Dân Việt

Cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan lãnh án tử hình

Chinh Hoàng 03/12/2024 11:55 GMT+7
Cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan bị HĐXX tại TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt mức án tử hình trong phiên xét xử phúc thẩm giai đoạn 1.
Cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan lãnh án tử hình- Ảnh 1.

Cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt án chung thân giai đoạn 1 phiên phúc thẩm. Ảnh: X.H

Ngày 3/12, TAND tiếp tục tổ chức xét xử và tuyên án vụ án Vạn Thịnh Phát phúc thẩm giai đoạn 1. Theo đó, HĐXX tuyên phạt cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan mức án tử hình. 

Tham ô tài sản (tử hình), Đưa hối lộ (20 năm), "Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" (16 năm). Như vậy bị cáo Trương Mỹ Lan lãnh án tử hình giai đoạn 1 phúc thẩm, theo HĐXX.

Trước đó tại tòa, VKS ghi nhận thêm tình tiết bà Lan thành khẩn khai báo, cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại... đề nghị HĐXX giảm nhẹ từ 20 năm xuống 16-18 năm tù về tội "Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". 

Cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan lãnh án tử hình- Ảnh 2.

Bị cáo Chu Lập Cơ 

Tuy nhiên, VKS giữ nguyên quan điểm của tòa sơ thẩm, xác định bà Lan có vai trò cầm đầu, phạm tội mang tính chất tinh vi... nên dù có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ vẫn chưa đủ để giảm nhẹ đối với 2 tội còn lại. Từ đó, VKS đề nghị y án tử hình về tội Tham ô tài sản và 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; tổng hợp hình phạt bà Lan phải chịu là tử hình.

Cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan lãnh án tử hình- Ảnh 3.

Bị cáo Trương Huệ Vân

Theo quan điểm của đại diện VKS, bị cáo Lan đã tích cực đưa nhiều mã tài sản vào khắc phục hậu quả vụ án... Tuy nhiên, nhiều tài sản chưa được các cơ quan tố tụng xác định có đầy đủ giá trị pháp lý, để từ đó xác định giá trị là bao nhiêu.

Đại diện VKS cho rằng hậu quả của vụ án là đặc biệt lớn, chưa từng có từ trước đến nay, chưa biết khi nào mới khắc phục được. Đồng thời giữ nguyên quan điểm các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Lan.

VKS phân tích, điều luật này quy định "người bị kết án tử hình mà sau khi bị kết án đã nộp lại 3/4 tài sản, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong việc giải quyết vụ án..." - tức là người bị kết án phải chủ động tự mình hoặc nhờ người thân nộp, hoặc không phản đối việc người thân, nộp lại số tiền bằng 3/4 tiền chiếm đoạt. Như vậy, bị cáo phải giao nộp lại ít nhất là 280.000 tỷ đồng thì mới có căn cứ xem xét...

Theo hồ sơ, từ năm 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Hành vi trong giai đoạn này của bà Lan là phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Do Bộ luật Hình sự 2015 có sự thay đổi về đường lối xử lý đối với các sai phạm xảy ra tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018 (Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) nên hành vi này của bà Lan phạm tội "Tham ô tài sản".

Trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng, trong đó có 483.000 tỷ đồng nợ gốc. Trong số các khoản vay này thì các khoản vay của bà Lan chiếm đến 84%, đều thuộc nợ xấu nhóm 5.

Theo VKS, kết quả xác minh tại Sở Kế hoạch Đầu tư cũng xác định, các pháp nhân được dùng để lập hồ sơ vay vốn đều mới thành lập; phương án vay vốn cũng đươc lập khống, tài sản đã được nâng khống giá trị. Trong các khoản giải ngân, xác định số tiền để trả nợ các khoản vay cũ từ trước năm 2012 là 57.000 tỷ, sử dụng nội bộ là 5.200 tỷ đồng, còn lại chuyển ra khỏi ngân hàng thông qua các cá nhân, tổ chức rút tiền mặt...

Do đó, hành vi của bị cáo lan có dấu hiệu "Tham ô tài sản" nhưng do là ngân hàng thương mại cổ phần SCB không có vốn của nhà nước; hành vi của bị cáo xảy ra trước thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực (1/1/2018) nên không xử lý về tội này "là có lợi cho bị cáo".

VSK cho rằng, bà Lan đã rút tiền của SCB dùng để đầu tư các dự án bất động sản, trả nợ cá nhân. Hành vi chiếm đoạt của bị cáo còn thể hiện ở việc chỉ đạo đồng phạm vận chuyển một số tiền mặt 108.000 tỷ đồng và 14 triệu USD từ ngân hàng về chỗ ở sử dụng mục đích cá nhân...