đình ông Lê Quang Hòa (trú thôn Thạch Khê Tiên, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn) hiến tới 150m2 đất ở cùng ngôi nhà ở cấp 4 diện tích 50m2, nhà máy xay xát gạo 40m2, nhà bếp và 50m tường rào với tổng trị giá 300 triệu đồng để mở rộng đường thôn; gia đình ông Phan Xuân Thịnh (trú thôn 5, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn) hiến hơn 250m2 đất ở giá trị trên 2 tỷ đồng; gia đình ông Phạm Sỹ Giới (trú thôn Hiền Đông, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương) hiến hơn 100m2 đất để xây dựng tường rào, bỏ ra 250 triệu đồng để đổ đường bê tông vào khu dân cư với chiều dài 105m…
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ năm 2021 đến nay, từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, của người dân và các chương trình, dự án… các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo gần 3.600km đường giao thông nông thôn; 1.042km kênh mương và rãnh thoát nước; 339 công trình thủy lợi; 3.495 phòng học các cấp; 1.682km đường điện, 418 trạm biến áp; 85 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 1.052 nhà văn hóa thôn; 92 chợ nông thôn; 105 trạm y tế xã; chỉnh trang hơn 58.800 nhà ở dân cư... Từ đó, góp phần tạo ra diện mạo khang trang, sạch đẹp, hình thành nên nhiều miền quê đáng sống.
Sau khi mở rộng đường, các địa phương đã huy động nguồn lực từ nhân dân để xây dựng mới cổng, tường rào, mương thoát nước, di dời cột điện, đổ bê tông, nhiều tuyến đường được trồng hoa, cây xanh, điện chiếu sáng mang lại cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; diện mạo, bộ mặt nông thôn thay đổi cơ bản, nhiều vùng quê trở nên đáng sống, đặc biệt Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước".