Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị VKS tiếp tục đề nghị mức án tử hình

Chinh Hoàng Thứ hai, ngày 25/11/2024 12:35 PM (GMT+7)
Trong phiên xét xử phúc thẩm ngày 25/11 đối với vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan tiếp tục bị VKS đề nghị mức án tử hình. VKS giữ nguyên quan điểm xác định số tiền chiếm đoạt và tội danh đối với bà Lan như nêu trong bản án sơ thẩm.
Bình luận 0

Ngày 25/11, tại TAND Cấp cao TP.HCM tiếp tục diễn ra phiên xét xử phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1.

Theo đại diện VKS, quan điểm đối đáp về nhiều nội dung tranh luận mà bà Trương Mỹ Lan và các luật sư đã nêu ra trong quá trình bào chữa những ngày làm việc vừa qua.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị VKS tiếp tục đề nghị mức án tử hình- Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan tiếp tục bị VKS đề nghị mức án tử hình. Ảnh: X.H

VKS ghi nhận sự chuyển biến trong nhận thức của bị cáo và tích cực trong việc khắc phục hậu quả, song, hậu quả của vụ án là đặc biệt lớn, có án tử hình đối với Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan. Do đó, VKS cho rằng việc xem xét hình phạt tử hình cho bị cáo sẽ được xem xét trong giai đoạn thi hành án.

Nêu quan điểm luận tội, VKS cho hay: "Bị cáo Trương Mỹ Lan phải tích cực phối hợp với SCB và các cơ quan tố tụng để làm sao bán được tài sản, thu hồi được tiền nhanh nhất thì Chủ tịch nước sẽ xem xét". 

VKS đưa ra quan điểm đối đáp với từng nội dung, quan điểm của các luật sư của bá Lan đưa ra trước đó. Cụ thể, đối với quan điểm cho rằng bị cáo Lan chỉ thực hiện một hành vi xuyên suốt nhưng tách ra xử lý về 2 tội là bất lợi, theo VKS việc nhập cả hai giai đoạn theo đề nghị của luật sư sẽ làm số liệu tăng lên, gây bất lợi cho bà Lan. 

Theo VKS, căn cứ vào hồ sơ và kết quả thẩm vấn công khai, cho thấy bị cáo Lan là người sở hữu gần như tuyệt đối cổ phần của SCB, chi phối mọi hoạt động của ngân hàng. Bị cáo đã bố trí và chỉ đạo những người có vai trò chủ chốt để rút tiền SCB dùng vào mục đích cá nhân. 

Qua số liệu thể hiện, từ năm 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Hành vi trong giai đoạn này của bà Lan là phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị VKS tiếp tục đề nghị mức án tử hình- Ảnh 2.

VKS cho hay: "Bị cáo Trương Mỹ Lan phải tích cực phối hợp với SCB và các cơ quan tố tụng để làm sao bán được tài sản, thu hồi được tiền nhanh nhất thì Chủ tịch nước sẽ xem xét". Ảnh: X.H

Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Do Bộ luật Hình sự 2015 có sự thay đổi về đường lối xử lý đối với các sai phạm xảy ra tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018 (Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) nên hành vi này của bà Lan phạm tội Tham ô tài sản.

Trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng, trong đó, có 483.000 tỷ đồng nợ gốc. Theo VKS, trong số các khoản vay này thì các khoản vay của bà Lan chiếm đến 84%, đều thuộc nợ xấu nhóm 5.

Theo VKS, kết quả xác minh tại Sở Kế hoạch Đầu tư cũng xác định, các pháp nhân được dùng để lập hồ sơ vay vốn đều mới thành lập. Phương án vay vốn cũng đươc lập khống, tài sản cũng được nâng khống giá trị. Trong các khoản giải ngân, xác định số tiền để trả nợ các khoản vay cũ từ trước năm 2012 là 57.000 tỷ đồng, sử dụng nội bộ là 5.200 tỷ đồng, còn lại chuyển ra khỏi ngân hàng thông qua các cá nhân, tổ chức rút tiền mặt...

Do đó, hành vi của bị cáo Lan có đấu hiện tham ô tài sản, nhưng do là ngân hàng thương mại cổ phần SCB không có vốn của Nhà nước. Hành vi của bị cáo xảy ra trước thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực (1/1/2018) không xử lý về tội tham ô tài sản là có lợi cho bị cáo.

VSK cho rằng, bị cáo Lan đã rút tiền của SCB dùng để đầu tư các dự án bất động sản, trả nợ cá nhân. Hành vi chiếm đoạt của bị cáo còn thể hiện ở việc chỉ đạo đồng phạm vận chuyển một số tiền mặt 108.000 tỷ đồng và 14 triệu USD từ ngân hàng về chỗ ở sử dụng mục đích cá nhân.

"Hành vi của bị cáo và các đồng phạm gây thiệt hại cho SCB khoản tiền gốc và lãi đặc biệt lớn, nên VKS truy tố về tội Tham ô tài sản là phù hợp với quy dịnh của pháp luật. Như đã phân tích, hành vi của bị cáo xuyên suốt, nếu nhập 2 giai đoạn làm một số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt sẽ tăng lên, gây bất lợi cho bị cáo", VKS nêu quan điểm.

Đối với quan điểm của luật sư cho rằng bà Lan rút tiền chủ yếu để đảo nợ khoản vay cũ, tiền không ra khỏi ngân hàng, theo VKS như đã công bố số liệu đối với số tiền của 1.284 khoản vay thì ngoài tiền giải ngân để đảo nợ, bị cáo còn sử dụng vào mục đích cá nhân đã nêu. Đối với việc đảo nợ, các bị cáo đã thực hiện rút tiền ra khỏi ngân hàng, sau đó chuyển lòng vòng tạo thành nguồn tiền mới. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã hoàn thành từ lúc rút tiền ra khỏi SCB...

Trong vụ án, VKS cho rằng, trong 1.169 mã tài sản liên quan đến bị cáo Lan và nhờ người khác đứng tên thì chỉ có 60 tài sản mua trước 2012. Còn lại 94% số tài sản trên mua sau khi tham gia tái cơ cấu SCB. Các bị cáo khác nguyên là lãnh đạo, nhân viên Vạn Thịnh Phát cũng thừa nhận tập đoàn không có hoạt động kinh doanh đáng kể. Lời khai của các bị cáo cho thấy bị cáo Lan dùng tiền rút từ SCB để chi cho việc mua lại các dự án, đầu tư, chi cho người được nhờ đứng tên. Như vậy, bị cáo Lan không chỉ sử dụng tiền vay để đảo nợ mà dùng nhiều mục đích khác nhau khi tiền ra hỏi ngân hàng.

Đối với các tình tiết giảm nhẹ mới của bà Lan, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm chưa đáp ứng đủ điều kiện để giảm án tử hình theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, nêu quan điểm giải quyết đơn kháng cáo của bà Lan, VKS ghi nhận thêm tình tiết thành khẩn khai báo, cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại...; đề nghị HĐXX giảm nhẹ từ 20 năm xuống 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, VKS giữ nguyên quan điểm của tòa sơ thẩm, xác định bà Lan có vai trò cầm đầu, phạm tội mang tính chất tinh vi... nên dù có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ vẫn chưa đủ để giảm nhẹ đối với 2 tội còn lại. Từ đó, VKS đề nghị y án tử hình về tội Tham ô tài sản và 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; tổng hợp hình phạt bà Lan phải chịu là tử hình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem